| Hotline: 0983.970.780

DT22 vượt dốc, leo đồi

Thứ Hai 12/03/2012 , 10:53 (GMT+7)

Hiếm có giống nếp nào như DT22, vừa ngon vừa năng suất. Nấu xôi mùi thơm tỏa khắp nhà, bay cả ra đường. Năng suất thì khỏi chê, mỗi sào 2 tạ...

Sau khi “thu phục” nông dân ĐBSH với năng suất không thua kém lúa tẻ và chất lượng sánh ngang nếp cái hoa vàng, DT22 tiếp tục làm cuộc di cư ngoạn mục lên “thánh địa” lúa nếp của miền núi phía Bắc là các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang…

Và thật kỳ lạ ở vùng đất mới, DT22 đã làm mê mẩn nhiều bà mế, cô gái bản vốn lâu nay coi nếp nương là tuyệt đỉnh.

Tình cờ tôi biết ông Hà Thìn, người Tày. Ông mang họ Hà, sinh năm Thìn (1952), đang sống ở xã Yên Phú (Hàm Yên, Tuyên Quang). Chắc hiếm có người người miền núi nào thông hiểu và say lúa nếp như ông. Vừa làm đại lý bán giống, nhà lại có ruộng rẫy nên có giống nếp mới nào ông Hà Thìn đưa ngay vào cấy thử. 

Thăm mô hình cấy nếp DT22 ở Lục Yên (Yên Bái)

Rồi ngày ngày ông ra ruộng ngắm nhìn ruộng lúa, xem cây lúa nó “ăn uống, lớn lên” thế nào, có giống như một đứa trẻ không? Trong con người ông có 2 người nông dân- một lão nông dân thủ cựu những chăm bẵm, yêu mảnh ruộng đường cày, vun vén niêu cơm cót thóc; và một anh nông dân thời hiện đại, di xe @, lướt web, ham tiếp nhận cái mới, nhất là giống lúa mới.

Vì vừa bán vật tư nông nghiệp, giống lúa, lại vừa thạo sá cày đường bừa, biết cấy lúa 1 dảnh nên vụ mùa năm 2011 vớ được giống DT22 là ông Hà Thìn đưa vào làm liền. Chẳng nhiều nhặn gì, chỉ có 2 cân thóc cấy trên sào ruộng nhưng ngày nào ông Hà Thìn cũng ra xem giống lúa mới sinh trưởng phát triển thế nào. DT22 đẻ nhánh khỏe, bản lá rộng, hôm nay nhìn khác mai nhìn khác. Khi chín hạt tròn to như nếp cái hoa vàng- một điều hiển nhiên vì giống này được Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo từ nếp cái hoa vàng. Bông lúa dài, cổ cườm, hạt mẩy sáng.

Sau thu hoạch ông Thìn còn bất ngờ hơn khi phơi khô quạt sạch được chẵn 2 tạ lúa nếp, nghĩa là năng suất hơn cả lúa tẻ. Nhưng cái ông sướng nhất là DT22 gặt rất sớm, thường trước dây ở quê ông bao giờ lúa nếp cũng thu sau lúa tẻ nên côn trùng, trâu bò bu lại tàn phá, nay DT22 khắc phục triệt để hạn chế này.

Tết rồi ông đem gạo gói bánh chưng. Vùng núi cao rét thấu xương, trâu bò còn đổ ngã, thế mà đến rằm tháng Giêng bánh chưng các nhà khác đều lại gạo nhai sậm sựt như cơm sống, bánh nhà ông vẫn mềm, dẻo như mới luộc. Bà con đổ đến hỏi ông gió bánh bằng gạo gì, ông buột miệng nói: “Gạo trời”, mấy người không tin bảo ông nói thật để họ biết còn tìm mua giống về cấy.

“Oái oăm ở chỗ ấy. Đúng lúc người ta cần mua giống thì gọi cho Cty giống Hải Dương họ lại kêu hết hàng. Thành ra vụ xuân này muốn cây mấy sào mà có giống đâu. Đang khát không có nước uống mới đau chứ”, ông Thìn kể.

Ngoài nấu xôi, đồng bào miền núi còn có tập quán làm cốm. Giữa cái rét hanh khô hây hẩy đầu đông mà có nắm cốm nếp dậy mùi nếp cái hoa vàng nhai từng hạt, ngấm đến tận con tỳ con vị thì còn gì bằng. Chia tay tôi, ông Thìn quả quyết: “Vụ mùa này tôi phải cấy vài sào DT22 cho đã. Khi ấy ông nhớ lên ăn cốm nhé, đảm bảo không thua cốm Vòng dưới thủ đô đâu”.

Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái… là quê hương của nếp nương, hạt to tròn như hạt ngọc, nấu xôi mùi thơm bay qua mấy bản. Hình ảnh “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” đã đi vào thi ca cách mạng từ lâu. Vì vậy để người dân vùng cao thay đổi khẩu vị nếp nương, thay đổi tập quán canh tác các giống nếp địa phương vốn đã nâng lên hàng đặc sản, truyền từ đời này qua đời khác là không hề dễ dàng. Mái nhà sàn, nồi nếp nương đã trở thành tâm thức.

Khi Trạm Khuyến nông Lục Yên (Yên Bái) đưa nếp DT22 vào địa phương thì không ít người ngoảnh mặt. Lục Yên có bộ giống nếp đã quá nhiều, nhóm nếp cảm quang có nếp trứng, nếp bã trầu, nếp cái hoa vàng, nếp Khoái…, còn nhóm nếp cảm ôn có nếp nông nghiệp 8, nếp 97, nếp 98… Dân Lục Yên thạo lúa nếp, miệng ăn sành nếu giống nếp mới không ngon khó được bà con chấp nhận. Nhưng cũng do nhiều giống nếp lâu ngày không được chọn tạo lại, nên thoái hóa, lẫn giống, năng suất thấp, nhiều giống chỉ 80 kg thóc/sào. Bước vào ruộng lúa nếp ngập đầu người chỉ thấy rơm, không có thóc. Nhưng để tìm ra giống nếp địch được chất lượng nếp địa phương cũng không dễ kiếm.

Thế mà vụ mùa năm ngoái, ông Trưởng trạm KN Lục Yên Hoàng Văn Thon cả gan dám vác DT22 về, với 30 cân giống, cấy 15 sào. Khan cổ bỏng họng vừa nịnh vừa ép nông dân 3 xã Liễu Đô, Minh Xuân, Mãi Sơn cấy DT22, thực tâm ông Thon còn lo hơn cả nông dân. Dân thắng thì ông mát mặt, thua thì vụ sau ấn giống vào tay họ cũng không cấy. Người dân miền núi là thế, biết làm sao được. Đúng là trời chiều lòng người, DT22 cấy ra tốt bời bời. Cái nông dân thích nhất là lúa đẻ nhánh khỏe, có thể cấy 1 dảnh như lúa lai đẻ ra một bụi. Riêng khoản này đã tiết kiệm không ít tiền giống. Lúa tẻ (thuần) hết ngót 3 cân giống, nếp DT22 chỉ 1,6- 1,8 cân là cấy hết sào ruộng. “Vụ mùa tới chúng tôi khuyến cáo bà con cấy thưa, đỡ tiền giống, ruộng lại thông thoáng, ít sâu bệnh. Chứ như năm ngoái lúa tốt quá, bông xếp vào nhau chỉ cơn gió nhẹ đã đổ rạp”, ông Thon nói.

Cũng theo ông cán bộ KN to gan này, lâu nay dân Lục Yên chỉ quen với nếp địa phương, tính bảo thủ cao nên không chấp nhận các giống nếp mới. “Giờ có “đối chứng” mới biết các cô gái bản chỉ là hoa khôi thôi, chứ hoa hậu thì chưa đạt. Quả là hiếm có giống nếp nào như DT22, vừa ngon vừa năng suất. Nấu xôi mùi thơm tỏa khắp nhà, bay ra đường không giấu hàng xóm được, muốn nấu vụng cũng khó.

Chúng tôi đã nấu thử mấy loại nếp ngay tại trạm, mời mấy chục anh em đến nếm thử rồi cho điểm bí mật, ai cũng phục chất lượng gạo DT22. Còn năng suất thì khỏi chê, mỗi sào 2 tạ, giá nếp ngoài 20.000 đồng mỗi cân thóc, dân mê là phải. Chúng tôi đã tư vấn cho lãnh đạo huyện, vụ xuân tập trung thâm canh lúa tẻ lấy thóc ăn nhưng vụ mùa Lục Yên làm lúa hàng hóa chất lượng cao, đặc biệt là nếp. Vụ mùa 2012 chúng tôi phấn đấu cấy trên trăm ha DT22. Tôi đảm bảo nơi đây cấy được thì các huyện miền núi khác cấy DT22 ngon lành, khỏi phải nghĩ”, ông Thon tự tin.

Chia tay Lục Yên trong cái rét thấu xương, tôi mới biết vì sao cây lúa nếp ngự trị được ở mảnh đất này lâu đến thế, và vì người ta đều thèm muốn có được chỉ một cân gạo nếp Yên Bái cúng ba ngày tết đến như vậy. Trước hết phải khẳng định, các mảnh ruộng sườn đồi, thung lũng ở Yên Bái cực kỳ thích hợp cho lúa nếp. Cây lúa nếp dường như không chỉ lớn lên nhờ chất dinh dưỡng trong lòng đất mà nó còn tiếp nhận được mọi tinh túy của trời đất- từ giọt sương sớm ban mai, giọt nước chảy từ ngọn nguồn con suối…

Nhất là vụ mùa, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm ở Yên Bái nói riêng, miền núi phía Bắc nói chung rất lớn đã tạo cho cây lúa nếp tôi luyện, ngưng tụ và chuyển hóa những khắc nghiệt của thời tiết thành tinh chất của hạt nếp trắng ngần. Điều đó lý giải tại sao DT22 cấy ở miền núi phía Bắc ngon cơm hơn ở đồng bằng.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.