| Hotline: 0983.970.780

Dự án bò sữa Việt - Bỉ: Chất lượng tăng, lợi nhuận tăng

Thứ Sáu 05/02/2010 , 14:15 (GMT+7)

Đến tháng 2 này, Dự án Bò sữa Việt - Bỉ (DAVB) đã khép lại sau 5 năm thực hiện. Thời gian của Dự án không dài, nhưng nó đã đóng góp những yếu tố tích cực cho sự phát triển của ngành sữa Việt Nam.

Đến tháng 2 này, Dự án Bò sữa Việt - Bỉ (DAVB) đã khép lại sau 5 năm thực hiện. Thời gian của Dự án không dài, nhưng nó đã đóng góp những yếu tố tích cực cho sự phát triển của ngành sữa Việt Nam trong thời gian tới.

Giúp nông dân nghĩ như… doanh nhân

DAVB do Bộ NN-PTNT thực hiện với sự hỗ trợ từ Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Bỉ, kéo dài từ tháng 2/2005 đến tháng 2/2010. Dự án được thực hiện trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh Hà Tây (cũ), Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh. TS Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và là Giám đốc DAVB, cho biết: “Mục tiêu của dự án này là giúp nông dân nâng cao chất lượng và sản lượng sữa, đảm bảo nông dân được trả tiền một cách công bằng dựa trên chất lượng sữa, và thiết lập một tổ chức mới nhằm liên kết tất cả các bên trong ngành sữa”.

Với mục tiêu như trên, DAVB đã không chú trọng vào việc tăng số lượng đàn bò sữa thông qua tín dụng, mà tập trung vào việc giúp nông dân có được nhiều sữa hơn từ những con bò đang có. Theo đó, ở thời điểm bắt đầu dự án, 45 trang trại, hộ nuôi bò sữa được chọn tham gia chương trình đều đang không có lãi từ bò sữa, thậm chí nhiều hộ đang lâm vào tình trạng nợ nần.

Với khẩu hiệu “Bò hạnh phúc cho sữa nhiều hơn” và quan điểm “Chăn nuôi bò sữa là kinh doanh, không phải nuôi cho vui”, DAVB đã khuyến khích các hộ nông dân tham gia chương trình có suy nghĩ như… doanh nhân, tức là nông dân sẽ trở thành những người kinh doanh thực thụ, biết đầu tư công nghệ để tăng năng suất cũng như chất lượng sữa. Các cán bộ kỹ thuật của dự án đã đến tập huấn tận các trại nuôi bò. Nhờ vậy, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi bò sữa ở những hộ tham gia dự án đã tăng lên đáng kể: có 90% số hộ sử dụng túi ủ chua, 63% trồng những giống cỏ mới, 50% lắp đặt hệ thống stress nhiệt, 41% lắp đặt hệ thống tưới cỏ, 28% áp dụng phương pháp nuôi bê mới và 23% lắp đặt máng uống tự động.

Kết quả cho thấy, đến năm 2009, số lượng bò sữa trong phạm vi dự án tăng 54%, sản lượng sữa trung bình hàng ngày của một con bò tăng 20-30%, tổng sản lượng sữa trong khu vực tăng 42%, thu nhập của hộ nông dân từ chăn nuôi bò sữa tăng từ 24 đến 55%, số lượng bò “dáng không chuẩn” giảm từ 33% xuống còn 6%, 95% nông dân khẳng định đã giảm được chi phí sản xuất, mức thu nhập bình quân trên mỗi con bò (lương + lợi nhuận) đạt 15,7 triệu đ/năm. Còn theo TS Đỗ Kim Tuyên (điều phối viên dự án), doanh thu trung bình của mỗi trang trại bò sữa (mỗi trại có trung bình 5,2 con bò sữa) đạt 97,1 triệu đ/năm, trong đó, lợi nhuận ròng đạt 30,7 triệu đồng. Nếu cộng thêm tiền trả cho các lao động trong gia đình là 18 triệu đ/năm, thì thu nhập ròng của mỗi hộ đạt 48,7 triệu đ/năm.

Hệ thống thu mua nhiều lợi ích

Một thành tựu rất quan trọng của DAVB là đã thiết lập được một hệ thống thu mua sữa mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi và cả cho doanh nghiệp chế biến sữa.

Trước đây, các hộ nuôi bò thường phải mang sữa đến đổ chung vào một bình tổng của trạm thu gom, rồi trạm mang bình tổng đó đó đến các nhà máy. Nhà máy sẽ kiểm tra chất lượng sữa rồi định ra giá mua chung. Cách làm này sẽ khiến cho những hộ nông dân làm ra sữa tốt sẽ phải chịu thiệt thòi vì giá thu mua sữa ngang với những hộ làm kém. Thậm chí họ còn có nguy cơ phải chịu phạt do lỗi của hộ khác gây ra. Chính vì vậy, kiểu thu mua sữa này đã không khuyến khích nông dân làm ra sữa tốt, nông dân nào có “quan hệ” tốt hơn với người thu gom thì sẽ có giá thu mua tốt hơn bất chấp sữa của hộ đó có tốt hay không.

Tại Hội thảo đánh giá kết quả của DAVB, tổ chức tại TP HCM vào ngày 2/2/2010 tại TP HCM, nhiều chuyên gia chăn nuôi Việt Nam đã bày tỏ mong muốn rằng những thành quả của Dự án này rất cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng, nhất là ở những tỉnh có lợi thế về nuôi bò sữa như Sơn La, Lâm Đồng, Đăk Lăk…

Trước thực trạng ấy, cuối năm 2007, DAVB đã mời các doanh nghiệp chế biến sữa cùng hợp tác để tạo một hệ thống thanh toán công bằng cho người nuôi bò sữa. Cty VINAMILK đã chấp nhận tham gia vào chương trình này. Từ đó, DAVB đã tiến hàng lắp đặt thiết bị đánh giá chất lượng sữa ở các trạm thu gom của VINAMILK. Mỗi hộ nông dân mang sữa đến trạm sẽ được nhận ngay một phiếu thông báo khối lượng sữa và chất lượng cụ thể của chỗ sữa đó. Trên cơ sở đó, VINAMILK sẽ định ra giá mua sữa riêng và thanh toán trực tiếp luôn tiền mua sữa cho từng hộ nông dân. Với cách làm này, chất lượng sữa trong vùng dự án đã tăng lên một cách đáng kể.

Và đặc biệt trong đợt “khủng hoảng” đầu ra của người nuôi bò sữa các tỉnh phía Bắc do ảnh hưởng của vụ melamine, tất cả các hộ tham gia hệ thống thanh toán công bằng đều đã bình an vô sự. Kết quả điều tra cho thấy 99% nông dân tham gia Dự án đã đánh giá cao việc quản lý chất lượng và thanh toán cho từng hộ. Còn theo PGS.TS Lê Xuân Cương, nguyên Phó Viện trưởng Viện KHKTNN Miền Nam, việc cải tiến cách thu mua sữa của DAVB là một thành tích rất đáng ghi nhận, bởi trong suốt mấy chục năm qua, ở vùng bò sữa lớn nhất cả nước là TP HCM, người ta vẫn đang loay hoay với bài toán thu mua sữa làm sao cho nông dân không bị thiệt thòi mà lại nâng được chất lượng sữa.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.