| Hotline: 0983.970.780

Dự án “đảo nước” lớn nhất lịch sử Trung Quốc: Mượn nước miền nam

Thứ Hai 29/09/2014 , 09:24 (GMT+7)

Dự án “Nam thủy Bắc đảo” có tham vọng chuyển 44,8 tỷ mét khối nước/năm từ miền nam Trung Quốc lên miền bắc khô hạn, trên quãng đường hơn 4.300 km. 

Dự án “Nam thủy Bắc đảo” có tham vọng chuyển 44,8 tỷ mét khối nước/năm từ miền nam Trung Quốc lên miền bắc khô hạn, trên quãng đường hơn 4.300 km. Tuy nhiên, nguy cơ nhiều tác động xấu đến môi trường và xã hội đang hiển hiện.

Trong vài thập kỷ nay, hàng ngàn con sông ở Trung Quốc đã cạn kiệt và biến mất mà nguyên nhân là vì lượng mưa suy giảm, hạn hán kéo dài, bùng nổ dân số, các hoạt động công nghiệp và sự ra đời của một loạt các hồ chứa được xây ngay sau ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949).

Ở thủ đô Bắc Kinh, nạn thiếu nước khá nghiêm trọng, mặc dù một trong những lý do người ta chọn nơi đây làm thủ đô là vì có nhiều sông suối.

Thành phố này tiêu thụ 3,6 tỷ mét khối nước trong năm 2012 trong khi trữ lượng nước của các con sông xung quanh và trong lòng đất chỉ đạt 2,1 tỷ mét khối.

Nguồn nước của Bắc Kinh chỉ đáp ứng 120 mét khối nước/người/năm, trong khi Liên Hiệp Quốc quy ước dưới 500 mét khối là tình trạng “thiếu nước trầm trọng”. Phần thiếu, Bắc Kinh phải bù nước từ tỉnh Hà Bắc đồng thời cố gắng giảm lượng nước tiêu thụ.

Khoảng 300 triệu dân Trung Quốc, tương đương ¼ dân số phải uống nước bẩn mỗi ngày. Năm 1999, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Ôn Gia Bảo đã nói “thiếu nước đe dọa sự tồn vong của dân tộc Trung Hoa”.

Nhưng sự thiếu hụt này không trải đều. Vùng đồng bằng phía bắc, nơi sinh sống của ¼ dân số bao gồm cả Bắc Kinh đặc biệt khô hạn, đe dọa ngành nông nghiệp và an ninh lương thực.

Trong số 22 tỉnh, 11 tỉnh được xem là căng thẳng về nước, tức là có ít hơn 1.000 mét khối/người/năm, theo số liệu năm 2012. Một trong những nguồn nước chính của miền bắc là sông Hoàng (Hoàng Hà), đang giảm lưu lượng nước trong ba thập kỷ trở lại đây.

Ở tỉnh Hà Bắc, trong số 1.052 hồ chứa, 969 hồ đã cạn kiệt, có nơi nông dân phải dùng nước cống tưới cây. Một cựu bộ trưởng ngành tài nguyên nước dự báo nếu tiếp tục tốc độ khai thác như hiện nay, chỉ 15 năm nữa nguồn nước ngầm sẽ cạn kiệt.

Từ năm 1952, lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông đã nói về giải pháp “mượn một chút nước của miền nam”. Miền nam Trung Quốc là nơi có 4 trong 5 nguồn nước quan trọng, hầu hết tập trung quanh khu vực lòng chảo sông Dương Tử.

50 năm sau ngày Chủ tịch Mao nói, Trung Quốc bắt đầu thực hiện. Năm 2002, dự án chuyển nước từ miền Nam lên miền Bắc có tên “Nam thủy Bắc đảo” bắt đầu khởi công.

Mục tiêu của dự án là chuyển 44,8 tỷ mét khối nước mỗi năm trên quãng đường 4.350km (bằng khoảng cách hai bờ biển đông - tây của nước Mỹ). Người ta phải xây dựng những con kênh dài nhất thế giới, những hệ thống ống đan dưới đáy sông, một cống dẫn nước khổng lồ, các trạm bơm đủ mạnh để có thể bơm đầy một bể bơi thi đấu Olympic trong vòng vài phút.

Đây là dự án chuyển nước lớn nhất thế giới, chưa từng có ở cả hai khía cạnh khối lượng nước và khoảng cách. Mỹ, Israel, Nam Phi từng thực hiện các dự án chuyển nước nhưng chưa có dự án nào lớn như "Nam thủy Bắc đảo".

Dự án đòi hỏi sự phối hợp của ít nhất 15 tỉnh, theo đó một số tỉnh giàu có về tài nguyên nước phải chia sẻ với các vùng khác. Dự án phải thực hiện thi công trên hàng trăm loại hình địa chất. Khoảng nửa triệu người phải di dời nhà cửa. Ngân sách cho dự án được dự tính là 60 tỷ USD nhưng nhiều khả năng sẽ vượt xa số đó.

Tuy nhiên, đã có nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về dự án, coi đây là “canh bạc” với tỷ lệ rủi ro cao. Dự án, cho dù thể hiện sức mạnh của chính quyền trung ương, nhưng ở khía cạnh khác cho thấy những hạn chế của chính phủ trong việc xử lý nhu cầu nước sạch quốc gia.

Theo dự án, có các con sông lớn - nguồn cung cấp nước gồm Dương Tử, Hoàng Hà, Hoài Thủy và Hải Hà chảy từ tây sang đông. Sẽ có ba đường nước chạy từ nam lên bắc, mỗi đường dài hơn 1.500km qua cả các kênh tự nhiên và kênh đào.

Nhánh đầu tiên, phía đông, đã chuyển nước từ sông Dương Tử đoạn qua tỉnh Giang Tô tới những thành phố khô hạn của tỉnh Sơn Đông.

Nhánh thứ hai bắt đầu chuyển nước từ miền trung Trung Quốc tới Bắc Kinh và các thành phố phía bắc khác trong năm 2014. Nhánh thứ ba, phía tây, có thể nối sông Dương Tử với Hoàng Hà bằng đường nối xuyên qua địa hình đồi núi của tỉnh Tứ Xuyên và Thanh Hải ở độ cao 3.000- 5.000m.

“Mượn một chút nước” không hề đơn giản như cách nói của ông Mao. Cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã phải tái định cư ít nhất cho 345.000 người, đợt tái định cư lớn nhất kể từ sau công trình đập Tam Hiệp (1,4 triệu người).

Giới chức chính phủ nói những người phải rời bỏ nhà cửa là đã hy sinh cho sự nghiệp phát triển đất nước, nhưng một số người lại cho rằng chính phủ không thấy hết qui mô và ảnh hưởng của việc tái định cư bắt buộc đang diễn ra.

Dự án “đảo nước” còn ẩn chứa những nguy cơ đe dọa hai con sông lớn nhất Trung Quốc và những cộng đồng đang phụ thuộc vào những con sông này.

“Chúng tôi đã giải quyết nhiều vấn đề và làm nhiều cuộc nghiên cứu. Những tác động tiêu cực của dự án nhỏ đến mức dường như chúng không tồn tại”, Shen Fengsheng, kỹ sư chính của dự án, nói. Khi ba đường chuyển nước hoàn tất, theo Shen, sông Dương Tử chỉ mất 5% trong số 29.400 mét khối nước nó đổ ra biển mỗi giây.

Chính quyền các địa phương nơi dự án đi qua đã xây dựng nhiều “lối đi” cho cá ở những nơi đường nước của dự án làm xáo trộn, xây thêm những đập phụ trợ để đảm bảo lưu lượng ổn định. Một số nhà máy xử lý nước thải cũng được xây dựng nhằm giảm ô nhiễm nguồn nước lưu chuyển do hòa với nhánh miền trung và miền đông.

Các quan chức dự án ở thành phố Đan Giang Khẩu nói họ đảm bảo một lượng nước tối thiểu vẫn chảy xuôi về các thành phố như Tương Dương. “Khối lượng nước tổng thể sẽ giảm đi (vì phải chia sẻ với các vùng phía bắc), nhưng vẫn đủ đáp ứng nhu cầu của người dân sở tại”, một quan chức của Cty tài nguyên nước Đan Giang Khẩu nói.

Tuy nhiên, người dân ở Tương Dương nói nguồn nước của họ không những ít đi mà còn ô nhiễm hơn.

(Theo Atlantic, Quartz, Reuters)

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.