| Hotline: 0983.970.780

Dự án đập dâng Tân Mỹ gặp khó cả vốn lẫn mặt bằng

Thứ Năm 04/08/2016 , 09:17 (GMT+7)

Năm 2015, Thủ tướng quyết định tiếp tục đầu tư Dự án thủy lợi Tân Mỹ và bố trí 600 tỷ từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2014 thực hiện trước đập dâng Tân Mỹ - hệ thống kênh tưới Tân Mỹ.

*​ Thiếu mặt bằng, thiếu vốn

Do hạn chồng lên hạn, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PTNT tổ chức thi công hệ thống đập dâng và kênh chính Tân Mỹ (Ninh Thuận) để kịp thời tiếp nước về hồ Cho Mo vào cuối quý II/2016. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn dang dở.

Dự án hy vọng

Năm 2015, Thủ tướng quyết định tiếp tục đầu tư Dự án thủy lợi Tân Mỹ và bố trí 600 tỷ từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2014 thực hiện trước đập dâng Tân Mỹ - hệ thống kênh tưới Tân Mỹ.

Hạng mục này được khởi động từ cuối tháng 9/2015, áp dụng hình thức chỉ định thầu thi công đối với đập dâng và hệ thống kênh tưới Tân Mỹ nhằm sớm hoàn thành công trình, khắc phục một phần tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng của địa phương.

Theo BQL Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 (Ban 7), dự án thực hiện từ km00 đến km7+550. Bộ NN-PTNT đã phê duyệt điều chỉnh dự án phần đập dâng và hệ thống kênh Tân Mỹ, chuyển tuyến đập dâng lên phía thượng lưu 5km để nâng cao đầu nước, chuyển hình thức tưới từ kênh hở sang ống thép để tiết kiệm, cung cấp nước tưới cho vùng tâm hạn Ninh Thuận.

Hệ thống đập dâng Tân Mỹ được xây dựng nối 2 bờ sông Cái, cách cầu sông Cái 240m về phía hạ lưu, với chiều dài 182m; hệ thống kênh tưới chính dài 36,5km, 40 kênh nhánh cấp 1 tổng chiều dài khoảng 67km. Tổng mức đầu tư trên 2.924 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PTNT tổ chức thi công đập dâng và 7,5km đường ống chính thông nước về hồ Cho Mo vào cuối quý II/2016 để tưới cho khoảng 2.000ha đất nông nghiệp.

Chậm và... chậm

Ông Phan Hồng Khái, Phó BQL Dự án Tân Mỹ thuộc Ban 7 cho biết, để đạt mục tiêu trên, trong khi khối lượng công việc rất lớn, thời gian ngắn (9 tháng), trong đó có 4 tháng mùa mưa, công trình đầu mối tuy không lớn nhưng xây dựng trên dòng sông cái với lưu vực lớn, lưu lượng mùa lũ lớn.

Tuyến kênh ống chính băng qua suối Cho Mo có địa hình đồi dốc đứng. Khắc phục mọi khó khăn, chủ đầu tư đã đốc thúc đơn vị thi công huy động tổng lực phương tiện máy móc, con người để kịp tiến độ. Có thời điểm phải thi công ba ca liên tục. Đến ngày 15/7/2016 đầu mối đập dâng Tân Mỹ đã được chặn dòng đảm bảo đúng tiến độ đưa nước về hồ Cho Mo.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Ban 7, ngay sau khi khởi công tỉnh đã bàn giao mặt bằng công trình đầu mối. BQL đã cố gắng thực hiện tốt các hạng mục, nhưng hiện nay mặt bằng thi công tuyến kênh đường ống chính vẫn chưa được tỉnh Ninh Thuận bàn giao hết do người dân lấn chiếm.

Tuyến kênh hở dài 2,7km từ đầu mối đập dâng về hạ lưu nằm trên địa bàn thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn thì tỉnh Ninh Thuận mới giao cho chủ đầu tư 1,7km. Riêng 4,3km kênh chính bằng ống thép chạy qua địa phận xã Quảng Sơn và Mỹ Sơn đến nay mới lắp đặt được khoảng 2km.

Ông Thắng cho biết, do lịch sử mặt bằng phức tạp, để kịp tiến độ cả hệ thống chính trị các cấp tỉnh Ninh Thuận đã vào cuộc vận động người dân bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên do chưa có tiền đền bù GPMB nên đến ngày 15/7 người dân đã phong tỏa rào các tuyến đường vào công trường, yêu cầu đơn vị thi công phải rút hết máy móc thiết bị đi. Do vậy việc thi công tuyến kênh bằng ống thép đã ngưng trệ.

Ông Thắng lo lắng: Đơn vị thi công đã gia công xong ống thép trong xưởng và cơ bản đã tập kết tại hiện trường, phần móng cũng đã làm xong, chỉ còn việc đặt đường ống nhưng nay đình lại hết. Đặc biệt là đường ống thép bắc qua sông Cái dài 250m hiện đã làm xong phần trụ và máy móc đang cẩu dầm đỡ ống thép nhưng người dân ngăn cản không thể thi công.

Nếu đầu tháng 8 không có mặt bằng thì rất khó hoàn thành trước lũ chính vụ (30/8) và khi đó phải chờ hết mùa mưa lũ mới lại thi công được, đồng nghĩa với việc kéo dài sang năm 2017. Mong ước lớn nhất của ông Thắng là tỉnh Ninh Thuận giao đủ mặt bằng trong đầu tháng 8 này.

"Không chỉ thiếu mặt bằng mà nguồn vốn cũng gặp khó. Tháng 9/2015, Bộ NN-PTNT bố trí 600 tỷ cho công trình, trong đó 400 tỷ do Ban 7 xây dựng đập dâng và 7,5km kênh chính để chống hạn, còn 200 tỷ do địa phương đền bù GPMB. Năm 2015, Ban đã giải ngân được 133,642 tỷ, vốn chuyển sang năm 2016 là 266,358 tỷ nhưng giờ này vẫn chưa có vốn thanh toán khối lượng đã thực hiện từ đầu năm 2016 đến nay, do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thi công." - Ông Nguyễn Đình Thắng.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Bình luận mới nhất