| Hotline: 0983.970.780

Dự án điện lực 37 tỷ ở Hà Nam bị tố sai phạm, nghi vấn bị rút ruột

Thứ Sáu 26/05/2017 , 13:15 (GMT+7)

Nhiều tháng qua, hơn 50 hộ dân ở xóm 2 và xóm 5, xã Liêm Chung, TP Phủ Lý (Hà Nam) đã gửi hàng chục đơn kiến nghị, tố cáo sai phạm về việc xây dựng các cột điện đường dây trung áp 35 kV lộ 375 trạm biến áp 110 kV...

Không chỉ bị “tố” về việc thi công hạng mục xây dựng đường điện trung áp 35 kV trong phạm vi công trình thủy lợi khi chưa được UBND tỉnh cấp phép, dự án “Cải tạo đường lộ 372, 374, 375 sau trạm 110 kV Phủ Lý (E3.5) và Xây dựng các xuất tuyến 22 kV sau trạm biến áp 110 kV Châu Sơn” (trên địa bàn tỉnh Hà Nam) còn bị “tố” làm ẩu, lãng phí, có dấu hiệu “rút ruột” công trình, tiềm ẩn nguy cơ gẫy đổ, đe dọa mạng sống người dân.
 

Móng bằng đá, cát, nước bùn và… một ít xi măng?

Nhiều tháng qua, hơn 50 hộ dân ở xóm 2 và xóm 5, xã Liêm Chung, TP Phủ Lý (Hà Nam) đã gửi hàng chục đơn kiến nghị, tố cáo sai phạm về việc xây dựng các cột điện đường dây trung áp 35 kV lộ 375 trạm biến áp 110 kV Phủ Lý trên kênh BH-10 – xã Liêm Chung.

Sự việc được bắt đầu từ tháng 12/2016, người dân phát hiện nhóm người đến đào hố dưới lòng kênh tiêu BH-10 sát phía sau nhà mình. Hỏi ra mới biết đây là đơn vị thi công cho Cty Điện lực Hà Nam (chủ đầu tư) để chuyển các cột điện 35 kV (hiện đang chạy qua nghĩa trang và cánh đồng cách xa khu dân cư).

Nhiều người bất ngờ và sợ hãi. Bởi theo người dân xã Liêm Chung, đáy kênh BH-10 rất sâu và bị bồi lấp bởi một tầng bùn non dầy tới 1,2 – 1,3 mét.

08-16-18_nh5
Tầng bùn trên kênh thủy lợi dầy tới 1,2 – 1,3m, trong khi hố móng cột điện rất nông.

Ông Hoàng Văn Giám – một hộ dân sống gần nơi thi công cột điện cho biết: Trong quá trình đổ bê tông phần móng, đơn vị thi công không chặn dòng kênh mà dùng gầu máy múc gạt bùn sang hai bên để tạo hố đổ bê tông. Họ đào hố rất nông và không chạm tới đáy kênh. Dưới đế móng vẫn còn một lớp bùn non. Khi đổ móng bê tông, do không được che chắn cẩn thận xung quanh nên nước, bùn đen tràn vào khiến bê tông không thể đông kết, do đó không đảm bảo chất lượng. Tổ thi công làm vương vãi nhiều vật liệu đá, cát và 2 bao xi măng (họ không mang đi mà bỏ lại ngay hiện trường).

Quá trình thi công không hề có đơn vị giám sát độc lập chứng kiến (được biết, đơn vị giám sát độc lập của dự án là Công ty CP Tư vấn và Phát triển chiến lược năng lượng).

Do nghi ngờ về chất lượng công trình, các hộ dân dùng gậy và thước dây đo thử, phần móng cột chỉ sâu khoảng 60cm, rộng 1m và dài 1,2m. Trong khi đó, cột điện cao ngất ngưởng (khoảng 20 mét), nặng vài tấn.

08-16-18_nh2
08-16-18_nh3
Theo người dân, móng cọc cột điện chỉ sâu 60cm, trong khi cột điện cao tới gần 20m, nặng vài tấn.

Hình ảnh ấy được ông Trịnh Văn Thịnh, một người dân thôn 2 liên tưởng như “cây tre cắm vào củ khoai”, không thể chịu được gió bão có cường độ mạnh và có thể đổ ập vào nhà dân bất cứ lúc nào (xem ở chuyên mục Ảnh & Clip)).
 

Từ chối “khám” tổng thể móng cột điện

Trước mối đe dọa hiện hữu ngay trước mắt, nhân dân xóm 5 xã Liêm Chung đã gửi đơn cầu cứu lên các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam và TP Phủ Lý, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Ông Phạm Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã Liêm Chung, cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của công dân về việc đơn vị thi công đúc móng dựng cột không đúng thiết kế, không đảm bảo an toàn, UBND xã Liêm Chung đã đề nghị Cty Điện lực Hà Nam tổ chức hội nghị về trả lời ý kiến của nhân dân vào ngày 24/2/2017. Tại hội nghị, 100% ý kiến đề nghị cho dừng dự án, đề nghị xã can thiệp, bảo vệ an toàn cho các hộ dân.

08-16-18_nh4
Cột điện có “móng dởm” nằm ngay sát nhà dân.

Đồng thời sau khi Sở NN-PTNT, Công ty Điện lực Hà Nam (có sự chứng kiến của đại diện UBND xã Liêm Chung) kiểm tra hiện trường thì nhận thấy: Vị trí đổ cột điện lấn sâu vào lòng kênh (không đúng với cam kết của chủ đầu tư), móng cột quá nông gây ảnh hưởng đến dòng chảy. “Chúng tôi đã thống nhất yêu cầu chủ đầu tư phải đúc lại 3 hố móng 13.3, 13.4 và 13.5 chìm âm sâu xuống dưới để đảm bảo mức độ an toàn cao hơn”, ông Hoành nói.

Không dừng lại ở đó, ông Lại Văn Dũng (một người dân xóm 2) cho biết: Sáng ngày 17/5/2017, trước sự chứng kiến Bí thư Đảng ủy xã Liêm Chung (ông Đỗ Quốc Hoàn) và Công ty Điện lực Hà Nam, người dân đã tát nước, vét một phần bùn phía trong móng cột điện sát mép bờ kênh để kiểm tra chất lượng công trình. Khi dùng một cây sắt chọc thử vào khối bê tông cốt thép, bê tông vỡ ra, bở bùm bụp như tường vôi.

08-16-18_nh1
Móng cột điện bê tông cốt thép (theo thiết kế) bở bùng bục khi người dân chọc gậy sắt

Ông Hoàn nói với đại diện đơn vị thi công và chủ đầu tư dự án rằng: “Các anh cảm thấy không an toàn thì đúc lại cột cho dân, còn các anh khẳng định là an toàn thì be bờ, vét hết bùn để kiểm định tổng thể phần móng”. Câu nói của ông Bí nhận được tràng pháo tay của nhân dân. Thế nhưng sau đó, người của Cty Điện lực Hà Nam bỏ về.

Ngày 21/5/2017, Cty Điện lực Hà Nam có văn bản gửi UBND xã Liêm Chung thông báo: “Vị trí chôn các cột điện nằm ở sát mép nước, nhiều bùn nước tràn vào rất khó khăn khi đào mở toàn bộ phần móng để xem xét và kiểm tra”. Cty Điện lực Hà Nam sẽ gia cố phần chân móng bằng bê tông cốt thép ở các vị trí cột 13.7, 13.8, 13.9 để đảm bảo an toàn.

Thật kỳ lạ. Nếu trước đó, Cty Điện lực Hà Nam khẳng định việc thi công các cột điện là đảm bảo an toàn, vậy vì sao phải kiếm cớ để từ chối một cuộc “nội soi” công trình, chấp nhận phương án gia cố thêm phần chân móng?

Ông Hoàng Văn Giám (người dân xóm 2) đặt dấu hỏi: Liệu rằng, với những vị trí xung yếu, không ổn định như lòng kênh BH-10, đơn vị thi công dự án điện lực vẫn làm ẩu và lãng phí vật liệu xây dựng như vậy, thì ở các vị trí khác không biết chất lượng công trình sẽ ra sao? Ngoài thi công ẩu, vẫn còn những khuất tất trong quá trình thực hiện dự án. Công ty Điện lực Hà Nam và các đơn vị chức năng nói gì về sự việc này?

Theo Quyết định số 1272/QĐ-PCHN của Cty Điện lực Hà Nam (thuộc Tổng Cty Điện lực miền Bắc) ngày 8/8/2016, đây là công trình thiết yếu được triển khai tại TP Phủ Lý, huyện Bình Lục và huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam). Đây là công trình cấp VI, bao gồm các hạng mục xây dựng mới, cải tạo 52 km đường dây trên không trung áp; trạm cắt Recloser 35 kV, cầu dao phụ tải và cáp ngầm. Tổng mức đầu tư theo dự toán khoảng 37 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.