| Hotline: 0983.970.780

Dự án to như con voi, làm bằng con muỗi!

Thứ Năm 16/06/2011 , 08:41 (GMT+7)

Một dự án nước ngoài “xí” đất cả ngàn ha, đầu tư không hiệu quả từ nhiều năm qua, dù đã có không ít lời đề nghị thu hồi nhưng cuối cùng thì “đâu vào đấy”...

Một dự án nước ngoài “xí” đất cả ngàn ha, đầu tư không hiệu quả từ nhiều năm qua, dù đã có không ít lời đề nghị thu hồi nhưng cuối cùng thì “đâu vào đấy”...

Cty NIVL (tiền thân là Nhà máy Đường Ấn Độ Nagajuna) từng bị dư luận chỉ trích là chuyên đi “giựt” vùng nguyên liệu mía của các NMĐ khác, thường xuyên ép chữ đường của nông dân, lại gây ô nhiễm môi trường... Nhưng ít ai biết, Cty NIVL còn có một dự án trồng mía rất hoành tráng lên tới 1.500 ha tại xã Ninh Điền (Châu Thành, Tây Ninh) từ nhiều năm qua, dù mang tiếng là “nông trường mía” của nước ngoài, nhưng do quản lý kém nên đất đai không chỉ bỏ hoang mà năng suất mía cũng lẹt đẹt 30- 40 tấn/ha, trong khi mía của nông dân chung quanh đạt từ 80- 100 tấn/ha trở lên.

Ninh Điền là một xã biên giới, người dân sống chủ yếu làm nghề nông, số hộ nghèo chiếm gần 17% dân số toàn xã. Người dân tại chỗ thiếu đất phải qua bên Campuchia (huyện Soài Riệp, tỉnh Svay Rieng) để thuê đất trồng trọt, thì dự án của Cty NIVL đất lại “cò bay thẳng cánh”. Vậy nó ở đâu ra? 

Đất dự án mênh mông cả 1.500 ha mía của Cty NIVL nên bỏ hoang cho trâu bò gặm cỏ cũng là điều dễ hiểu

Điều tra của chúng tôi cho thấy, cách đây 14 năm dự án này vốn của Công ty Cofaci 100% vốn nước ngoài (ông chủ người Pháp) được Chính phủ VN cho thuê với diện tích trên 2.000 ha trong thời hạn 20 năm để trồng ngô (bắp). Tuy nhiên, trồng ngô thất bại, ông chủ về nước tính phương án làm ăn khác khả thi hơn thì bất ngờ qua đời. Sau đó, người con trai ông chủ này bay qua VN thay vì kế tục sự nghiệp của cha để lại thì đem dự án này “chuyển nhượng” cho Cty NIVL thành lập “nông trường” mía với giá khoảng 3 triệu USD vào năm 1999.

Đến năm 2000, Cty NIVL sử dụng khoảng 1.300 ha, còn lại bỏ hoang, mặc người dân địa phương lấn chiếm đến 400 ha. Trước tình hình đó, ngày 3/9/2004, tỉnh Tây Ninh có quyết định thu hồi 500 ha đất nhưng phải đợi đến 4 năm sau, năm 2008 mới cơ bản hoàn thành việc thu hồi lại đất để giao cho làng thanh niên lập nghiệp của địa phương.

Số đất còn lại sau khi thu hồi là 1.500 ha được Cty NIVL làm bờ bao, gác chận barie không cho người lạ vào bên trong đất dự án. Theo báo cáo, Cty NIVL đã đưa vào trồng mía “thực nghiệm” và SX hết 1.300 ha, phần còn lại làm các công trình phụ. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Thủ, Chủ tịch UBND xã Ninh Điền, trong thực tế Cty NIVL vẫn còn bỏ hoang rất nhiều, riêng trồng mía thì năng suất còn kém xa dân địa phương. “Dự án trên cả 1.000 mẫu đất mía nhưng chỉ có 9 ông kỹ thuật coi ngó, còn lại bao nhiêu thuê lao động địa phương nên phân bón xuống đồng thì ít mà bán ra ngoài thì nhiều. Điều này hết sức vô lý, giả sử đất đó giao về cho nông dân SX thì họ trồng lúa, mía, cao su... làm ra cả ngàn tỷ cho xã hội” - ông Thủ bức xúc nói.

Do SX không hiệu quả nên Cty vẫn còn nợ gần 7,2 tỷ đồng tiền thuê đất. Năm ngoái, Cty thu được trên 22,6 tỷ đồng tiền bán mía, nhưng chỉ nộp được 2 khoản thuế là 3 triệu đồng tiền thuế môn bài và 13 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân! Vì lẽ đó, cách đây 3 tháng, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã đề nghị thu hồi dự án này. Thế nhưng, không hiểu vì sao mà cuối tháng 5/2011 vừa qua, bà Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thị Thu Thủy lại cho rằng “việc thực hiện dự án của Cty này thời gian qua đạt hiệu quả nhưng không cao”, rồi kết luận là không thu hồi. 

Trụ sở “nông trường” của Cty NIVL vắng lặng chờ sang nhượng đối tác mới

Chính sự “ưu ái” đó mà mới đây, Cty NIVL đang làm thủ tục sang nhượng dự án 1.500 ha mía cho một đối tác chuyên kinh doanh chế biến mì lát ở xã Phước Dinh, huyện Châu Thành với trị giá cả trăm tỷ đồng. Một nữ nhân viên của Cty cho hay: “Hiện Cty đã ngừng hoạt động, đang kiểm kê để bàn giao tài sản và dự kiến vào cuối tháng 6 này sẽ kết thúc”. Thông tin này cũng được ông Chủ tịch xã Ninh Điền xác nhận với chúng tôi.

Vậy đó, một dự án thực hiện kém hiệu quả, thời gian còn chưa đến 6 năm là hết thời hạn được thuê, gây lãng phí tài nguyên rất lớn, lẽ ra phải thu hồi, thế mà nhờ được tỉnh Tây Ninh cho giữ lại nên Cty NIVL tranh thủ bán “chạy” dự án thì đúng là... siêu giỏi!

Tương tự, Cty TNHH Sản xuất Đông Nam (100% vốn nước ngoài) có trụ sở tại xã Phước Ninh (Dương Minh Châu, Tây Ninh) được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 11/2002 và được cho thuê 24,6 ha đất. Trong khi nhiều người dân ở xã Phước Ninh còn nghèo khó, không đất sản xuất thì Cty Đông Nam được giao đất màu mỡ, có địa thế thuận lợi về giao thông, thuỷ lợi.

Cty đăng ký dự án trồng tràm, cây bạch đàn, trồng và kinh doanh cây cảnh ngắn ngày, cây có vị thuốc nam, rau quả các loại, chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, trong 8 năm qua, Cty này không hề trồng một cây tràm, bạch đàn, cây thuốc nam hay rau quả nào cả mà chỉ ươm trồng để xuất khẩu sang Hàn Quốc một giống cây duy nhất là kim phát tài với chừng 6-7 ha. Số diện tích còn lại khoảng 15 ha trở thành bãi cỏ tự nhiên cho gia súc tha hồ “vặt”. Năm 2010, Cty báo cáo doanh thu bán kim phát tài được hơn 4,7 tỷ đồng và “tích cực” thực hiện nghĩa vụ tài chính là đóng được... 3 triệu đồng tiền thuế môn bài!

Nhiều người thắc mắc, vì sao các dự án nước ngoài đầu tư bất khả thi như thế vẫn tồn tại trong nhiều năm qua, dù đã có không ít lời đề nghị thu hồi nhưng cuối cùng thì “đâu lại vào đấy”!

Cty TNHH Phát triển nông sản phẩm Trung Việt cũng 100% vốn nước ngoài, được cho thuê 23,2 ha đất trên địa bàn xã Phước Minh để thực hiện dự án trồng, kinh doanh cây ăn quả các loại và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Cty đăng ký thực hiện dự án với số vốn đầu tư 2 triệu USD (khoảng 32 tỷ đồng thời điểm năm 2001). Mặc dù dự án nghe rất oách, nhưng 10 năm qua, Cty này cũng rơi vào tình trạng hoạt động kém hiệu quả.

Cụ thể, Cty sử dụng 22 ha đất được giao để trồng ổi và trồng thêm khoảng 1 ha nho, còn các sản phẩm khác đã đăng ký trước đây như măng, gia súc, gia cầm, thuỷ sản thì không thực hiện. Riêng cây nho do điều kiện khí hậu, thời tiết không giống như Ninh Thuận nên phải phá hủy buộc chuyển sang trồng táo. Năm ngoái, Cty báo cáo bán ổi được 2,6 tỷ đồng (!?) nên đóng được 3 triệu đồng thuế môn bài. Có vẻ như DN đã “an phận” với nghề trồng ổi chẳng khác gì ông nông dân, chẳng có dấu hiệu nào cho thấy DN sẽ thực hiện các nội dung khác như đã đăng ký đầu tư.

Nhưng điều kỳ lạ, cả hai Cty trên cũng được bà Chủ tịch UBND tỉnh cho giữ lại dự án để “vượt qua khó khăn”. 

Xem thêm
Việt Nam coi nông nghiệp Nhật Bản là hình mẫu về khoa học, cách thức và thái độ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu mực để học tập về khoa học, về cách thức, và cả thái độ.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.