| Hotline: 0983.970.780

Dự án trăm tỷ 'chết yểu', hoang phí hàng trăm héc-ta đất

Thứ Sáu 17/11/2017 , 10:05 (GMT+7)

Từ ngày 16/11/2017, toàn bộ tài sản của Cty CP Khoáng sản Miền Trung (viết tắt Cty Miền Trung) gồm quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác sẽ bị Ngân hàng NN-PTNT Bình Định thu hồi để giải quyết nợ (NNVN đã thông tin).

Sự thể này đã khiến chính quyền huyện Hoài Nhơn (Bình Định) lo bấn lên, vì sợ hoang phí hàng trăm héc-ta đất đã giao cho Cty Miền Trung làm mỏ, bởi từ khi xây dựng Nhà máy (NM) chế biến quặng sắt có công suất 400.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 260 tỷ đồng đến nay đã hơn 7 năm nhưng chưa hoạt động ngày nào. Bây giờ NM bị ngân hàng “siết nợ” thì hàng trăm héc-ta đất kia sẽ trở thành “đất chết”.
 

Tắt ngấm một kỳ vọng

Ngày 20/5/2008, Cty Miền Trung được Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Định cấp Giấy chứng nhận đầu tư (số 3503000213) xây dựng NM chế biến quặng sắt tại thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn).

14-55-51_1
Nhà máy có vốn đầu tư 260 tỷ đồng xây dựng xong đến nay chưa hoạt động ngày nào

Theo đó, Cty Miền Trung được giao 18,5 ha tại Cụm công nghiệp Hoài Đức để xây dựng NM. Đây là NM chế biến quặng sắt đầu tiên tại Bình Định và là một trong những NM chế biến tinh quặng sắt có quy mô lớn trong cả nước. Với kỳ vọng NM chế biến quặng sắt sẽ là “điểm nhấn” trong phát triển công nghiệp tại địa phương, dự án này nhanh chóng được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt và cấp phép đầu tư chỉ trong vòng 24 giờ.

Việc NM chế biến quặng sắt của Cty Miền Trung sẽ khai thác nguồn quặng sắt từ các mỏ quặng đá ong ở các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh… có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp Bình Định. Bởi, sau khi bóc lớp đá ong là lớp quặng sắt nghèo, NM sẽ trả lại cho nông dân tỉnh này nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp.

Hơn thế nữa, sau khi đi vào hoạt động, NM sẽ tạo được việc làm cho khoảng 400 lao động địa phương, đóng góp ngân sách cho địa phương khoảng 50 tỷ đồng/năm. Viễn cảnh của NM chế biến quặng sắt còn “tươi đẹp” hơn khi Cty Miền Trung có phương án nâng công suất của NM trong giai đoạn 2 lên 1 triệu tấn/năm, đồng nghĩa sẽ thu hút thêm lao động và khoản đóng ngân sách cho chính quyền địa phương sẽ tăng lên.

Thế nhưng từ khi được xây dựng hoàn tất cho đến nay, NM chưa hoạt động được ngày nào. Theo giải thích của ông Nguyễn Thành Hậu, Phó trưởng Ban quản lý Cụm công nghiệp huyện Hoài Nhơn, vì khi NM vừa xây dựng xong thì thị trường biến động lớn, quặng sắt SX ra không tiêu thụ được; nếu có tiêu thụ được giá cũng rất thấp, do quặng sắt nhập lậu của Trung Quốc “đè” giá quặng sắt nội địa, nên càng làm càng lỗ.

14-55-51_2
Nhà xưởng, dây chuyền thiết bị gỉ sét

Do đó, Cty Miền Trung không thể triển khai SX. Thế là từ đó đến nay, toàn bộ nhà xưởng dây chuyền thiết bị của NM cứ nằm phơi mình dầm mưa dãi nắng. Người dân địa phương nhìn 18,5 ha đất mà NM đang “ngự trị” bị bỏ hoang phế mà thèm, còn UBND huyện Hoài Nhơn thì tiếc nuối cả trăm héc-ta đất đã được giao cho Cty Miền Trung khai thác quặng suốt hơn 7 năm qua trở thành “đất chết” không mang lại lợi ích gì.
 

Hàng trăm héc-ta đất bỏ hoang phí

NM chế biến quặng sắt quy mô bề thế là vậy mà "nằm chết" gần Quốc lộ 1A khiến người dân địa phương nuối tiếc và bức xúc. Bởi họ cho rằng, trong hơn 7 năm qua, nếu diện tích 18,5 ha đất đồi bằng ấy mà giao cho họ trồng rừng SX hoặc mở trang trại chăn nuôi bò thì lợi ích mang lại rất lớn.

14-55-51_3
Hàng chục héc-ta đất có tiềm năng SXNN bị bỏ hoang phí

Theo ông Trần Văn Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Đức, chuyện nhà máy to đùng chiếm hàng chục héc-ta đất mà không tuyển công nhân, không hoạt động cứ bị người dân địa phương “la làng” trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Bởi nhu cầu về đất làm trang trại chăn nuôi và trồng rừng của bà con là rất cao, họ xót xa khi nhìn thấy hàng chục ha đất ngon ở bị bỏ hoang phí.

“Vừa rồi người dân địa phương thấy trong khuôn viên của nhà máy đặt 1 trạm trộn bê tông nhựa đường họ càng bức xúc dữ. Họ nêu ý kiến với chính quyền địa phương là nhà máy được xây dựng để chế biến quặng sắt mà giờ lại cho Cty đường bộ thuê đất đặt trạm trộn nhựa đường. Vừa rồi huyện phối hợp với xã đi kiểm tra, họ bảo liên doanh gì đó đủ kiểu không hiểu được”, ông Thắm nói.

Còn ông Cao Thanh Thương, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, thì rất tiếc nuối cả 100 ha đất có mỏ quặng đá ong ở các xã Hoài Xuân, Hoài Hương, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây… đã được giao cho Cty Miền Trung làm mỏ nằm “bất động” trong suốt hơn 7 năm qua. Trong khi huyện Hoài Nhơn đang rất cần đất để mở rộng các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ví như ở ở xã Hoài Xuân hiện đang có nhiều Cty muốn đầu tư mở rộng nhà máy, nhưng lại đụng đất mỏ quặng đã được cấp cho Cty Miền Trung.

“Bức xúc nhất hiện nay là NM Mây tre đan của Cty Nhân Hòa muốn đầu tư mở rộng nhà máy tại xã Hoài Xuân nhưng lại vướng đất của Cty Miền Trung. Cty “kêu” đến huyện nhưng huyện cũng bí", ông Thương bộc bạch.

14-55-51_4
Bên trên nhà máy là cách rừng trồng xanh ngắt của người dân địa phương
“UBND huyện Hoài Nhơn vừa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Định thu hồi lại những diện tích đất đã giao cho Cty Miền Trung làm mỏ khai thác quặng sắt giao lại cho địa phương để phát triển kinh tế xã hội”, ông Cao Thanh Thương.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.