| Hotline: 0983.970.780

Dự báo- Cánh tay phải đắc lực

Thứ Sáu 04/07/2014 , 08:26 (GMT+7)

Sự sát cánh với công tác PCLB của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã góp công lớn giúp Việt Nam ngày càng chủ động trong công tác phòng chống lụt bão./ Nỗ lực trước thiên tai

Đặc biệt năm 2013, mặc dù Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của 12 cơn bão, với các trận bão mạnh và siêu bão Haiyan, nhưng công tác dự báo đã được cập nhật rất hiệu quả, kịp thời, chính xác. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải (ảnh) – PGĐ Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương về công tác dự báo trước mùa mưa bão 2014.

Thưa ông, mặc dù công tác dự báo bão năm 2013 được đánh giá rất cao, tuy nhiên những năm gần đây vẫn có một số cơn bão mà dư luận cho rằng dự báo không chính xác, đơn cử như bão Sơn Tinh năm 2012. Vì sao vậy?

Với các cơn bão chính mùa, dù rất mạnh như bão số 10, 11 hay siêu bão Haiyan năm ngoái, chúng ta đã dự báo rất chính xác. Tuy nhiên với các cơn bão trái mùa, điển hình như bão Sơn Tinh năm 2012, diễn biến thường rất phức tạp.

Việc dự báo trước 24h đối với các cơn bão này khó khăn, độ chính xác không cao. Vì vậy chỉ còn cách phải giám sát thường xuyên diễn biến bão bằng các dự báo ngắn 6 tiếng/lần, 3 tiếng/lần. Từ cơn bão số 10 (Nari) năm 2013, chúng ta đã bắt đầu thực hiện cập nhật dự báo 1 giờ/lần. Nhờ cập nhật dày hơn các bản tin dự báo nên có những sự điều chỉnh kịp thời cho công tác phòng chống bão.

Đối với các dự báo xa, trước đây quy chế dự báo bão lũ năm 2006 chỉ yêu cầu có các dự báo diễn biến bão cho 24h tiếp theo, sau đó điều chỉnh lên 48h tiếp theo, nhưng bây giờ chúng ta đã có thể dự báo tới 72h.

Mặc dù dự báo 72h xác suất di chuyển có thể phủ rộng trong phạm vi tới 360km, nhưng nhờ có dự báo này, chúng ta đưa ra được các cảnh báo diện rộng để chủ động các phương án phòng chống từ sớm, sau đó căn cứ vào các dự báo ngắn để điều chỉnh công tác phòng chống cho phù hợp.

Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với BCĐ PCLB Trung ương cũng như các đài dự báo vùng để đưa ra phương án dự báo gồm dự báo dài, cập nhật dự báo dày lên 1h/lần khi có bão khẩn cấp tương tự như cách làm từ cuối mùa mưa bão năm 2013.

Thực hiện Luật Phòng chống thiên tai, năm 2014, các dự báo cũng sẽ được công bố sớm hơn trong ngày. Ví dụ trước đây thường đăng bản tin dự báo buổi sáng vào lúc 9h30, nay sẽ đăng lúc 9h.

Ông nói việc cập nhật dự báo 1h/lần khi có bão khẩn cấp mới chỉ thực hiện từ cuối mùa mưa bão năm 2013. Vậy tại sao trước đây chúng ta không làm cách này?

Trước đây, theo quy chế dự báo bão lụt thì đối với tin bão khẩn cấp, chúng ta quy định chỉ cập nhật 3h/lần, đồng thời thỉnh thoảng trong khoảng 3h đó có thêm các bản tin phụ. Tuy nhiên từ cơn bão số 10 năm 2013, BCĐ PCLB Trung ương yêu cầu chúng tôi tăng cường các dự báo phụ thành các dự báo 1h/lần.

Hiện nay chúng ta đã có hệ thống quan trắc, hệ thống ra-đa quét bão khá hiện đại được bố trí khá dày ở các tỉnh ven biển, thực hiện chỉ đạo của BCĐ PCLB Trung ương, khi có bão gần, ra-đa quét được dữ liệu thì cứ 30 phút, các trạm, đài khu vực sẽ cập nhật dữ liệu 1 lần để đưa ra dự báo.

kt2172747220

Việc dự báo 1h/lần thực ra chỉ vất vả hơn, chứ hệ thống thiết bị kỹ thuật hoàn toàn có khả năng đáp ứng công tác dự báo.

“Sau siêu bão Haiyan, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cùng BCĐ PCLB Trung ương đã có chuyến công tác sang Tacloban (Philippin), nơi cơn bão Haiyan đổ bộ vào để rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác phòng chống đối phó với các siêu bão mạnh trên cấp 16 như bão Haiyan. Không ai có thể khẳng định Việt Nam sẽ không gặp siêu bão như Haiyan, do đó, chúng ta cũng đang có những phương án “siêu phòng chống” với bão lụt.
Rất mừng, Luật Phòng chống thiên tai (có hiệu lực từ 1/5/2014) cũng đã giao rất rõ nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành từ TƯ tới địa phương phải làm những gì khi có tình huống khẩn cấp kiểu “siêu phòng chống” như vậy”. (Ông Lê Thanh Hải)

Nói thêm, việc cập nhật tin bão 1h/lần có hiệu quả và chính xác hay không lại còn phụ thuộc vào từng khu vực mà cơn bão đổ bộ.

Ví dụ bão đổ bộ vào khu vực Quảng Bình – Đà Nẵng sẽ giám sát và cập nhật dự báo rất tốt bởi ở đây được bố trí tới 2 ra-đa quét bão (một ở Tam Kỳ - Quảng Ngãi và một ở Đông Hà – Quảng Trị). Tuy nhiên nếu bão áp sát khu vực Phú Yên - Bình Định sẽ rất khó giám sát cập nhật dự báo, bởi ở khu vực này không có ra-đa quét bão, và lại cách rất xa 2 ra-đa ở Nha Trang và Tam Kỳ.

Nói vậy có phải hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự báo (như ra-đa) hiện nay còn thiếu?

Không hẳn thế. Hệ thống các trạm quan trắc của ta đã có bước tiến lớn. Cách đây 20 năm, ta gần như không có ra-đa thời tiết, cả miền Bắc lúc ấy chỉ có một ra-đa ở Hải Phòng. Bây giờ ra-đa phủ khắp các tỉnh ven biển như Hải Phòng, các thành phố Vinh, Đông Hà, Tam Kỳ, Nha Trang...

Một hệ thống quan trắc rất quan trọng và hiện đại khác đã được chúng ta trang bị và rất đáng tự hào, đó là hệ thống vô tuyến thám không (thiết bị đo các yếu tố khí quyển được thả trên không) từ tầng thấp lên tới độ cao 14km.

Hiện thiết bị này đã được bố trí rất dày khắp cả nước như tại Điện Biên, Hà Nội, Bạch Long Vĩ, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM... Với sự trang bị thiết bị này, chúng ta đã có hệ thống kỹ thuật phục vụ dự báo hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên với hệ thống quan trắc mặt đất, chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu dự báo. Ở các nước phát triển, các trạm quan trắc mặt đất có thể được bố trí dày đặc từ 10-20km/trạm. Tuy nhiên chúng ta mới chỉ bố trí các trạm cách nhau tới hơn 100km/trạm. Ngoài ra hệ thống các trạm đo mưa cũng rất thưa thớt.

Ông vừa nói tới việc đo mưa. Năm ngoái có sự cố xả lũ hồ Vực Mấu (Nghệ An) gây thiệt hại rất lớn. Ngành thủy lợi nói tại bên thủy văn dự báo mưa không chính xác, dự báo chỉ có 300 mm, nhưng thực tế lại tới 600 – 700 mm nên mới xảy ra sự cố đáng tiếc?

Công nghệ dự báo mưa trên thế giới hiện nay cũng chỉ xác định được dự báo định tính, ví như Hà Nội hay Nghệ An ngày mai có mưa hay không, xác suất có mưa là bao nhiêu %, với mức độ mưa vừa, mưa to hay mưa rất to mà thôi, chứ tổng lượng mưa là bao nhiêu thì không thể nào dự báo chính xác được.

kttv172747344
Các trạm đo mưa và quan trắc khí tượng mặt đất vẫn còn quá thưa thớt

Đặc biệt dự báo mưa trong diện hẹp, ví như tổng lượng mưa trong lưu vực sẽ đổ xuống hồ Vực Mấu trong ngày nào là bao nhiêu mm thì không thể nào nói được. Lượng mưa thường phân bố rất không đều, có khi cách nhau vài chục km nhưng nơi không mưa, nơi mưa tới 200-300mm là chuyện rất bình thường.

Công nghệ dự báo mưa sắp tới hiện đại nhất cũng chỉ có thể đưa ra dự báo rất ngắn, ví dụ trong vòng 3h tới, hay 6h tới mà thôi.

Vì vậy muốn giải quyết được vấn đề này, các hồ thủy lợi, thủy điện sẽ buộc phải thiết lập một hệ thống quan trắc đo mưa riêng thật dày ở lưu vực hồ để giám sát lượng mưa thì mới có thể có các phương án điều tiết phù hợp, chứ không thể trông chờ vào hệ thống quan trắc mưa của ngành KTTV vốn đang quá thưa thớt.

Thiết bị đo mưa phải được kiểm định tiêu chuẩn của ngành KTTV, kỹ thuật, quy trình đo phải có quy chuẩn thống nhất, chứ không thể mỗi nơi một kiểu.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.