| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 12/05/2015 , 09:11 (GMT+7)

09:11 - 12/05/2015

Dù giá nhà rẻ nhất thế giới!

“Giá nhà ở Việt Nam rẻ nhất thế giới”. Đó là lời khẳng định chắc nịch của ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Cty Cổ phần Đầu tư Nam Long. 

Không biết khi cất lên lời khẳng định đó, ông lấy căn cứ từ đâu. Nhưng thôi, ở vào vị trí của một người như ông, đã phát ngôn thì ta nên tin.

Chỉ có điều ông phát ngôn trên cơ sở giá trị tuyệt đối, và chỉ căn cứ vào mỗi giá trị đó thôi, mà không để ý rằng giá nhà cao hay thấp, nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như thu nhập, chỉ số CPI, chỉ số tăng trưởng... và nhiều yếu tố nữa.

Có thể ở Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore… giá của mỗi m2 nhà cao hơn ở Việt Nam. Nhưng thu nhập của người dân Mỹ năm 2013 là 47.000 USD, của Hàn Quốc là 42.000 USD. Còn ở Việt Nam là… 1.900 USD. Tại một số vùng sâu, vùng xa, thu nhập của người Việt Nam chỉ vài trăm USD.

Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội mới đây cho thấy, thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động Việt Nam tăng rất chậm, chỉ tăng 0,5%/năm, đạt 4,36 triệu đồng/người/tháng trong giai đoạn 2010-2014. Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thì lương của người lao động Việt Nam tăng rất ít.

Cụ thể, khảo sát trong quý 4/2014, thu nhập bình quân một tháng của nhóm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 2,85 triệu/người/tháng. Ngành công nghiệp - xây dựng có mức 4,24 triệu/người/tháng và nhóm ngành dịch vụ có mức 4,9 triệu/người/tháng.

Nhìn chung, thu nhập của người lao động hiện chỉ mới đảm bảo được trên dưới 70% nhu cầu sống tối thiểu, theo đánh giá của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Với mức thu nhập như thế, lại thêm giá điện, giá xăng liên tục tăng, kéo theo giá cả sinh hoạt tăng, thì người lao động đến ăn còn chả đủ, nói gì đến việc có tích lũy? Với những cặp vợ chồng có một hoặc hai đứa con, thì cuộc sống còn chật vật hơn nhiều.

Với mức thu nhập trên, giả sử 1 người lao động có “bóp mồm bóp miệng” để dành ra được mỗi tháng 1 triệu (mà phải khéo tính toán lắm mới để ra được chừng đó), thì để mua được một căn hộ loàng xoàng, có giá từ 700 đến 800 triệu đồng, một người lao động phải chắt bóp từ 700 đến 800 tháng, nghĩa là sau 60 hay 65 năm làm việc, người lao động mới mua được nhà. Nếu mọi thứ, từ giá nhà cho đến giá trị của đồng tiền không thay đổi.

Với người dân ở các nước trên, thời gian tích lũy để có thể sở hữu một ngôi nhà thấp hơn thời gian trên gấp nhiều lần. Tuy nhiên ở các nước đó, người dân được hưởng chính sách mua nhà trả góp.

Một thanh niên 20 tuổi, có công việc làm là đã có thể được mua nhà trả góp rồi. Và sau vài chục năm, trả hết, thì ngôi nhà thuộc về họ. Còn ở Việt Nam thì chưa có loại hình mua nhà đó.

Chính vì thế mà dù “giá nhà Việt Nam rẻ nhất thế giới”, thì với người lao động Việt Nam, giấc mơ sở hữu một căn nhà, dù là nhà ở xã hội có giá thấp nhất, vẫn mãi mãi xa vời.