| Hotline: 0983.970.780

Du ký Pune

Thứ Tư 01/01/2014 , 10:44 (GMT+7)

Pune hay còn được gọi là Punya-Nagari, là đô thị lớn thứ tám ở Ấn Độ, lớn thứ hai ở bang Maharashtra sau thành phố Mumbai.

Pune hay còn được gọi là Punya-Nagari, là đô thị lớn thứ tám ở Ấn Độ, lớn thứ hai ở bang Maharashtra sau thành phố Mumbai. Pune cũng là thành phố lớn nhất ở Tây Ghats, một trong các trung tâm quyền lực của Đế quốc Maratha. PV NNVN vừa đến Pune và có những trải nghiệm hết sức thú vị.

Tuk tuk - nghề không dành cho phụ nữ

Pune nằm ở độ cao 560 mét trên mực nước biển trên cao nguyên Deccan ở hợp lưu của sông Mula và sông Mutha. Pune khá đô hội, nhưng đến đây, nếu muốn đi lại thăm thú thì chỉ có duy nhất tuk tuk - phương tiện độc quyền trong trung tâm thành phố.

Xe tuk tuk rất rẻ. Tài xế tuk tuk chủ yếu là nông dân từ các vùng quê nghèo lên thành phố kiếm sống. Chỉ cần bỏ ra khoảng 10.000 rupee, tương đương khoảng 4 triệu đồng Việt Nam đã có thể sở hữu một chiếc xe tuk tuk để tác nghiệp. Lạ ở chỗ, trong khoảng 3.000 lao động làm nghề lái tuk tuk ở Pune tuyệt nhiên không có lấy một tài xế nữ nào.


Dạo tuk tuk ở Pune

Tính rộng ra cả đất nước Ấn Độ, chỉ có một người phụ nữ duy nhất làm nghề này là cô Sunita Chaudhary ở New Delhi. An ninh ở Pune nói riêng và ở Ấn Độ nói chung rất phức tạp. Hàng chục vụ đánh bom, hàng trăm vụ hiếp dâm xảy ra mỗi năm là lý do nghề lái xe tuk tuk không dành cho phụ nữ.

Do ảnh hưởng của văn hóa giao thông của người Anh trong những năm thuộc địa nên người Ấn Độ tham gia giao thông luôn đi lề trái. Những năm gần đây, giao thông ở Ấn Độ cũng nhức nhối nạn tắc đường nên tuk tuk càng được trọng dụng. Loại xe ba bánh có khả năng luồn lách nhanh nhẹn trong tình trạng ùn tắc giao thông và có thể chở một lúc 4 hành khách, tốc độ tối của của nó là khoảng 30 dặm một giờ.

Mặc dù Bangkok (Thái Lan) được xem là nơi đóng vai trò tiên phong trong ngành công nghiệp xe tuk-tuk, nhưng Ấn Độ lại là nước sử dụng phương tiện này nhiều nhất. Giá cước của tuk tuk rất mềm. Nếu tính theo tiền Việt Nam thì một cây số cũng chỉ 4 - 5 ngàn đồng, tùy từng vùng và có đồng hồ điện tử hẳn hoi. Lái tuk tuk cũng cần giấy phép, phải được đào tạo luật lệ giao thông, tuy nhiên chi phí không nhiều.

Tại Ấn Độ, mọi người thường không coi trọng nghề lái xe tuk tuk bởi vì đối tượng làm nghề này thường là những nông dân nghèo khổ từ nhiều vùng quê lên thành phố kiếm sống. Và cũng giống như ở Việt Nam, thực trạng nông dân rời làng ngày một đông bởi vì nếu bám quê thì không biết làm nghề gì để sống.

Bi đát đến mức, có nhiều nông dân Ấn Độ thậm chí còn phải tự tử. Theo một thống kê của Liên hợp quốc, tỷ lệ tự tử ở Ấn Độ là khoảng 15/100.000. Tỷ lệ tự sát trong số lao động nông nghiệp là khoảng 7/100.000, vậy có nghĩa là tỷ lệ tự tử của người nông dân chiếm một nửa trong các vụ tự tử của đất nước, một con số sửng sốt. Năm 2009 có tới 17.000 nông dân Ấn Độ tự sát vì bế tắc.

Hariprasad là tài xế chở chúng tôi đi quanh thành phố Pune kể rằng: Quê anh cách Pune chừng 100 km. Bỏ lại vợ con, một mình Hariprasad lên thành phố kiếm việc vì ở quê làm gì cũng không đủ sống. Mỗi tháng anh kiếm được khoảng 6.000 rupee, tức chỉ hơn 2 triệu đồng Việt Nam.

Trong một ngôi đền của đạo Hindu

Hindu là quốc đạo của Ấn Độ. Có khoảng 80% dân số đất nước theo loại đạo này. Thành thử, Ấn Độ là đất nước của những đền đài, chùa chiền.

Ngôi đền chúng tôi đến có tên là ISKCON, một ngôi đền thu hút hàng ngàn tín đồ theo đạo Hindu ở Pune. Cuối năm là thời điểm hành hương của tín đồ đạo Hindu cũng như dịp chuẩn bị tổ chức lễ hội tôn giáo tôn giáo Thaipusam, bắt đầu từ ngày 20/1.



Trong ngôi đền ISKCON

Người theo đạo Hindu tổ chức các cuộc hành hương cũng chẳng khác nào lễ hội. Ca hát, nhảy múa, trống kèn inh ỏi. Trước cổng đền ISKCON chúng tôi bắt gặp một lễ hội như thế. Hàng trăm người vừa nhảy múa theo điệu nhạc, hàng ngàn người vây tròn xung quanh.

Được biết, những cuộc hành hương thế này là thời gian ăn chay khắt khe nhất, được xem như ngày cảm tạ và hối lỗi, tưởng nhớ đến ngày nữ thần Hindu Pavarthi trao cho người con trai Thần Muruga - thần chiến tranh, một cây giáo vô song để tiêu diệt ác quỷ.

Những người tham gia hành hương thường đi chân trần mang theo những đồ trang sức nặng trĩu, trang trí công phu được gọi là kavadis.

Người theo đạo Hindu quan niệm, mỗi lần đến đền thì mọi tội lỗi của con người sẽ được gột rửa bằng cách thực hiện nghi thức và cầu nguyện. Nghi thức rửa tội cũng rất công phu và cực kỳ thành khẩn. Muốn vào đền, các tín đồ phải cởi bỏ hết dày dép, đi chân trần. Họ quỳ lạy hàng tiếng đồng hồ trước khi làm động tác đổ gập người xuống sàn của ngôi đền giống như động tác bơi sấp vậy.


Tín đồ đạo Hindu hành hương

Hầu hết các ngôi đền của đạo Hindu đều nằm cạnh sông. Ở Ấn Độ các dòng sông bị ô nhiễm nặng. Rác thải, quần áo cũ, bao ni lông vứt đầy các dòng sông. Kripa Das nói rằng, dù bẩn đến mấy thì các dòng sông đều rất thiêng.

Lang thang ở Pune mới thấy, có lẽ chẳng nơi nào trên thế giới này mà con người và loài vật sống thân thiện với nhau như ở đây. Đó lại là một đặc trưng nữa của những người theo đạo Hindu.

Đến như quạ, loài chim thường mang lại điềm xấu, bị xua đuổi theo quan niệm của người Việt Nam nhưng ở Pune rất nhiều. Quạ ở đây to như gà vườn. Trong Tết Ấn Độ, gọi là Tihar, vào giữa tháng 11, có ngày cúng lễ quạ rất trang trọng. Chuột có mặt khắp nơi và không bị săn đuổi.

Thậm chí có cả đền thờ chuột hoành tráng ở thành phố Deshnoke tên là Karni Mata. Nghe nói rằng ở xứ này chuột coi người như tôi tớ, có nhiệm vụ vỗ béo chúng hàng ngày bằng thức ăn và sữa tươi. Những người theo đạo Hindu nếu được ăn lại thức ăn thừa của chuột được xem là may mắn. Tôi cũng được nghe rằng, có một du khách Việt Nam không may đè chết mấy con chuột thiêng trong ngôi đền ấy nên gặp rất nhiều rắc rối.

Lạ hơn hết là chuyện người theo đạo Hindu phong thánh cho loài bò.


Bò của người dân Ấn Độ

Từ thủ đô tráng lệ đến từng hộ gia đình những vùng xa xôi hẻo lánh, bò thân thiết như thành viên trong nhà. Pune cũng vậy. Ở một số vùng trong thành phố, bò được mặc áo, có nhà hẳn hoi. Bò Nandin là linh vật thần Shiva (thần hủy diệt, một trong ba vị thần của Hindu) thường cưỡi, là “Mẹ của quá khứ và tương lai”, cung cấp sữa nuôi sống con người và giúp trị bệnh. Bò ở Ấn Độ là số một.

Nếu ra đường gặp phải bò thì bất cứ ai cũng phải nhường đường, kể cả nguyên thủ quốc gia. Ăn thịt bò là phạm thượng, khi thần. Người Ấn Độ chỉ dám dùng chất thải của hậu duệ thần Nandin là nước tiểu và phân để chữa... bá bệnh, thậm chí là bệnh ung thư. Theo sách Hindu cổ “phân bò tươi có tác dụng diệt vi khuẩn và chữa lành vết thương, làm sạch lớp da chết và tăng tuần hoàn máu”.

Từ phân bò, người Ấn còn chế biến thành xà bông, dầu gội đầu, kem đánh răng, nhang thờ, nhang muỗi... Một số nơi ở Ấn Độ người ta còn uống nước tiểu bò như thể uống bia hơi. Nhiều người nói rằng, lễ hội đua bò vùng Bảy Núi (An Giang) có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Cũng giống như Việt Nam, khoảng cách đời sống giữa thành phố và nông thôn rất chênh lệch. Chỉ cần ra khỏi thành phố Pune chừng 1 - 2 km, người ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân sống nhếch nhác trên các bãi rác.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Xuất siêu nông sản 3 tháng đầu năm 2024 tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái

Ba tháng đầu năm 2024, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá. Năng suất, sản lượng nhiều; sản phẩm chủ lực tăng; đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất