| Hotline: 0983.970.780

Dự thảo Luật Giá: Vẫn nặng cơ chế xin - cho

Thứ Ba 29/05/2012 , 10:51 (GMT+7)

Đó là ý kiến của phần đông đại biểu (ĐB) khi đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Giá tại Quốc hội sáng ngày 28-5.

* Cần có cơ quan độc lập giám sát giá điện

Đó là ý kiến của phần đông đại biểu (ĐB) khi đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Giá tại Quốc hội sáng ngày 28-5. Đây cũng là dự luật gây nhiều tranh cãi sau hơn 2 năm lấy ý kiến, cho dù danh mục hàng hóa bình ổn giá trong dự luật đã được liên tục thay đổi.

Nặng cơ chế xin - cho

Đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh được quy định trong Dự thảo luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ về giá trong đấu thầu, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, lãi suất tín dụng, tỷ giá hối đoái... có điều chỉnh trong Luật Giá hay không. Trình bày trước QH, ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) và ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) khẳng định: dự thảo Luật Giá vẫn nặng cơ chế xin - cho bởi vẫn yêu cầu khi thẩm định giá một số ngành đặc thù như bất động sản, động sản; thẩm định giá doanh nghiệp; thẩm định giá dự án bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do cơ quan chuyên môn cấp. Các ngành nghề tương tự như kinh doanh bảo hiểm, kiểm toán độc lập, kinh doanh bất động sản đều yêu cầu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Vì vậy, để đủ điều kiện bắt buộc các cá nhân, đơn vị phải chạy lo những thủ tục trên. ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cho rằng, năm 2011, thanh tra 585 DN đã xử lý hơn 4.000 tỷ đồng. Có nghĩa việc vi phạm về tỷ giá ngày càng gia tăng. Nên chăng trao thêm quyền để dành cho cơ quan quản lý về giá một cách chặt chẽ hơn. Đồng tình với ý kiến của ĐB Phúc, ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre) đề nghị bổ sung thêm chi tiết mà dự thảo Luật Giá chưa đề cập đến là: “Giá phải được giữ bí mật đến khi cơ quan chức năng chính thức thông tin rộng rãi để tránh đầu cơ, trục lợi".

Còn ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, giá cả và cách quản lý đang có vấn đề. Vì vậy cần phải xem xét vướng mắc ở đâu, có phải do cách quản lý của mình đang có vấn đề không? Chúng ta có nhiều thanh tra nhưng lại không có hiệu quả nhiều lắm. Rồi cả việc nhiều khi anh ban hành một quy định có trật tự nhưng lại gây hại cho doanh nghiệp, gây hại cho người tiêu dùng. Điều đó có nên không? Cũng theo ĐB này, việc phát huy vai trò của Luật Cạnh tranh trong can thiệp giá đang là xu hướng chung của các nước trong khu vực. Các láng giềng của Việt Nam đều theo xu hướng giảm tối đa can thiệp của nhà nước, bằng cách chỉ lựa chọn những mặt hàng thực sự có tính chất sống còn đối với người dân và nền kinh tế, kiên quyết không bình ổn giá những mặt hàng đã có thị trường cạnh tranh.

Doanh nghiệp quyết định giá điện: không được

Vấn đề về giá điện cũng “nóng” lên tại Hội trường khi nhiều ĐB băn khoăn về tính bình ổn giá điện nếu như Chính phủ quyết định “thả” giá điện bán lẻ cho doanh nghiệp quyết. Theo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Giá của Ủy ban Thường vụ QH, Nhà nước sẽ chỉ định mức giá cụ thể đối với giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu đang thuộc độc quyền nhà nước. Điều này khiến ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) lo lắng khi một số quy định trong dự thảo luật thể hiện việc Nhà nước sẽ vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện nhưng về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình. Riêng về giá bán lẻ điện, Nhà nước cũng sẽ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường.

Đồng nghĩa với việc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) sẽ định giá cụ thể giá bán lẻ điện, Bộ Công thương kiểm soát trong khung giá của Chính phủ. ĐB Tấn nói: “Nếu EVN còn độc quyền thì Nhà nước cần định giá bán cụ thể đối với giá bán lẻ điện và không nên để doanh nghiệp tự định giá". Đồng tình quan điểm này, ĐB Nguyễn Văn Thành (Lạng Sơn) lưu ý các quy định về định giá cần xem xét kỹ, tránh nguy cơ sau khi thông qua dự luật, giá điện sẽ lại tăng cao. Vấn đề giá điện trong dự thảo Luật Giá cần phải thống nhất với Luật Điện lực. Phát biểu kế tiếp, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) còn chỉ ra sự chồng chéo hiện nay như Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu EVN, vừa là cơ quan thẩm định, kiểm soát giá điện, ra các chính sách về giá điện. Như thế là không ổn. Theo ĐB này, Chính phủ phải xem xét để có cơ quan độc lập giám sát giá điện.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Giá chỉ quy định Nhà nước định khung giá bán lẻ điện mà không định giá cụ thể thì sẽ thiệt hại cho người tiêu dùng. Cũng liên quan đến giá điện, nhiều ĐB đề nghị Chính phủ phải là người quy định giá điện và không để cho EVN tự quyết. ĐB Đồng Hữu Mạo, Thừa Thiên - Huế cho rằng, nếu thả giá bán lẻ điện chắc chắn sẽ có mức giá không lợi cho người tiêu dùng. “Dự thảo nói Chính phủ định khung giá của mức giá bán lẻ nhưng tôi vẫn băn khoăn về tính khả thi của nó. Giá bán lẻ điện bình quân hiểu như thế nào? Giá điện có nhiều loại cho các thành phần, có phải sau một thời gian sẽ lấy tổng doanh thu chia cho sản lượng điện, làm thế nào để Nhà nước biết doanh nghiệp bán đúng quy định giá bình quân đó?”, ĐB Mạo băn khoăn.

Để thuyết phục hơn, ĐB Mạo lấy ví dụ: chưa đến cuối kỳ, cơ quan nhà nước kiểm tra sẽ khó phát hiện sai phạm trong giá điện vì chưa có doanh số để chia. Nếu như sau này phát hiện kết quả cao hơn, Nhà nước sẽ thu hồi khoản chênh lệch này để cho doanh nghiệp hay để lại cho người tiêu dùng? Làm thế nào để người tiêu dùng nhận được số tiền đã đóng đây? Chắc không đơn giản.

Một số mặt hàng không nằm trong Danh mục “bình ổn giá” bao gồm: sắt, thép, xi măng, thức ăn hỗn hợp dùng cho chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, cá tra, cá basa, tôm, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng.

Bỏ từ “u-rê” trong cụm từ “phân đạm u-rê” để tránh tình trạng lách luật dưới hình thức đổi tên sản phẩm khi triển khai áp dụng; sửa cụm từ “thuốc thú y: vac-xin lở mồm long móng; vac-xin cúm gia cầm” thành “vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm” nhằm bảo đảm tính bao quát, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người chăn nuôi gia súc, gia cầm; “muối hạt trắng” sửa thành “muối ăn”; sửa cụm từ “sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi” thành “sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi” nhằm tránh tình trạng lách luật (trên thực tế có tình trạng pha chế, chuyển từ dạng "bột" sang dạng cô đặc để không thuộc diện bình ổn giá).

(Trích báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của UBTVQH ngày 28-5)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vĩnh Long công bố 2 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Vĩnh Long Ngày 18/4, tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ công bố 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 'Lễ hội Văn Thánh Miếu' và 'Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long'.