| Hotline: 0983.970.780

Dừa Bến Tre và 1.000 tỉ đồng

Thứ Sáu 28/01/2011 , 09:43 (GMT+7)

Bến Tre là địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước với hơn 50.000 hecta, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ dừa năm 2010 đạt khoảng 55 triệu USD.

Bến Tre là địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước với hơn 50.000 hecta, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ dừa năm 2010 đạt khoảng 55 triệu USD/năm (trên 1.000 tỉ đồng).

Cây dừa đã chiếm một vị trí quan trọng trong thành phần xuất khẩu nông sản, trở thành cây làm giàu cho hàng vạn nông dân trên quê hương Đồng Khởi.

Xứ sở dừa

Dọc theo những con đường ở Bến Tre mùa này là những “rừng” dừa xanh tít tắp, sai trĩu quả. Không biết cây dừa gắn bó với mảnh đất này từ bao giờ, nhưng hễ nhắc đến Bến Tre là nói đến xứ sở dừa. Nhà thơ Lê Anh Xuân từng viết: “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ. Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ”… Cây dừa từ lâu đã ăn sâu vào cuộc sống, trở thành một nét văn hóa vùng miền độc đáo. Trên mảnh đất đầm lầy chua mặn này, cây dừa phát triển tốt và mang một hương vị rất riêng, hiếm nơi nào có được. Nhưng ít ai biết rằng, những năm về trước, nạn dịch bọ dừa đã khiến hàng trăm hecta dừa ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày, Thạnh Phú… bị phá bỏ. Dừa xuống giá thê thảm, chỉ từ 400 – 600 đồng/quả. Nhiều nơi, người dân chặt dừa để trồng các loại cây kinh tế khác.

Để giải nguy cho các vườn dừa, Sở NN & PTNT tỉnh Bến Tre đã kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tìm phương án chặn dịch và phát triển lại diện tích trồng dừa. Nông dân được hỗ trợ vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật ươm trồng để khôi phục sản xuất. Ông Đỗ Văn Công, Trưởng phòng KH – KT Sở NN & PTNT tỉnh nhớ lại, hầu hết các giống dừa ở địa phương là giống cũ, năng suất thấp, sức đề kháng sâu bệnh kém nên hiệu quả kinh tế không cao. Song song với việc trồng các giống dừa mới thay thế, phải tìm đầu ra cho cây dừa, để người dân có thể sống được bằng nghề trồng dừa. Bằng nỗ lực của chính quyền địa phương, đội ngũ các chuyên gia khoa học và nông dân, Bến Tre đã dần khôi phục lại diện tích trồng dừa và đưa cây dừa trở thành cây kinh tế chủ lực của tỉnh. Từ diện tích 35.000 ha (năm 2003) đến nay Bến Tre đã có hơn 50.000 hecta trồng dừa, chiếm gần 40% diện tích trồng dừa cả nước. Trong đó hai huyện Châu Thành và Mỏ Cày Nam chiếm diện tích lớn nhất.

Ông Nguyễn Văn Năm (ấp 2, xã An Phước, Châu Thành) tâm sự: “Hồi trước cuộc sống người trồng dừa bấp bênh lắm, năm nào may mắn được mùa thì rớt giá thê thảm nên tôi cứ chặt bỏ dần. Thời gian gần đây, giá dừa tăng cao trở lại, nên gia đình tôi cũng mạnh dạn vay vốn của hội nông dân khôi phục lại vườn dừa. Hiện tôi đang sở hữu hơn 1,3 hecta trồng dừa xen lẫn cây ca cao”. Cũng như gia đình ông Năm, nhiều hộ dân ở xã An Phước cũng bắt đầu phát triển vườn dừa theo hướng trồng xen canh các loại cây trồng khác hoặc xen canh nuôi tôm càng xanh, cá nước ngọt để tăng thu nhập. Với phương án này, Bến Tre không chỉ phát triển cây dừa truyền thống mà còn tạo điều kiện phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người nông dân.

Bà Bùi Thị Mỹ Dung, cán bộ phòng NN & PTNT huyện Châu Thành cho biết: “Dừa Bến Tre có đặc điểm là quả to, cùi dày, thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Hiện trên địa bàn huyện Châu Thành có hơn 5.500 ha trồng dừa, trong đó mỗi năm trồng mới gần 5%. Nhiều giống dừa mới cho năng suất cao đang được chuyển giao cho các hộ trồng dừa”. Để phát triển thương hiệu cây dừa Bến Tre, vừa qua, Hiệp hội dừa Bến Tre đã thành lập thêm 7 chi hội trồng dừa ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày và Giồng Trôm nhằm giúp đỡ nông dân về kỹ thuật chăm sóc và nhằm nâng cao giá trị cây dừa.

Cây làm giàu trên mảnh đất chua mặn

Những ngày này, các vườn dừa ở Bến Tre đang rộn ràng chuẩn bị hàng cho các thương lái đến mua. Ngay đầu con đường dẫn vào ấp 1 (xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam) nhiều xe tải loại nhỏ đã đứng đợi từ sáng sớm để bốc hàng. “Dừa năm nay được giá với mức 100.000 đồng/chục (12 quả), nhưng vẫn không đủ lượng hàng cung ứng cho các đầu mối. Chúng tôi đi thu gom suốt mấy ngày nay cũng chỉ mới đáp ứng được 2/3 đơn hàng”, một thương lái cho biết. Theo chân một cán bộ xã, chúng tôi đến nhà ông Tư Nhỏ, một chủ vựa dừa lớn ở Phước Hiệp. Cả gia đình ông Tư đang phụ giúp vận chuyển dừa lên xe. “Gia đình tôi có gần 1 hecta trồng dừa, trừ chi phí sản xuất cũng lãi trên trăm triệu. Nếu như mấy năm về trước tôi không chặt bỏ dừa, thì giờ chắc thu nhập còn cao hơn. Từ hơn tháng nay, nhiều lái buôn đến hỏi mua nhưng không có hàng”, ông Tư tiếc rẻ.

Tiên Thủy (huyện Châu Thành) từng là một xã thuần nông nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó chủ lực là cây dừa. Nhưng hai năm gần đây, ở Tiên Thủy đã xuất hiện nhiều “tỷ phú” dừa nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi thâm canh cây dừa theo chiều sâu. Ông Phạm Văn Bon, Chi hội phó Chi hội trồng dừa xã Tiên Thủy cho biết: “Thông qua chi hội, nhiều nông dân nghèo đã được vay vốn và tiếp cận các kỹ thuật về trồng dừa. Nhiều người trong số họ đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Vụ dừa này, chúng tôi cũng đang chuẩn bị gom hàng tại các vườn để đưa đi tiêu thụ, tránh bị các thương lái ép giá”.

Tại sông Bến Tre (đoạn qua chợ trung tâm TP. Bến Tre) có nhiều ghe tàu trọng tải lớn tập kết ở đây để thu mua dừa khô xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước khác. Dừa được vận chuyển từ các địa phương dồn về đây, giá tiêu thụ tại bến có lúc lên gần 9.000 đồng/quả. Trên sông Hàm Luông (huyện Mỏ Cày Nam) cũng hình thành nhiều điểm thu mua dừa của các thương lái. Các ghe dừa từ Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ… cũng xuôi theo con nước đưa hàng về Bến Tre.

Cùng với việc mở rộng diện tích trồng dừa, Bến Tre chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm từ dừa. Các bộ phận từ cây dừa như: gáo, xơ, lá, dầu dừa, cùi sấy… đều được tận dụng để chế biến các loại sản phẩm xuất khẩu. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 70 doanh nghiệp và hơn 1.000 cơ sở sản xuất, chế biến dừa. Nhiều nhà máy chế biến cùi dừa, nạo sấy chất lượng cao với số vốn đầu tư hàng chục triệu USD đang dần được hình thành và đi vào hoạt động. Các sản phẩm làm từ dừa như: kẹo dừa, bánh tráng dừa, thạch dừa… đã dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Đây là cơ sở để đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân trồng dừa.

Box: Ông Trần Văn Tiền, Phó phòng NN & PT NT huyện Châu Thành cho biết: “Xác định cây dừa là cây trồng chủ lực của địa phương nên trong thời gian qua phòng NN huyện đã triển khai phân bổ các giống dừa mới, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt đến tận tay người dân nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây dừa. Hình thành lối thâm canh theo chiều sâu, cải tạo những vùng đất chua phèn, hoang hóa để trồng dừa. Cuộc sống người dân trồng dừa đang thay đổi từng ngày, họ đã yên tâm sản xuất, vươn lên làm giàu với cây trồng truyền thống”.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.