| Hotline: 0983.970.780

Đưa chồng vào... quỹ đạo

Thứ Tư 26/03/2014 , 06:30 (GMT+7)

Sống với nhau cũng sắp được 5 năm, cháu cảm thấy không chiều nổi nữa cô ơi.

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu là cô gái cách đây 2 năm có hỏi cô về việc nên chăng đi tìm lại người cha đã bỏ rơi mình từ bé. Lời khuyên của cô rất đúng, cháu đã bình tâm hơn với chuyện này, cứ để bố dượng của cháu khuất núi hẵng hay. Hôm nay cháu lại có chuyện muốn nhờ cô để thấy cuộc đời của phụ nữ như mình bớt “khổ” hơn.

Hai năm trước khi hỏi cô về người cha ruột, cuộc sống gia đình nhỏ của cháu rất bình an, những năm đầu của cuộc hôn nhân còn là mật ngọt. Con trai mới chào đời, dâu mới về không có nhiều chuyện va vấp, tình cảm vợ chồng còn nồng thắm và thật sự những nhược điểm về nhau chưa bộc lộ hết. Nhưng sống với nhau cũng sắp được 5 năm, cháu cảm thấy không chiều nổi nữa cô ơi.

Về kinh tế, vợ chồng cháu chỉ là công chức, thu nhập chỉ đủ tiêu. Nhưng cháu lại sắp sinh đứa nữa mà chồng cũng chỉ có đóng góp tý ty. Anh cũng xoay nhiều cách làm ăn ngoài nhưng mà làm chẳng ra đầu ra đũa, cũng vì cái tính lười (đã từng làm nhà nấm nhưng không lâu thì bỏ bê mình cháu duy trì cái nhà xưởng). Công nhận anh cũng có nhiều ý tưởng và cũng có thiện ý làm cho cuộc sống gia đình đỡ khó khăn hơn nhưng mà đam mê làm không đến nơi, đến chốn nên cháu bỗng thấy sợ cô ạ. Bây giờ anh lại đòi chuyển sang thử nghiệm trồng dưa vàng, chanh leo, hoa tuylip... đủ mọi thứ mà cháu không chịu. Thật sự không phải cháu sợ thất bại hay thua lỗ mà sợ anh ấy làm rồi lại bỏ bê như làm nấm và lười như làm nấm. Vì vậy mà vợ chồng cũng hục hặc hoài vì cháu không ủng hộ.

Anh có nhiều nhược điểm rất khó chấp nhận nhưng bảo là hư hỏng như những gã đàn ông thời nay thì không (chỉ thỉnh thoảng đánh bài với mấy bác hàng xóm vào thứ bảy hoặc chủ nhật, ăn thua rất bé, không ảnh hưởng đến kinh tế). Anh quá lười với việc nhà, cái lười cố hữu của đàn ông Việt Nam từ thời phong kiến cô ạ. Trời mưa anh ngồi trong nhà quần áo chẳng thu vào giúp, nói đàn ông không làm mấy việc vặt này. Nhà cửa cháu thử để một tuần không quét xem anh có cầm chổi giúp không nhưng anh mặc kệ. Tóm lại là tất cả những việc mà coi như làm của đàn bà anh không bao giờ phụ giúp. Cháu có ốm thì hãy ráng mà dậy dọn dẹp để vài ngày thì cũng đến tay thôi.  Người ta bảo đàn ông ưa ngọt, nịnh đi rồi sẽ được việc, cháu cũng thử rồi, ngọt có, nhạt có, nịnh bợ có, mặt lạnh có nhưng không ăn thua.

Thật lòng cô có cách nào bày cho chồng cháu chăm chỉ không cô? Cháu đã nhờ mẹ chồng góp ý giùm thì mẹ bảo mẹ hầu bố con nhà nó cả đời có sao đâu (mẹ chồng cháu sinh toàn con trai). Cháu tự hỏi có bao giờ mẹ chồng cháu thấy tủi thân không. Nhiều lúc chỉ thèm một giây phút nghỉ ngơi để nghe xong một bài hát hay uống một tách cà phê không bị bọn trẻ hay bố nó làm phiền. Cháu lại sắp sinh thêm con trai, vậy mẹ sẽ là ô-sin mãi sao?

Cháu rất tin cô cho có thể chỉ cho cháu một cách làm nào đó để có thể bình tĩnh đưa gia đình vào quỹ đạo, chứ cứ để thế này không ổn chút nào.

Giữ kín email giúp cháu

-----------------

Cháu thân mến!

Cô có nhớ một cô gái rất khắc khoải với việc tìm cha nhưng cô này may mắn có một bố dượng tuyệt vời. Mừng là lời khuyên của cô đã có ích.

Đã có nhiều cô gái viết thư với vấn đề như của cháu. Vợ mới, con đầu lòng, dâu mới nhà chồng vui… nhưng không lâu sau mọi thứ tan như bong bóng xà phòng. Vì sao? Không vì sao cả. Hay nói hình ảnh, vì lối mòn muôn đời đã vậy, ta phải men đi, như mẹ chồng cháu nói đó, bà có sao đâu. Vấn đề ở chỗ ấy.

Có không những người chồng siêng năng, lý tưởng, đặc biệt? Có đấy, có chứ, tỷ lệ ấy lại quá khiêm tốn, chắc chừng 10 phần trăm. Những người ấy thường từng du học, có ở nước ngoài và họ biết sống như thế nào thì hạnh phúc một cách có hương vị, hạnh phúc thực sự. Không thể có thứ hạnh phúc mà chồng như ông chủ còn vợ thì như ô-sin.

Chồng cháu, như cháu viết, còn có cái được là không bia bọt, lô đề, gái gú. Thời nay vậy là mừng lắm rồi. Ấy là phần được theo cô là cơ bản. Chồng cũng có những ý tưởng làm ăn để thoát nghèo, cũng không tệ. Nhưng có lẽ người này thuộc dạng đứng núi này trông núi nọ, hoặc đam mê không bền. Cũng là một nhược điểm nặng, cho thấy tính cách phập phù, thích giàu xổi, không bền bỉ.

Làm sao để một ông chồng siêng năng việc nhà? Có lẽ do trời ban mới được cháu ơi. Cô có chồng, cô biết, củ khoai lang cũng gọt sẵn thì chồng ăn mới ngon. Đôi khi chồng giúp lau nhà, rửa chén bát, nhưng năm thì mười họa, sống mấy chục năm thì mới được đôi chút vậy đó. Ai cũng phải đi từ trai tân gái tân mà vào tròng hôn nhân, sâu xa đàn ông họ chầy chống cái lồng, họ phủ nhận gò ép, họ phản ứng áp đặt. Phải từ từ, nhất là khi đã có 2 đứa con thì vợ vắt chân lên cổ, chồng cũng không lục bình trôi được nữa.

Dĩ nhiên 2 đứa con trai (hết suất đẻ rồi) thì mẹ sẽ cực hơn khi có trai có gái. Mẹ làm ô-sin là tính luôn có cả “ba đứa trẻ” trong nhà (ba nó nhiều khi vẫn là đứa trẻ trai lớn xác mà thôi). Không cách nào thoát kiếp đàn bà Việt được. Các cháu bây giờ còn có tiện nghi trợ lực, thời bao cấp của cô, ngày 2 thau quần áo giặt tay, ủi đồ bằng bàn ủi đốt than, cơm nấu bằng than vắt, trăm thứ chuyện đàn bà cáng đáng trong nỗi nghèo không sao tả xiết.

Hãy từ từ, bình tâm, ngon ngọt điều chỉnh. Con trai cô cũng loại đàn ông lưng dài, giờ nó 2 con, cũng dậy sớm, bấm máy giặt, dỗ con, tắm con, đưa vợ đi chợ…đủ trò, ngày càng thạo và bận. Không sao đâu, nhưng mà không bao giờ có công bằng tuyệt đối trong nhà giữa nam và nữ ở cái xứ lạc hậu này.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.