| Hotline: 0983.970.780

Đưa điện qua đáy biển

Thứ Sáu 18/10/2013 , 15:51 (GMT+7)

Đúng 18h ngày 16/10, dòng điện lưới từ đất liền xuyên qua biển ra huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh chính thức đóng mạch...

Đúng 18h ngày 16/10, dòng điện lưới từ đất liền xuyên qua biển ra huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh chính thức đóng mạch trong niềm hân hoan của hơn 7 nghìn người dân trên đảo. Sự kiện lịch sử này mở ra cho huyện đảo tiền tiêu của Quảng Ninh một trang sử mới.


Bà Tòng Thị Phóng: Dự án thành công thể hiện tình cảm cao quý, thiêng liêng mà Đảng, Chính phủ, tỉnh và nhân dân cả nước đã dành cho Cô Tô

Nối đảo gần bờ

Gia đình anh Bùi Đức Chinh ra đảo Cô Tô làm kinh tế mới từ năm 1979. Anh Chinh bảo, mấy chục năm nay, chưa có ngày nào toàn bộ người dân trên đảo lại hồ hởi, phấn khởi đến thế. Không phấn khởi sao được khi lần đầu tiên, nhà nhà đều được thắp sáng bởi ánh sáng của dòng điện lưới quốc gia, thay cho ánh đèn pin, đèn dầu và máy phát điện diesel leo lét.

Trong tâm thức của người Quảng Ninh nói riêng và du khách đến với đất Mỏ nói chung, Cô Tô xa lắm. Xa là bởi đi lại khó khăn. Mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu ra đảo, nhà hàng khách sạn cũng không có…

Cả huyện đảo chỉ có một nhà khách của UBND huyện với hơn chục phòng, khách ra đảo công tác đều nghỉ tại đó. Buổi tối, các ngả đường trung tâm thị trấn vắng hoe, tăm tối, đặc biệt là những ngày cuối tuần, do phần lớn cán bộ, viên chức của huyện có gia đình ở Vân Đồn thường về nhà.


Đóng nối điện lưới ra đảo Cô Tô

Năm 1987, lần đầu tiên người dân ở đảo nhìn thấy ánh sáng điện trong ngôi nhà của mình, nhưng không phải từ điện lưới quốc gia mà từ chiếc máy phát điện chạy dầu do các hộ góp tiền mua, mỗi ngày chỉ phát điện từ 18h-21h.

Do giá thành phát điện cao nên người dân chỉ dám dùng một ngọn đèn chiếu sáng. Nhà nào sang thì có thêm chiếc ti vi, mỗi tháng phải trả 200 nghìn đồng tiền dầu. Mấy năm gần đây Nhà nước đã hỗ trợ tiền điện 8.000 đồng/hộ/tháng, nhưng gia đình anh Chinh vẫn chỉ sử dụng một bóng đèn chiếu sáng.

Nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, cách TP Hạ Long khoảng 110 hải lý và cách thị trấn Vân Đồn 50 hải lý, từ trước tới nay Cô Tô chưa có điện lưới quốc gia nên người dân đảo phải dùng nguồn điện diesel. Giá điện diesel rất cao nên việc cấp điện từ nguồn này hạn chế, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội cho huyện đảo.

 Trong nhiều năm, các bộ ngành liên quan đã nghiên cứu những giải pháp công nghệ hợp lý để điện khí hóa huyện đảo trên cơ sở khai thác tài nguyên năng lượng thiên nhiên. Trong hai năm 2007 - 2009, Viện Khoa học năng lượng đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học lập quy hoạch tổng thể cung cấp năng lượng bền vững phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng cho huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh”.

Ban đầu, đề tài định dùng năng lượng mặt trời làm nguồn cấp điện cho toàn huyện đảo nhưng giá thành tương đối cao. Nhiều lần thử nghiệm các phương án sản xuất điện từ gió, sóng biển, mặt trời... đều không thành công. Do vậy, người dân huyện đảo Cô Tô vẫn phải cứ quẩn quanh với chiếc máy phát điện.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính, “tổng đạo diễn” dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô, là người trăn trở hơn ai hết. Ông Chính bảo rằng, ngay từ khi về nhậm chức Bí thư, ông đã nghĩ ngay đến phương án xây dựng Nhà máy nhiệt điện trên đảo, sau khi các phương án điện gió, năng lượng mặt trời… không khả thi.


Nhân dân huyện đảo hân hoan mong chờ dòng điện lưới

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, mặc dù đang rất khó khăn, cũng xin đứng ra nhận lời giúp sức bằng việc chuyển nhiên liệu là than ra đảo để chạy máy phát. Nhưng, suy đi tính lại, việc sử dụng nhiệt điện vừa rất tốn kém, vừa ô nhiễm môi trường đảo, lại phá vỡ hoàn toàn quy hoạch du lịch ở Cô Tô.

Thế nên, dù rằng đầu tư ban đầu có lớn, nhưng về lâu dài, việc đưa điện lưới bằng cáp ngầm ra đảo là phương án khả thi nhất, và nó được lựa chọn. Và, chính dự án này đã góp phần nối đảo gần hơn với bờ.

Kỳ tích Quảng Ninh

Ông Chính bảo, trên 1,1 nghìn tỷ đồng đầu tư cho dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô bằng cáp ngầm trong thời điểm ngân sách đã cạn kiệt quả là điều vô cùng khó khăn. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách của Nhà nước thì việc triển khai dự án sẽ mất rất nhiều thời gian và không biết đến bao giờ người dân huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc mới có được điện lưới quốc gia để sử dụng.

Vì vậy, tỉnh đã mạnh dạn báo cáo, xin Chính phủ cho cơ chế được triển khai thực hiện dự án theo hình thức xã hội hoá. Với ý nghĩa quan trọng, dự án đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao từ Trung ương đến địa phương và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong cả nước.

“Chung tay thắp sáng vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc” đã được đông đảo người dân đất Mỏ và đồng bào trong cả nước nhiệt tình hưởng ứng. Các đợt ủng hộ liên tục diễn ra sau ngày dự án khởi công xây dựng, mỗi người một tâm niệm “góp viên gạch nhỏ xây công trình lớn”. Chỉ sau thời gian ngắn phát động, đã có hơn 270 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau ủng hộ cho công trình.

Để mạch điện Cô Tô sớm hoà dòng chảy, nhịp đập chung của cả nước, bước chuẩn bị đầu tư dự án được thực hiện trong khoảng thời gian 5 tháng, đưa điện Cô Tô trở thành dự án đầu tiên của ngành điện đạt kỷ lục về thời gian lập, khảo sát, phê duyệt và khởi công.

Bước vào giai đoạn thi công, dự án tiếp tục được ngành điện triển khai “thần tốc” cùng với những công nghệ đột phá, lần đầu tiên áp dụng trong cả nước để tiếp tục xác lập những cái nhất cho dự án.


Cáp ngầm được thi công xuyên qua đáy biển

Đặc biệt trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 này, hơn 500 cán bộ công nhân và các chuyên gia nước ngoài đã tăng ca, làm việc liên tục từ 4h sáng đến 23h đêm, biến biển khơi thành “đại công trường” để dự án về đích với thời gian sớm nhất, nhưng vẫn đảm bảo những điều kiện kỹ thuật khắt khe nhất.

Ông Ronald Doloksaribu, Trưởng nhóm điều hành thi công cáp ngầm đến từ Indonesia, cho biết: “Trước khi thực hiện việc rải cáp ngầm, nhóm đã có mặt trước 2 tháng để nghiên cứu địa hình và tiến hành xẻ rãnh chôn cáp. Ngày 23/9, sau khi 400 tấn cáp ngầm được vận chuyển từ Na Uy về đến Cái Dài - Trà Ngọ, chúng tôi đã làm việc trung bình 16-18h/ngày với năng suất 2.000-5.000m/ngày.

Ngày 10/10, toàn bộ tuyến cáp ngầm dài 23km đã được hoàn thành. Đây là thời gian kỷ lục cho việc thi công một gói thầu có khối lượng công việc lớn và phức tạp như vậy”.

Như vậy, sau 350 ngày đêm băng rừng, vượt núi, xẻ dọc đáy biển, dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô đã chính thức được hoàn thành, xác lập thêm 1 kỳ tích mới của Quảng Ninh.

+ Ngày 4/11/2012, dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô được khởi công xây dựng. Với quy mô gồm hơn 23km đường dây 110kV 2 mạch, 25km cáp ngầm xuyên biển tiêu chuẩn 22kV, 43km đường dây trên không, 18 trạm biến áp tổng công suất 3.700kVA…, tổng mức đầu tư cho dự án là 1,106 nghìn tỷ đồng.

Đây là công trình cáp ngầm xuyên biển đầu tiên của cả nước ở cấp điện áp 22kV. Cáp ngầm được chôn trực tiếp dưới đáy biển ở độ sâu 0,5-1,5m, tuyến liền không nối. Liên danh nhà thầu Prymian – Thái Dương (Italia) được lựa chọn thực hiện.

 

 

+ Có mặt và phát lệnh đóng nối mạch điện lưới ra đảo Cô Tô, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, bà Tòng Thị Phóng, khẳng định, việc khánh thành dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô không chỉ là sự kiện quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, nhân dân huyện đảo Cô Tô mà còn là sự kiện của cả nước. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng, quyết tâm, năng động của lãnh đạo tỉnh trong việc triển khai thi công dự án.

 

“Dự án thành công đã thể hiện tình cảm cao quý, thiêng liêng mà Đảng, Chính phủ, tỉnh và nhân dân cả nước đã dành cho Cô Tô. Huyện Cô Tô cần tiếp tục xây dựng Đảng bộ vững mạnh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tập trung hoàn thiện tiêu chí xây dựng NTM, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của huyện đảo”, bà Phóng đề nghị.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất