| Hotline: 0983.970.780

Đua nhau xây dựng công trình trái phép để nhận tiền đền bù

Thứ Sáu 24/03/2017 , 13:15 (GMT+7)

Nắm được thông tin về việc quy hoạch tuyến đường tránh đô thị sẽ đi qua địa phương nên nhiều người dân trong vùng ồ ạt đua nhau xây dựng nhà cửa, hồ chứa… với mục đích nhận tiền đền bù. Hàng loạt công trình lần lượt mọc lên mặc dù chính quyền địa phương đã dùng nhiều biện pháp ngăn chặn.

Đây là tình trạng đã diễn ra trong một thời gian dài ở xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh (Gia Lai) khi dự án quy hoạch tuyến đường tránh thành phố Pleiku chính thức được công bố vào tháng 6/2016.

du-1163232199
Nhiều ngôi nhà xây xong nhưng để không, cỏ dại mọc um tùm
 

Theo đó, tuyến đường này sẽ đi qua 3 huyện Chư Păh, Chư Prông, Ia Grai và TP Pleiku với chiều dài hơn 30km và tổng kinh phí đầu tư 844,58 tỷ đồng.

Không bỏ qua “cơ hội” này, ngay sau đó, hàng chục hộ dân chủ yếu ở thôn 3 và thôn 6 (xã Nghĩa Hòa) bắt đầu thi nhau khởi công xây dựng các công trình với mục đích sẽ nhận được một khoản tiền đền bù từ dự án. Chỉ trong vòng vài tháng, hàng loạt nhà cửa, công trình phụ, hồ chứa mọc lên như nấm sau mưa.

Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Chư Pah, đến nay có 34 hộ gia đình xây dựng mới với 44 công trình nằm trong phạm vi quy hoạch đường tránh. Điều đáng nói là những công trình này xây lên mà không sử dụng vào mục đích gì.

Theo quan sát của PV, nhiều ngôi nhà đã hoàn thành nhưng vẫn đóng kín cửa, cỏ dại mọc um tùm che hết cả lối đi vào. Những hồ chứa nước xây xong đa phần để không, bên trong khô khốc, thi thoảng chỉ có một vài hồ chứa có nước nhưng rất ít.

Khi được hỏi lý do vì sao các công trình này xây dựng lên mà để lãng phí như thế thì mỗi người lại đưa ra mục đích riêng và đa phần đều bảo rằng mình không biết việc xây dựng như thế là trái phép.

Ông Nguyễn Hữu Lâm (trú thôn 3, Nghĩa Hòa) cho biết: “Vì những năm trước đây gia đình thường bị mất trộm cà phê nên năm nay tôi tiến hành xây nhà chống trộm và xây bể nước để tưới cà phê. Khi đang xây dựng thì tôi nhận được thông báo của xã là cả căn nhà và bể nước tôi đang xây đều thuộc diện các công trình xây dựng trái phép. Vì đã xây dựng gần xong nên tôi đã tiếp tục xây dựng cho đến khi hoàn thành. Nếu xã tiến hành xử phạt thì tôi không đồng ý”.

Biết được tình trạng này, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã thành lập tổ kiểm tra, giám sát thậm chí lập hồ sơ để xử lý vi phạm nhưng vẫn không hề có tác dụng.

du-2163240882
Dù chính quyền địa phương đã dùng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng các hộ dân vẫn bất chấp để xây dựng

 

Ông Huỳnh Chánh, trưởng thôn 3, Nghĩa Hòa, cho biết: “Khi tổ công tác đến hiện trường kiểm tra thì chỉ có thợ xây dựng, mà không có mặt chủ nhà, chính vì thế, việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Có những lúc chúng tôi làm gắt, thì thợ xây dựng bỏ chạy vào trong các vườn cà phê nên chúng tôi cũng đành bất lực, không thể làm gì được”.

Đem vấn đề này trao đổi với ông Lê Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, thì ông Thành thông tin rằng hiện nay, xã cũng đã thành lập Tổ kiểm tra, giám sát nhằm kiểm tra, xử lý các hộ dân xây dựng công trình trái phép trên địa bàn xã. Mặc dù vậy, việc xử lý vi phạm của người dân lại gặp nhiều khó khăn.

“Khi chúng tôi phát hiện và lập biên bản xử lý, nhiều hộ dân không ký vào biên bản, không hợp tác với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một vấn đề khác phát sinh trong quá trình xử lý nữa là nhiều trường hợp số tiền xử phạt vượt quá mức giới hạn cho phép của cấp xã. Ở cấp xã, chúng tôi chỉ được phép xử lý các trường hợp có số tiền phạt dưới 5 triệu đồng. Vì vậy, đối với những trường hợp số tiền phạt lớn hơn, chúng tôi buộc phải gửi văn bản cho ủy ban nhân dân huyện xử lý”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah thừa nhận: “Để xảy ra sự việc trên ảnh hưởng đến công tác triển khai dự án là một phần trách nhiệm của huyện. Tiến độ bàn giao mặt bằng có chậm so với chỉ đạo của UBND tỉnh. UBND huyện đã thành lập hội đồng cưỡng chế và lên các phương án tháo dỡ các công trình vi phạm. 

Trước khi tiến hành thực hiện tháo dỡ, huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo. Hiện tại, các cấp, ngành của huyện đã thành lập tổ công tác vận động các hộ vi phạm tự tháo dỡ. Chúng tôi đang để cho dân có thời gian tự nguyện tháo dỡ nhằm tận dụng vật liệu. Nếu không chấp hành, chúng tôi sẽ cho cưỡng chế tháo dỡ”.

 

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Nhịp sống miền Tây giữa đỉnh điểm hạn mặn: [Bài 4] Cống thủy lợi chở che những cánh đồng

Mặn bủa vây cả hướng biển Đông và biển Tây, nhưng nhờ có hệ thống công trình thủy lợi điều tiết, đến nay,xâm nhập mặn chưa gây ảnh hưởng sản xuất cho Hậu Giang.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.