| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 04/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 04/06/2015

Đưa quyền im lặng vào luật

Trong buổi thảo luận về Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) sửa đổi của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII này, hàng triệu cử tri cả nước đã rất ngỡ ngàng trước lời phát biểu của một đại biểu.

Nguyên văn lời phát biểu của vị đại biểu đó được các báo trích dẫn, như sau: “Trong dự luật này, gần như quy định quyền im lặng của người phạm tội. Luật không buộc phải khai, không buộc phải nhận tội, như vậy ngầm hiểu là im mồm rồi.

Tội phạm không khai báo gì cả thì sao xử lý được? Cái này phải làm rõ là bị can, bị cáo được phép trình bày ý kiến và quan trọng nhất là chống lại bức cung, nhục hình. Chứ không phải cứ khăng khăng im mồm như thế.

Nếu cứ nghĩ như thế là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân… Quan điểm của tôi là không để oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm”.

Cử tri ngỡ ngàng vì ba lý do. Thứ nhất, những từ như “im mồm” không phải là ngôn ngữ nghị trường. Thứ hai, những người bị tạm giam, tạm giữ mới chỉ là nghi can chứ chưa phải “người phạm tội”, vì chưa có một bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án tuyên họ phạm tội. Và thứ ba, là cách thức liên hệ “tréo ngoe”, không logic trong lời phát biểu.

Im lặng là quyền con người. Việc ban soạn thảo đưa quyền đó vào Luật là đã tham chiếu rất nhiều bộ luật văn minh, tiến bộ và nhân văn trên thế giới, để cho nghi can khi bị tạm giữ, tạm giam có được công cụ để tự bảo vệ mình, chống việc dùng nhục hình để ép cung, bức cung, khi cơ quan điều tra chưa đáp ứng được những yêu cầu phải có trong mỗi buổi hỏi cung, như tạo điều kiện cho họ mời luật sư, hoặc chỉ định luật sư cho họ, và để luật sư có mặt trong mỗi buổi hỏi cung…

Còn sau khi đã được cơ quan điều tra đáp ứng tất cả, thì nghi can phải hợp tác với cơ quan điều tra, nghĩa là phải khai báo.

Mà dù họ vẫn im lặng cũng không sao. Vì ngay trong Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành cũng đã quy định bị can, bị cáo có quyền nhưng không nhất thiết phải chứng minh mình vô tội. Việc chứng minh họ phạm tội hay không phạm tội là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, kia mà.

Chẳng lẽ nếu họ không nói, thì cơ quan điều tra đánh đập, dùng nhục hình buộc họ phải nói?

Gắn kết hoặc suy diễn đưa quy định quyền im lặng của nghi can vào luật đồng nhất với “diễn biến hòa bình” là khiên cưỡng.

Hơn thế nữa, vị đại biểu này lại còn cho rằng ban soạn thảo đưa quyền im lặng vào luật là “chống lại nhân dân”, cũng là hiểu sai tinh thần xây dựng luật.