| Hotline: 0983.970.780

Đâu rồi trái quý?

Dừa Tam Quan thời xa vắng

Thứ Hai 03/03/2014 , 13:08 (GMT+7)

“Công đâu công uổng công thừa/Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”. Câu ca dao trên nói về một thời tiếng tăm của cây dừa trên vùng đất Tam Quan thuộc huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Giờ đây dừa Tam Quan đang mai một do không mang lại hiệu quả kinh tế.

Một thời hưng thịnh

Cây dừa có mặt trên đất Tam Quan từ đời nào, đến cả những lão nông trên đất này giờ cũng không biết. Cụ Bảy Thơm (72 tuổi) ở xã Hoài Châu, nói: “Lúc trưởng thành tui đã thấy trong vườn nhà mình những cây dừa, cây nào cây nấy to đùng và giờ chúng vẫn đứng đấy. Cây dừa chính là hình ảnh của quê hương Hoài Nhơn từ bao đời nay”.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cây dừa trên vùng đất này rải đều khắp các địa bàn, xã nào có diện tích tự nhiên lớn và đông dân cư là xã đó có diện tích trồng dừa nhiều. Dừa là cây trồng truyền thống của người dân Hoài Nhơn. Ngày xưa, ngoài cải thiện đời sống, cây dừa còn “sản sinh” ra nhiều nghề phụ liên quan đến cây dừa.

“Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sản phẩm dầu dừa ngoài phục vụ nhu cầu đời sống cho người dân địa phương từ việc kho nấu thức ăn đến làm “mỹ phẩm” xức tóc cho cánh phụ nữ và đặc biệt dầu dừa còn là nhu yếu phẩm cung cấp cho bộ đội ở các căn cứ địa cách mạng. Sau khi ép dầu, xác cơm dừa còn được làm thức ăn chăn nuôi và thân cây dừa còn được dùng làm nguyên liệu gỗ trong xây dựng nhà cửa”, ông Công nói.

Mặc dù bom đạn chiến tranh đã tàn phá khá nhiều, nhưng sau giải phóng diện tích dừa trên địa bàn Hoài Nhơn vẫn còn đến hơn 3.000 ha. Trong đó phần lớn là dừa lấy dầu (dừa ta) và dừa uống nước là giống dừa xiêm (chiếm khoảng 5% tổng diện tích). Dừa ở Hoài Nhơn thu hoạch 2 vụ chính vào tháng 3 và tháng 6 và mùa phụ vào tháng 8 (DL). Sau khi tách vỏ, dừa được đưa đi tiêu thụ tại thị trường miền Bắc và đi sang Trung Quốc.


Khi trái dừa không được thu mua số lượng lớn để chế biến thì đành phải chở đi bán lẻ

Có thời điểm dừa ở huyện Hoài Nhơn còn được đưa cả vào thị trường miền Nam, vì thời điểm thu hoạch dừa ở đây trái với thời điểm thu hoạch dừa tại tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, dừa còn được tiêu thụ mạnh tại thị trường địa phương để làm bánh tráng nước dừa, bánh hồng, dầu dừa và bán dừa nước. Vỏ dừa cũng được tiêu thụ tại địa phương để chế biến cước xơ dừa xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Dừa ở Hoài Nhơn được các nhà vườn bán theo phương thức khoán cho người mua tự trèo hái, đồng thời làm vệ sinh cây với giá bán tại vườn hiện nay là từ 3.000 - 6.000 đ/quả. Lúc giá dừa lên cao như năm 2011 (11.000 đ/quả) thì tụi tui đỡ khổ”, cụ Bảy Thơm cho biết thêm.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Tuy nhiên, do không mang lại hiệu quả kinh tế nên những năm gần đây cây dừa ở Hoài Nhơn bị nông dân chặt bỏ dần, diện tích giảm từng năm. Nếu như vào năm 2008 diện tích dừa trên địa bàn huyện này là 3.148 ha thì đến cuối năm 2012 diện tích dừa giảm chỉ còn 2.983 ha. Ngoài ra, trong những năm gần đây dừa bị bọ cánh cứng tấn công, làm dừa bị mất năng suất.

Ông Nguyễn An Điềm: “Bình Định là 1 trong 2 tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất Việt Nam, sau tỉnh Bến Tre. Thế nhưng do chưa khai thác được tiềm năng nên cây dừa ở Bình Định chưa mang lại được hiệu quả kinh tế cho người dân”.

“Do cây dừa không mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân phá dần để trồng các loại cây ăn quả khác. Một phần, tiến trình phát triển khu dân cư và đường giao thông cũng đã xóa đi nhiều diện tích dừa trên địa bàn”, ông Nguyễn Chí Công cho biết thêm.

Cũng có thời cây dừa ở Hoài Nhơn tưởng chừng được hồi sinh vì bán rất chạy với giá cao khi quả dừa được đưa vào chế biến các sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, cái thời ấy rất chóng qua. Ông Nguyễn An Điềm, nguyên Tổng GĐ TCty Pisico Bình Định chia sẻ: Vào giữa thập niên 90 thế kỷ 20, Pisico Bình Định có 3 nhà máy chế biến những sản phẩm từ dừa như dầu dừa, cơm dừa phơi khô, thạch dừa. Vỏ dừa SX ra chỉ xơ dừa được xuất khẩu cung ứng cho những cơ sở SX nệm ghế xe ô tô; ở Nhật Bản chỉ xơ dừa còn được dùng để SX nệm ghế cao cấp với tiêu chí thân thiện môi trường, hoặc đan thành tấm dày làm kè chống xói lở, chống cỏ mọc; gáo dừa được SX than trung tính.

Trong giai đoạn này, Pisico Bình Định thu mua dừa trái không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn mua cả dừa của tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, trong những sản phẩm nói trên, chỉ có chỉ xơ dừa và than trung tính là mang lại lợi nhuận, nhưng không đủ bù lỗ cho sản phẩm cơm dừa nên hoạt động SX các sản phẩm từ dừa nói trên của Pisico bị “giải tán”.

Sau đó, dự kiến sẽ SX cơm dừa nạo sấy gồm các sản phẩm như làm sợi như sợi bún, chế biến thành hạt như hạt gạo và xẻ thành lát như mứt dừa, xay nghiền thành bột để làm nhưng bánh socola hoặc gia vị để xuất khẩu. Tuy nhiên, do thiết bị quá đắt, vượt qua khả năng tài chính của Pisico nên dự kiến này chỉ tồn tại… trong mơ.

Không chịu dừng lại, Pisico Bình Định tiếp tục qua Hải Nam (Trung Quốc) nghiên cứu công nghệ để triển khai SX sữa dừa đóng lon và chiết xuất làm kem thoa mặt dưỡng da. Tuy nhiên, do phía Trung Quốc không chuyển giao công nghệ, chỉ thu mua nguyên liệu thô, mà làm kiểu này chẳng lời lãi gì mấy nên dự án này cũng đã phải dừng lại. Khi những hoạt động SX các sản phầm từ dừa bị đình trệ đồng nghĩa với quả dừa sẽ chịu cảnh ế ẩm.

Nỗ lực “nâng đỡ” cây dừa

Để cây dừa không bị mất hình ảnh trong lòng người dân, ngành nông nghiệp ở địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng hiệu quả kinh tế của dừa. Theo ông Nguyễn Chí Công thì Trung tâm Dừa Đồng Gò (Bến Tre) thuộc Viện Dầu & cây có dầu đang thực hiện đề tài nghiên cứu, lai tạo giống dừa lấy dầu trên cơ sở dừa ta ở Hoài Nhơn cùng các giống dừa khác trong cả nước nhằm tạo ra giống dừa mới có đặc tính phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương; cho năng suất, chất lượng cao; chống chịu được sâu bệnh đặc biệt là bọ cánh cứng. Với giống dừa mới này, địa phương sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ giá giống để người dân Hoài Nhơn thay dần những vườn dừa già cỗi.

“Hiện tại, Hoài Nhơn đang thí điểm mô hình trồng dừa xiêm xanh tại xã Tam Quan Bắc, nguồn giống được lấy từ Trung tâm Dừa Đồng Gò. Nếu mô hình này cho kết quả khả quan sẽ được nhân rộng, người mua giống dừa này sẽ được huyện hỗ trợ giá giống”, ông Công chia sẻ.

Không chỉ vậy, Hoài Nhơn còn đang tạo mọi điều kiện thuận lợi về vốn, đất đai, thủ tục hành chính… để các DN đầu tư thiết bị chế biến than hoạt tính được làm từ sọ dừa, dầu dừa, cơm dừa nạo sấy… để tiêu thụ hết các thành phần của quả dừa. Từ đó mới có thể nâng cao giá trị quả dừa. Đồng thời hỗ trợ các DN đang SX cước chỉ xơ dừa đa dạng hóa thêm sản phẩm từ cước dừa, nâng cao giá trị SX.

“Sau khi thực hiện nuôi thả ong ký sinh để diệt bọ cánh cứng hại dừa nhưng mang lại hiệu quả không cao, chúng tôi tiếp tục triển khai rộng khắp việc nuôi bọ đuôi kiềm để diệt bọ dừa, hiện đã cho thấy hiệu quả khả quan. Đồng thời thành lập các nhóm nông dân cùng sở thích trồng dừa để truyền đạt nhau kinh nghiệm gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị loại cây truyền thống của quê hương”, ông Nguyễn Chí Công.

 

Xem thêm
Kiểm kê khí nhà kính chi phí còn cao, quy định chưa được chi tiết

Doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng, kiểm kê khí nhà kính là vấn đề mới, chi phí còn cao, quy định chưa chi tiết nên rất cần sự đồng hành của quản lý nhà nước.

Công bố đường dây nóng sau ca cúm gia cầm A/H9N2 đầu tiên

Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm lây lan sau khi địa phương này xuất hiện ca nhiễm A/H9N2 đầu tiên trên cả nước.

Trồng dâu tằm lấy quả, thu nhập hàng chục triệu mỗi sào

Cây dâu tằm đã trở thành cây trồng được người dân phường Tràng An (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) quan tâm chăm sóc, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc

LÂM ĐỒNG Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc do nhận thức của hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nông dân còn hạn chế.