| Hotline: 0983.970.780

Đừng bỏ ruộng!

Thứ Sáu 30/08/2013 , 09:51 (GMT+7)

Trên đài, báo kín đặc những tin tức về việc nông dân bỏ ruộng: Miền Bắc bỏ, miền Nam cũng bỏ; nơi đất xấu bỏ, nơi đất tốt cũng bỏ; người giàu bỏ, người nghèo cũng bỏ theo...

Trên đài, báo kín đặc những tin tức về việc nông dân bỏ ruộng: Miền Bắc bỏ, miền Nam cũng bỏ; nơi đất xấu bỏ, nơi đất tốt cũng bỏ; người giàu bỏ, người nghèo cũng bỏ theo...

Bà con mình đua nhau bỏ ruộng. Việc này thành phong trào, gây hoang mang cho nông dân ở khắp nơi. Người thành phố cũng ngơ ngác: Nông dân mà bỏ ruộng thì thành... người gì? Thực tế này buộc chúng ta phải suy nghĩ lại.

Trước đây, cũng vì lo cho dân nên ta đã cương quyết giữ diện tích đất trồng lúa, không được bỏ lúa, đẩy mạnh trồng lúa, nghiêm khắc đối với những người dám bỏ lúa...

Cách làm đó đã được nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhận xét: “... Không chỉ riêng tôi mà chính xác là tư duy của một thời, một giai đoạn lâu năm. Đó là tư duy lo đói, tư duy người Việt Nam ăn gạo rất nhiều, sợ thiên tai bão lụt... Chính tư duy ấy cho ra đời các nghị quyết, nghị định bỏ quên lợi ích của người trồng lúa...”.

Tôi cho đó là một cách suy nghĩ rất cách mạng, dám phá bỏ những nhận định cố hữu, lỗi thời.

Điều quan trọng nhất là người lãnh đạo cũng phải thấy được vấn đề và sớm cho ra những quy định mới phù hợp hơn, hiệu quả hơn, hấp dẫn hơn. Để hiện tượng bỏ ruộng tràn lan như hiện nay phải coi là một thiếu sót, thậm chí là một tội lỗi đối với dân.

Chúng ta phải tỉnh táo, sáng suốt, sớm đưa ra được những quy định kịp thời nhưng đó lại phải là hướng chiến lược lâu dài. Tất nhiên, việc đó cực khó! Nếu một người không làm được thì ta nên tập hợp nhiều chuyên gia lại để cùng nhau bàn bạc và xác định hướng đi chính xác cho nông dân.

Từ đáy lòng, tôi van bà con đừng bỏ ruộng! Chớ thấy cảnh thành phố hào hoa mà dứt bỏ đồng quê. Cũng có những người ra đi và đã đổi được đời. Nhưng cũng có hàng vạn nông dân ra đi để rồi... cay đắng, mơ về đồng quê.

Ngay chúng tôi ở thành phố nhưng lại ước vọng có được cuộc sống yên bình nơi thôn xóm. Tất nhiên, đó phải là những thôn xóm no đủ, giàu có và tràn đầy hạnh phúc như nhiều vùng quê trên thế giới. Vì vậy, ta hãy cùng nhau bàn bạc.

Ông cha ta đã trải qua biết bao biến cố, bao cuộc chiến khốc liệt cũng chỉ để giành lấy đất nước, giành lấy ruộng vườn cho nông dân. Vậy mà bây giờ bà con ta lại bỏ ruộng thì... có tội với tổ tiên đấy!


Nông dân giờ không mặn mà với hạt thóc

Tất nhiên, bà con sẽ nêu ra hàng loạt nguyên nhân khiến bà con phải bỏ ruộng. Chúng tôi nghe tới thuộc lòng rồi! Nhưng còn có cách nào tháo gỡ được các khó khăn này không? Theo chúng tôi, còn nhiều cách.

Trước hết, phải nói tới chính sách. Những người soạn thảo ra chính sách có vai trò cực kỳ quan trọng. Người lãnh đạo khi đặt bút ký các chính sách đó cũng phải chịu trách nhiệm. Quốc hội phải có chế tài để quy định việc này thật rõ ràng. Không thể cứ ra văn bản gây hậu quả cho dân rồi lại... rút kinh nghiệm.

Theo tôi, người soạn thảo và người ký văn bản đó đều phải bị kỷ luật hoặc bị truy tố trước pháp luật. Ta nên công bằng trong việc này. Trên thế giới, họ đều làm như vậy. Do đó, muốn có chủ trương, chính sách đúng đắn, ta cần xem xét thật kỹ, lấy ý kiến đóng góp từ nhiều nguồn rồi mới nêu ra quyết định. Việc này là việc của cấp trên, tôi không dám bàn sâu hơn.

Về phía bà con, xin hãy cùng chúng tôi trao đổi để cùng nhau gỡ khó cho giai đoạn này.

Việc chuyển đổi đất lúa đã bước đầu được chấp nhận. Tuy nhiên, nó vẫn còn rất mơ hồ. Ngay cả các chuyên gia ở các viện cấp quốc gia cũng vẫn nói chung chung. Ngồi nghe các vị ấy phát biểu mà sốt cả ruột. Ta nên thống nhất với nhau, hãy bàn thật cụ thể các vấn đề mà dân cần.

Chúng tôi đã đề xuất, không được bỏ cây lúa. Tất nhiên, chỉ nên trồng ở một quy mô vừa đủ với kỹ thuật cao và giống tốt. Chúng ta không thụ động chấp nhận lúa của ta thua lúa Thái Lan. Điều này chắc chắn làm được nếu như Bộ kiên quyết, các nhà khoa học và bà con quyết tâm. Về việc này xin để các chuyên gia về lúa cho thêm ý kiến.

Rất nhiều nơi muốn phát triển mạnh cây ăn quả. Họ đã làm và kết quả cũng rất mỹ mãn. Thanh long là một ví dụ. Diện tích trồng thanh long tăng lên rất nhanh. Hiệu quả rất rõ ràng.

 Tuy nhiên, sự bấp bênh lại do chính chúng ta: Cạnh tranh lẫn nhau, không tuân thủ các quy chế và an toàn vệ sinh thực phẩm, SX tùy tiện, chất lượng lộn xộn, phát triển vô kế hoạch, thị trường chộp giật... Rõ ràng, ta thiếu một vị tổng chỉ huy có uy tín, đủ sức tập hợp mọi lực lượng trồng thanh long thành một tập thể vững mạnh.

Báo chí đưa tin, anh nông dân Vũ Ngọc Báu (ở ấp 6, xã Thạch Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) chỉ chuyên trồng chanh không hạt mà thu tới 1,2 tỷ đồng. Thế mà, ta đâu chỉ có chanh, trong nhóm cây có múi ta còn có cam, quýt, bưởi rất được thế giới hâm mộ.

Tuy nhiên, mặt trận này có ai là người đứng đầu? Cơ quan nào là tổng chỉ huy? Bộ NN-PTNT ư? Hình như không phải. Vậy, mạnh ai người ấy làm sao? Nếu như Nhà nước không đủ sức thì ta giao hẳn cho một doanh nghiệp nào có uy tín và trách nhiệm với dân, được dân tin yêu... đứng ra làm đầu mối. Phải tập trung lại thì chúng ta mới xây dựng được thương hiệu và giữ vững được thương hiệu.

Nếu không có thương hiệu thì suốt đời, ta chỉ là anh bán rong. Nhưng quản lý đơn vị đứng đầu này phải do Nhà nước chỉ đạo và theo dõi. Tuyệt đối tránh việc lợi dụng công quyền để hạch sách doanh nghiệp.

 Có lẽ vai trò của Đảng là theo dõi và uốn nắn các cán bộ của mình ở đây không được làm những việc mà lâu nay bà con vẫn gọi là “hại dân”. Sự trong sáng và tận tụy của đội ngũ cán bộ này là yếu tố vô cùng quan trọng trong sự tập hợp nhân dân.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nói với tôi: “Còn rất nhiều đối tượng cây ăn quả có thể phát triển rất tốt ở ĐBSCL, tăng thu nhập rõ rệt cho dân...”. Vậy, ta hãy đưa việc này ra bàn bạc công khai trong một diễn đàn toàn vùng để đi đến thống nhất chọn đối tượng nào cho từng vùng cụ thể. Việc này lớn lắm, nó sẽ quyết định một bước ngoặt cho toàn vùng.

Ngoài cây ăn quả ra, ta còn rất nhiều đối tượng khác cũng có thể thay thế tốt cây lúa (tính về mặt thu nhập) như cây rau, cây dược liệu, cây công nghiệp, hoa, cây cảnh... và các loại cây ta đã nói tới như: ngô, đậu.

Chọn đối tượng nào, cho vùng nào, kỹ thuật thế nào, tiêu thụ ra sao... là cả một chuỗi các vấn đề phải được bàn bạc nghiêm túc và dân chủ. Không coi thường chuyện này được.

Ngay cả chuyện phát triển cây lâm nghiệp ở đồng bằng cũng là một hướng rất nên quan tâm. Ta có vô số đối tượng hấp dẫn để trồng ở đồng bằng. Đặc biệt, hướng phát triển cây lâm nghiệp phân tán cần được làm thật qui củ. Không phải vớ được cây gì là trồng cây ấy. Ta phải chọn. Đặc biệt, những loại cây lâm nghiệp đa tác dụng cần hết sức quan tâm.

 Tôi vẫn ước ao, cả đồng bằng Bắc bộ, đi đâu cũng sẽ gặp cây sấu. Sấu là cây có rễ cọc, không đổ gẫy, lá xanh quanh năm, tán rất đẹp và xanh thẫm, nó cho quả đều đều. Quả sấu rất được giá. Có một chú nhỏ đi thu mua sấu nói với tôi: “Có cây, cháu phải trả cho người ta tới 4 triệu đồng tiền quả”. Tôi nói: “Thế là chú mày mua rẻ của người ta đấy!”. Nó cười ngặt nghẽo.

Tất cả đường làng, đường xóm, quanh trường học, công sở, hàng rào quanh nhà... đều trồng sấu thì ta sẽ có một sản lượng khổng lồ. Bộ phải chỉ đạo để việc chế biến quả sấu đi vào chiều sâu tạo ra được những sản phẩm tuyệt hạng, ngon hơn cả mứt me của Thái Lan.

Lúc này, các cụ nhà ta chỉ việc ngồi chơi, xơi nước, chờ tới vụ sấu mà... hốt bạc! Nói vậy không ngoa đâu. Ngay bây giờ, ai có được 1 đồi sấu thì làm sao đói nghèo được?! Còn biết bao loại cây lâm nghiệp có thể phát triển tốt ở đồng bằng. Nếu được hỏi, chắc chắn các chuyên gia lâm nghiệp sẽ phải nói mất vài ngày...

Tiến sĩ Phan Quốc Kinh là một chuyên gia đầu ngành về hóa dược. Ông đã kể cho tôi không biết bao nhiêu cây thuốc quý của đất nước chúng ta. Ông luôn mong muốn Nhà nước chú ý nhiều tới cây dược liệu.

Vài điều lan man như vậy để quý vị thấy tiềm năng của đất nước ta còn rất phong phú. Ngay trên mảnh đất của bà con, nếu ta bày cho họ canh tác những đối tượng hợp lý thì làm sao bà con lại bỏ ruộng được.

Các chuyên gia thủy sản chắc còn có những cách nhìn hấp dẫn hơn, ra nhiều tiền hơn. Gặp họ lúc nào cũng thấy da mặt hây hây đỏ, không hiểu do ruộng hay do “trúng mánh”. Thủy sản còn rất nhiều hướng đi đầy hấp dẫn.

Hãy ngồi lại với nhau, bàn bạc một cách dân chủ và cởi mở để tìm lối thoát cho nông dân...

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.