| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 17/02/2014 , 08:00 (GMT+7)

08:00 - 17/02/2014

Đừng coi thần thánh như… ăn mày

Bất kỳ nơi thờ tự nào cũng có những “hòm công đức” đặt la liệt, nhưng người ta vẫn cứ nhét tiền vào tay tượng mà ít khi nhét vào hòm...

Mỗi năm trên cả nước có trên 7 ngàn lễ hội, tập trung vào hai mùa chính là mùa Xuân và mùa Thu, trong đó mùa Xuân có số lượng lễ hội lớn hơn.

Lễ hội nào cũng có dịch vụ đổi tiền. Người làm dịch vụ này trữ sẵn mấy chục triệu các loại tiền có mệnh giá nhỏ để đổi cho khách đi hội, lấy tiền có mệnh giá lớn của khách để ăn chênh lệch...

Loại tiền có mệnh giá 200 VND giờ chẳng còn ai dùng nữa. Chênh lệch lớn nhất là giữa tiền có mệnh giá lớn với các loại tiền có mệnh giá 500 VND; 1.000, 2.000 và 5.000 VND (gọi là tiền nhỏ cho gọn).

Với các loại tiền này, tỷ lệ chênh lệch ở các lễ hội khi đổi thường là 30%. Muốn đổi tiền lớn lấy loại tiền 10.000 VND, người cần đổi cũng phải chấp nhận 20% chênh lệch. Nghĩa là với 1 tờ tiền có mệnh giá 100.000 VND, người cần đổi chỉ nhận được 70.000 VND những loại tiền nhỏ trên, và 80.000 VND loại tiền 10.000 đồng. Người ta đổi tiền để làm gì?

Tiền nhỏ bay như bươm bướm vào kiệu. Tiền nhỏ nhét đầy tay tượng 13 vua Trần ở hội phát ấn đền Trần Nam Định. Tiền nhỏ nhét đầy tay tượng Phật ở lễ hội chùa Hương… Tóm lại là ở bất kỳ nơi thờ tự to nhỏ nào, các ông tượng đều có “doanh thu lớn” mùa lễ hội.

Bất kỳ nơi thờ tự nào cũng có những “hòm công đức” đặt la liệt, nhưng người ta vẫn cứ nhét tiền vào tay tượng mà ít khi nhét vào hòm. Có lẽ người ta muốn “làm việc trực tiếp” với thần thánh chứ không muốn thông qua các loại “cò”, sợ các ngài không nhìn thấy “lòng thành” của mình chăng? Trần làm sao thì cõi linh thiêng cũng vậy mà. Trần gian bây giờ nhan nhản các loại cò, thì thiên đình chắc chắn là có. Mà “cò” thì không bao giờ làm việc không công cả.

Nhét tiền vào tay tượng, tức là đút lót, đút lót trắng trợn, công khai. Và đút lót xong rồi thì người ta quay ra mặc cả với các ngài, rằng “Ngài phù hộ cho con thế này… Thì con sẽ lễ tạ thế kia”. Ô hay, đấy đâu phải “lòng thành”? Là ngôn ngữ chợ búa đấy chứ. Bọn tội phạm bị bắt, rất nhiều thằng đã nhét tiền vào tay công an “Em lòng thành nhưng giờ mới có thế này, anh tha cho em, rồi về nhà em xin tạ ơn anh nữa”?

Mà đã “lòng thành”, thì phải nhét tiền to, tiền thật, không chỉ tiền Ta mà thậm chí còn cả tiền Tây như đô la, ơ rô hay đê mác… Nhất là “các đồng chí chưa bị lộ” thì số tiền thật nhét vào tay tượng càng phải to. Hãy nhìn Dương Chí Dũng đấy, xách đến trên 5 kg đô la (500 ngàn USD) đến nhà riêng đút lót cho “ông anh” đang còn ở cõi trần mà vẫn không thoát, thì muốn thần phật phù hộ để không bao giờ bị lộ, phải nhét vào tay các ngài cả gánh tiền Ta toàn loại có mệnh giá 500.000 đồng mỗi tờ, hay 10 kg, thậm chí 20 kg đô la thật, may ra… chứ sao lại chỉ nhét mấy đồng tiền lẻ?

Các vua Trần không cần tiền, vì khi còn tại thế, các ngài đều… làm vua. Có ai giầu được như vua? Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng vậy, dẫu đi tu nhưng ngài vẫn là… bố của vua. Các ngài còn thiếu gì nữa mà phải ngửa tay nhận mấy đồng tiền lẻ của nhân gian. Cũng chưa có kinh sách nào nói đức Phật nào cần tiền, và khi có tiền rồi thì các ngài tiêu pha ra làm sao.

Lễ hội nào cũng có ăn mày. Mà ăn mày bây giờ cũng khác trước. Cho ăn mày tờ tiền 500 VND, có khi còn bị nó chửi như tát nước vào mặt. Chí ít cũng phải 1.000 hay 2.000 VND. Nhiều người đến hội, sau khi nhét những tờ tiền nhỏ vào tay đủ các loại tượng rồi, còn một vài tờ trên tay, quay ra cửa chùa hay cửa đình, gặp thằng ăn mày, tiện tay cho nốt.

Thì ra, thần phật cũng như ăn mày vậy.