| Hotline: 0983.970.780

Giám sát, quản lý hạn hán trong sản xuất nông nghiệp:

Dùng công nghệ tránh tình trạng 'đo nước, dò đường'

Thứ Sáu 16/06/2017 , 10:04 (GMT+7)

Mới đây, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam tổ chức hội thảo về công cụ giám sát và quản lý hạn hán phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

11-08-32_dsc03757
Quang cảnh hội thảo

Tham dự có đại diện Tổng cục Thủy lợi, Sở NN- PTNT các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận...
 

Thiệt hại ngày càng lớn, nghiêm trọng, liên tục

Theo Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, hạn hán là loại hình thiên tai xếp thứ 3 ở Việt Nam và hiện diện đủ cả 4 loại hình: khí tượng, thuỷ văn, nông nghiệp và kinh tế - xã hội. Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đợt hạn hán và xâm nhập mặn năm 2014 - 2016 đã gây ra thiệt hại lên tới 5.572 tỷ đồng và xu thế sẽ tiếp tục gia tăng, khó dự báo.

Hiện tượng El Nino trong giai đoạn 2014 - 2016 ở Việt Nam được ghi nhận là dài nhất và có cường độ mạnh, tác động nghiêm trọng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Trên nhiều lưu vực sông xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử, gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết: Mạng lưới quan trắc và dự báo mưa ở nước ta còn hạn chế với khoảng 500 trạm (660km2/trạm), dẫn tới số liệu tiếp cận khó khăn, khó đáp ứng được việc giám sát và dự báo phục vụ sản xuất...

Thay đổi tư duy và phương thức quản lý hạn

Đã đến lúc chúng ta cần chuyển từ cách tiếp cận “quản lý thiên tai” sang “quản lý rủi ro thiên tai” trong việc ứng phó với hạn hán dựa trên cơ sở quản lý nước tổng hợp theo lưu vực sông; chủ động dự báo, giám sát tác động của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Cách làm này sẽ giúp việc phòng chống hạn khoa học và chủ động, tránh tình trạng "đo nước, dò đường".

11-08-32_dsc03758
Ảnh: Đồng Thái

Thông tin cần gồm: khả năng nguồn nước phục vụ sản xuất; nguồn nước đến các hệ thống công trình thuỷ lợi; diện tích có thể gieo trồng; giám sát nguồn nước trong từng mùa vụ nhằm hỗ trợ lập kế hoạch và chỉ đạo sản xuất.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý rủi ro thiên tai ngày càng phát triển. Kỹ thuật viễn thám đã được ứng dụng để xác định diện tích mặt nước và độ cao mực nước, sau đó các dữ liệu này được kết hợp để tính toán thể tích nước trong hồ. Các vùng ngập nước có thể được xác định thông qua tín hiệu các dải sóng thu được bằng các đầu đo quang học (landsat, spot, terra, forrmosat-2...) hay các thiết bị thu phát sóng radar.

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, phát triển một số công cụ giám sát và quản lý hạn hán phục vụ sản xuất nông nghiệp khá hiệu quả theo hướng này. Ví dụ như hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý hạn hán (website: www.quanlyhan.org, cung cấp các thông tin, hoạt động hỗ trợ chủ động quản lý cho các vùng ở Việt Nam (hiện tại website đang trong quá trình thí điểm chi tiết cho tỉnh Bình Định, các khu vực khác sẽ được cập nhật trong thời gian tới).

Hệ thống cơ sở dữ liệu này sẽ cung cấp các thông tin về mưa từ năm 1981 đến nay; cung cấp thông tin về các loại hạn hán khác nhau (khí tượng, thuỷ văn, nông nghiệp); cung cấp số liệu, thông tin phục vụ lập kế hoạch và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp như diễn biến mưa, dòng chảy đến hồ, khả năng nguồn nước, khả năng diện tích gieo trồng... Đồng thời, cung cấp diễn biến nguồn nước thông qua ảnh vệ tinh; báo cáo nhận định nguồn nước theo tháng, theo mùa.

Với tinh thần đó, Viện KHTL Việt Nam vốn có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xử lý, ứng phó hạn hán đã đưa ra cách thức theo dõi, quản lý và xử lý hạn hoàn toàn mới. Đó là ứng dụng triệt để công nghệ mới nhằm thu thập các thông tin qua vệ tinh, sau đó chuyển lên website chuyên biệt để Tổng cục Thủy lợi (cấp Trung ương) và các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên (cấp địa phương) phân tích, sử dụng thông tin đó phục vụ công tác phòng chống hạn.

Tuy nhiên, để hoàn thiện và tích hợp được nhiều công cụ quản lý, giám sát hạn hán phục vụ sản xuất nông nghiệp tốt hơn nữa, rất cần được quan tâm của Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong việc cấp ngân sách, trang thiết bị, nguồn lực phục vụ công tác dự báo, nhằm chủ động ứng phó với thiên tai nói chung, hạn nói riêng.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Người dân thôn cao nhất Việt Nam háo hức trồng trúc xào

Cây nông nghiệp, đa mục đích - trúc xào - đang được người dân thôn Ngải Thầu Thượng, xã A Lù (huyện Bát Xát, Lào Cai) triển khai trồng diện rộng.