| Hotline: 0983.970.780

Đừng để ai trông thấy tiền nhiều cứ đâm đầu vào làm theo cơ chế này

Thứ Hai 02/08/2010 , 17:52 (GMT+7)

Xung quanh chủ trương bán đất để xây dựng nông thông mới của Hà Nội đang có nhiều ý kiến thuận - nghịch. Ý kiến của GS.TSKH Đặng Hùng Võ là một đóng góp mà chúng tôi cho rằng cũng nên được tham khảo.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng việc bán đất xây dựng NTM là cách làm có thể phát huy được nội lực từ đất đai. Tuy nhiên bán phải theo quy hoạch chặt chẽ, phải dành riêng nguồn tiều này cho xây dựng NTM, phải phân phối nơi có giá đất cao cho nơi có giá đất thấp. Và, đừng để ai nhìn thấy tiền nhiều cứ đâm đầu vào bán đất.

Bán đất xây dựng NTM Hà Nội đạt 2 mục tiêu lớn

Thưa ông, ông nghĩ gì về việc Hà Nội cho bán đất xây dựng NTM?

Đây là cách duy nhất hiện nay chúng ta tạo được nội lực. Nội lực chỉ có thể tạo được khi chúng ta lấy được tiền từ quỹ đất ra. Cơ chế này chắc chắn là đúng. Tạo vốn để xây dựng NTM là đúng. Vì chúng ta không thể lấy đầu tư nước ngoài, không thể dùng đầu tư nước ngoài để làm công việc mang tính định hướng XHCN được mà chúng ta phải dùng nội lực. Nội lực ở đâu thì chắc chắn là từ quỹ đất ngay tại nông thôn để từ đó chúng ta biến thành tiền và dùng tiền đó mà xây dựng NTM. Về mặt cơ chế là hoàn toàn phù hợp. Về mặt mục tiêu của chương trình này là hoàn toàn đúng mục tiêu.

Tác động thứ hai là ai cũng biết rằng hiện nay thị trường BĐS của chúng ta rất khó khăn, không đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người nghèo. Vậy thì việc tung ra mạnh hơn quỹ đất ở nông thôn, đặc biệt là vùng nông thôn ven đô thị nó sẽ làm giãn được cái quan hệ cung - cầu về đất ở. Tức là là tăng cung về đất ở. Thu được tiền, cung đất ở tăng thì nó sẽ làm tác động cho thị trường BBĐS tốt hơn.

Trong hoàn cảnh hiện nay cung BĐS vẫn vi vu ở khu vực cao cấp, ở những khu vực cho người giàu trong khi đất ở cho người nghèo, người thu nhập thấp thì hiện nay chúng ta đang rất hạn chế về cung. Hơn nữa có tác động làm giảm giá đất ở của chúng ta hiện nay đang cao chốt vót.

Bán đất tại các xã và các xã đó tự bán có được không, thưa ông?

Có thể chọn xã làm nơi để đấu giá dưới sự kiểm tra của cấp huyện là được. Chúng ta đưa ra cơ chế đó thì rất chặt chẽ. Có thể giao cho xã miễn là ta kiểm soát chặt chẽ để không có quân xanh quân đỏ, không thất thoát tài chính… Hoặc chúng ta có nhiều cách để đấu giá như giao cho một DN, kết hợp với kênh của tư pháp…

Như vậy việc bán đất của Hà Nội đạt 2 mục đích nhưng quy định của pháp luật có cho phép làm điều đó?

Hiện nay phụ thuộc vào quy hoạch. Nếu đất đó nằm trong quy hoạch đã được duyệt thì chúng ta đấu giá đất là bình thường theo quy định, không có vướng mắc gì về mặt pháp luật cả.

Phải dành tiền bán đất cho riêng xây dựng NTM

Ở Hà Nội mỗi xã chỉ cần bán vài chục ngàn m2 đất là đủ tiền xây dựng NTM, nhưng trên bình diện cả nước, giá trị đất ở nông thôn vẫn rất thấp, mỗi xã phải bán hàng trăm ngàn m2, 1/3 diện tích của xã may ra mới đủ?

Ngay ở một tỉnh thì cũng có giá đất chỗ này cao chỗ kia giá thấp. Tức là quanh vùng phát triển có tính chất đô thị cao hơn vùng nông thôn hẻo lánh. Trong khi nhu cầu ở vùng nông thôn hẻo lánh cần nhiều tiền hơn vì ở đó “tam nông” nó căng hơn. Vì vậy phải công khai việc đấu giá, tiền thu được. Đồng thời tiền đó phải trộn lên trên địa bàn một tỉnh, thậm chí cả nước. Nó như là một nguồn thu riêng, phục vụ riêng cho xây dựng nông thôn và nó được điều phối từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Bán đất sẽ tạo nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới.
Việc này hoàn toàn chúng ta có thể làm được. Vì giá đất khác nhau, nhu cầu khác nhau nên phải làm biện pháp chia lại cái nguồn thu từ đất để phù hợp với nhu cầu phát triển. Chúng ta cần tính toán cụ thể xem là điều phối trong nội bộ tỉnh được không hay cả nước. Nếu không chỗ đã phát triển rồi lại được nhiều tiền hơn, chỗ phát triển thấp lại được ít tiền hơn trong khi mất đất nhiều hơn thì không ổn, mất công bằng. Đây sự thật là một bài toán quy hoạch. Chúng ta phải xem đất ở cần tăng nhiều hơn ở đâu để lấy tiền từ đó phân phối lại cho phát triển nông thôn.

Hà Nội cho bán đất để lại ngân sách xã tới 80%, nhiều xã khẳng định chả lo về tiền, bán thêm một ít là tiêu “nhòe”?

Đó chỉ đúng cho các trường hợp ngoại vi của các đô thị lớn. Thậm chí họ còn thu được nhiều hơn nhu cầu cần thiết. Là vì người ở đô thị có thể ra vùng ven đô ở. Các nước phát triển cũng vậy. Cái cầu về đất ở khu vực đó rất lớn và khoản thu được rất nhiều. Vùng Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Trì bán đất thì sẽ thu được rất nhiều. Vì vậy đây là bài toán sách lược để phát triển nông thôn, xây dựng NTM do đó chắc chắn cần phải có bài toán cân đối lại tiền thu được để đảm bảo công bằng, nhu cầu phát triển đúng chỗ.

Vậy ta điều phối lại bằng cách nào?

Hiện nay theo Luật Ngân sách tiền thu từ đất vẫn để lại địa phương chia cho cấp huyện, tỉnh, xã. Nhưng xã thì ít hơn. Nếu điều phối theo cả nước thi vượt Luật Ngân sách. Xây dựng NTM là chương trình lớn thì ta có thể đề nghị Quốc hội ra nghị quyết để được quyền điều phối cho cả nước. Còn nếu cân đối trong một tỉnh thì hoàn tòan phù hợp Luật.

Xã nào cũng được bán đất thì loạn

Nhưng ở Hà Nội gần như địa phương nào đất cũng có giá, ở đâu cũng sẽ bán được và xã nào cũng sẽ bán?

Riêng Hà Nội cần tính đến một việc việc này phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển thành phố. Chứ không xã nào cũng bán chỗ này chỗ kia thì mất trật tự, không đảm bảo quy mô phát triển.

Không bám ruộng, bám đường, bám KCN mà bán thì xã lấy đâu ra giá cao, lấy đâu ra đủ vào chục tỉ đồng để góp xây dựng NTM?

Đó là hiệu quả kinh tế của bài toán quy hoạch. Một tỉnh cần đối bán ở đâu và cân đối cho đâu. Chứ không xã nào cũng được bán, xã nào cũng phải thu được vài chục tỉ đem đất ra làm đất ở thì loạn. Nếu không thì bung hết. Bài toán quy hoạch sẽ quyết định xã nào được bán bao nhiêu. Địa phương đó phải cân đối như thế nào đó cho đủ để phát triển.

Nhưng các xã của Hà Nội hay những nơi được bán đất sau này cứ đề nghị đất lúa và giáp đường QL để được giá?

Đây là bài toán quy hoạch. Nếu chúng ta làm theo kiểu ưu tiên đất ven đường thì chúng ta vẫn cứ bị dân bám theo đường. Mà cái này quy hoạch chúng ta đã nói từ lâu rồi không để dân bám theo đường, khu đô thị dân cư tự phát bám theo các trục đường. Mà chúng ta cần phải làm thành các khu dân cư theo đúng nghĩa có đường gom chạy từ đường QL vào khu dân cư. Nếu để xã làm theo kiểu tự phát bám theo trục đường thì đó là nguy hiểm rất lớn.

Theo lộ trình xây dựng NTM thì từ nay đến 2020 có khoảng 40% xã NTM, vậy số lượng đất được bán đi sẽ rất lớn?

Sẽ tác động rất tích cực đến thị trường. Chỉ cần thực hiện trong một năm là thị trường BĐS chuyển động khác ngay về nguồn cung rất lớn. Riêng đối với Hà Nội sẽ giãn nội thành ra. Giá sẽ hạ nhiều.

Như vậy chúng ta chỉ còn băn khoăn là phải làm chặt chẽ?

Đúng rồi. Đừng để tự phát. Đừng để ai trông thấy tiền nhiều cứ đâm đầu vào làm theo cơ chế này. Đúng nhưng phải gắn với bài toán quy hoạch rất chặt chẽ. Và phải gắn với tiến độ thực hiện. Phải rất cụ thể chi tiết bán ở đâu, bao nhiêu thì đủ.

Từ trước đến nay chưa bán là thiếu sót của chính sách

Một số ý kiến cho rằng theo quy luật phát triển kinh tế phải lấy kinh tế sinh ra lợi nhuận còn ta thì lấy đất?

Chúng ta vẫn khẳng định đi bằng nội lực không được đi bằng ngoại lực để giữ độc lập cho đất nước. Vậy lấy tiền ở đâu, lý luận thế giới họ khẳng định rồi là chỉ có thể công nhận giá trị của đất đai, BĐS của bất kỳ đối tượng nào thì những cái đấy chính là tiền. Đi bằng nội lực chỉ có cách đó. Còn không lấy đầu tư nước ngoài làm trọng thì phụ thuộc vào nước ngoai. Câu chuyện đơn giản thế thôi. Đó là chúng ta làm kinh tế rồi, không có gì lo ngại. Dùng nội lực thì chỉ có đất đai thôi. Từ đó mới sinh ra cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, biến nó thành tiền.

Ông là một người lên tiếng rất nhiều về khiếu kiện từ đất đai, bây giờ khắp nơi bán đất xây dựng NTM ông có lo sẽ nhức nhối thêm không?

Tăng hay không tăng là ta làm có thỏa đáng hay không thỏa đáng về quyền lợi. Ví dụ đất bán được, đổi từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thì tốt nhất là giải quyết cho dân một ít đất thị trường. Đừng trả bằng tiền. Trả bằng tiền rồi họ cũng tiêu hết. Như thế ta là người thiếu trách nhiệm với dân. Tôi lấy 1 sào, để lại cho anh 50 mét đất ở, còn lại được ít tiền thì chuyển cho họ, như thế tạo lực cho họ. Chứ xây dựng hạ tầng NTM mà người dân không tăng được nội lực thì cũng không được. Phải tái định cư tại chỗ dân mới ủng hộ. Từ trước đến nay chúng ta cứ nói thu hồi đất trả dân bao nhiêu tiền như thế là không đúng, không tạo cho họ cuộc sống lâu dài. ít nhất là su này khi bán thì nó cao hơn rất nhiều so với đất nông nghiệp của họ trước đây.

Tại sao nội lực từ đất của chúng ta lớn như vậy, nhưng bấy lâu nay chúng ta lại không bán để lấy tiền mà lại kìm chế việc bán đất?

Chúng ta tư duy là đất đai không có giá trị, không có giá. Đến 1993 đất đai mới có giá, giá do nhà nước quy định. Và sau đó chúng ta mới công nhận giá đất phù hợp với giá thị trường năm 2000. Đó là một quá trình thay đổi về nhận thức. Từ đó đất mới có giá trị.

Tại sao TƯ không nhìn thấy việc bán đất này để quyết ngay trong Chương trình xây dựng NTM hay nghị quyết TƯ7 về Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn?

Đấy là cái bệnh chung của ta là vẽ ra quy hoạch rất hoành tráng, hiện đại nhưng hỏi tiền đâu thì không có lời giải. Ngay cả quy hoạch Hà Nội vừa rồi cũng vậy, không có biện pháp lấy tiền ở đâu, chúng ta hay quên. Chỉ có lời giải là đổi đất lấy hạ tầng. Hay nói trắng ra là đổi đất lấy tiền, lấy vốn. Đấy là cách duy nhất không có cách nào khác đâu. Chấm hết. Ai mà nói nhiều cách là nói lung tung thôi.

Nhưng thị trường đất đai phát triển cũng không ngắn đâu, ở nông thôn, đất ở cũng rất có giá đấy chứ, mặt khác tiền cho xây dựng hạ tầng lúc nào cũng thiếu, hạ tầng nông thôn còn rất kém, sao nhà nước cứ phải đầu tư nhỏ giọt cộng với đóng góp của nhân dân mới làm được hạ tầng, mà mỗi năm chỉ làm được một ít thôi, xã, huyện, tỉnh cũng muốn bán đất nhưng không được phép.

Đấy cũng là một thiếu sót của chính sách, chúng ta có cơ chế cho thị trường BĐS ở đô thị phát triển khá đầy đủ nhưng chúng ta quên phần thị trường BĐS ở khu vực nông thôn hay nói cách khác thị trường BĐS ở khu vực nông thôn chưa được chăm lo. Nên chăng không nên giao cả cho Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng chỉ lo đô thị, có thể giao cho Bộ NN-PTNT thì sẽ khác. Không thì ở nông thôn cứ áp lực thu hồi đất, dân đóng góp. Thị trường BĐS ở nông thôn không phát triển nên có người đưa ra luận cứ là đất lúa ở nông nghiệp có giá đâu vì có mua bán đâu?

Vậy thiếu sót này bù đắp như thế nào?

Chúng ta mới tập trung chính sách vào nhà ở cao cấp nhà ở đô thị. Nhưng như thế không phải, vì nó tác động đến thị trường nông thôn, xây dựng hạ tầng nông thôn rất lớn. Chúng ta đã đưa đầu tư hạ tầng vào được nhiều đâu. Đó là vì quan niệm của chúng ta chưa đầy đủ, mới loanh quanh nhà ở ở đô thị.

Lo ngại lớn nhất của ông trong việc cho bán đất xây dựng NTM là gì?

Thiếu quy hoạch. Tiêu cực. Bán được 10 thu lại 5, 5 rơi vãi. Phải theo quy hoạch, công khai quá trình thực hiện từ việc người dân được bồi thường, tiền để xây dựng NTM bao nhiêu, từng hạng mục…. Đó là bí quyết thành công, còn không không thành công được. Nêu không sinh ra tự phát. Ai cũng được bán đất, mà tự phát rồi thì lại được thừa nhận vì nó có tiêu cực mà. Cái đó phải ngăn chặn ngay khi cho xã bán đất. Tiếp theo là phải điều phối nguồn tiền thu được để không mất công bằng. Bán đất xây dựng NTM buộc phải thực hiện 3 cái đó.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất