| Hotline: 0983.970.780

Đừng để bụng căm thù những lời không tốt về mình

Thứ Tư 17/01/2018 , 06:50 (GMT+7)

Đã vậy trong họ hàng nhà chồng còn hay để ý, cháu mới về làm dâu chưa biết hết mọi người trong họ, không biết cháu có quên chào hỏi không  dù rằng gặp ai cháu cũng chào hỏi, vậy mà họ nói xấu cháu trước đám giỗ cô ạ...

Cô Dạ Hương kinh mến!

Cháu năm nay 28 tuổi, đã lập gia đình đã 2 năm và đang đi làm tại cơ quan nhà nước. Cháu đã sinh được cu con hơn một tuổi rồi cô ạ, nhưng vì là công chức nên thời gian rất gò bó. Cháu không có thời gian chăm sóc cho bản thân mình nữa.

Tuy mệt vậy nhưng về nhà cháu còn phải chiều lòng bố mẹ chồng nữa. Cháu làm việc gì ông bà cũng không vừa lòng hay sao ấy, mà cháu có phải robot đâu mà làm hết được mọi việc. Cháu cảm thấy rất tủi thân, mà bố mẹ chồng lại ít con nên không muốn chúng cháu ở riêng. Nên ở riêng là không thể được.

, cháu cảm thấy bế tắc quá. Đi đâu bố chồng cũng hùa theo nói xấu cháu. Trong khi đó chị dâu cháu ở xa lại đươc quan tâm, hỏi han, nhiều khi cháu ước được như chị ấy cô ạ.Đã vậy trong họ hàng nhà chồng còn hay để ý, cháu mới về làm dâu chưa biết hết mọi người trong họ, không biết cháu có quên chào hỏi không  dù rằng gặp ai cháu cũng chào hỏi, vậy mà họ nói xấu cháu trước đám giỗ cô ạ

 Hai vợ chồng lấy nhau về được đồng nào đều dồn vào trả nợ ông bà vay cô à. So với các chị trong cơ quan thì ai cũng nghĩ nhà cháu có điều kiện mà sao không mua đồ cho đẹp để mặc nhưng họ đâu có biết là mỗi khi nhìn họ cháu cũng ao ước lắm chứ. Nhưng không tháng nào dư ra  được đồng nào đâu cô. Bên cạnh đó trong cơ quan có chị về làm dâu trong họ, suốt ngày cháu bị đem ra so sánh, nhưng chị ấy người cùng làng còn cháu khác làng. Nhà chi ấy cũng giàu có nên thích gì được nấy cô à, cũng không phải sống với bố mẹ chồng nữa.

Giờ cháu cảm thấy sợ miệng đời quá, tuy không được nhờ cậy gì họ mà toàn bị đưa ra nói xấu, chê bai. Cháu viết lời này mong cô cho cháu lời khuyên để cháu có thể tốt hơn.

----------------------

Cháu thân mến!

Cô biết văn hóa vùng miền ở nước mình có nhiều khác biệt. Ví như miền Bắc đề cao con trai, thậm chí ai không sinh được con trai coi như bất hiếu với họ mạc. Miền Nam thoáng, con út thờ cha mẹ và giỗ chạp, vì cha mẹ sống với con út lâu hơn, gần như trọn đời, ngôi nhà đó, mảnh vườn hương hỏa đó, ai đang sống thì sẽ ôm đất, ôm bàn thờ.

Miền Bắc sau thời bao cấp đói kém đang trở lại với phong độ kinh tế nhờ đầu tàu Hà Nội. Phú quý sính lễ nghĩa, đất Bắc cũng trở lại với nhiều hủ tục, bói toán, lễ bái, cúng kiến lặn vặn, phong thủy, giờ xấu ngày đẹp, bấm độn gọi hồn…đủ thứ. Cô đi Côn Đảo, ban đêm ra mộ chị Võ thị Sáu mà cô hãi, đa số người Bắc ở Bắc hoặc người Bắc ở Sài Gòn bay ra cúng bái xin xỏ, đông như mít tinh, xong việc ra về nườm nượp.

Trong những thứ “trở lại” như cô liệt kê chưa đủ ở trên, có sự trở lại của bắt nét, bắt lẽ với con dâu. Ngày xưa phiên phiến, ngày nay phong kiến sống lại. Làm sao? Không việc gì phải hốt hoảng, mình nhận thức đúng, mình sẽ có cách hành xử đúng, thậm chí “chung sống với lũ”.

Cô lấy kinh nghiệm của mình: một phụ nữ miền Tây lấy chồng lần hai, chồng có con riêng, nghĩa là cô có nhà chồng rất đông thành phần, trong đó có “di sản” của chồng cô là vợ cũ, bên vợ của vợ cũ…la liệt “đối tượng” quanh cô. Làm sao, không làm sao cả, bình tĩnh, bộc lộ từ từ và chịu phán xét. Ví như giỗ lần đầu, cô cùng chú ôm bàn thờ nhà trai trưởng, cô đâu có biết giỗ là mấy đĩa mấy bát canh măng miến gì đâu. Lần thứ hai hiểu ra, lần thứ ba thì thành thục. Cô cũng bị nhiều bà con kêu ít mồm, ít xởi lởi. Không sao, nhưng mình tận tâm mọi người sẽ dần nhận ra.

Có lẽ cháu vụng mồm, vụng xử mà hay so bì. Chị dâu ở xa, vì là vợ của anh nên được trọng vọng. Đừng để bụng, ai ở gần thì va chạm nhiều, nhưng khi đã hiểu nhau thì sẽ được thương nhiều. Cũng đừng nhìn vào quần áo các nàng công sở chung quanh, kệ họ, người ta khá giả, kệ họ, mình tùng tiệm, mình biết. Cũng đừng để ý đến khen chê quá, mình sống như cái cây trong chậu, ai đi qua phán, đi lại phán, kệ đi, miễn mình đừng có chết héo.

Kinh nghiệm là dâu mới hay bị xét nét bắt nạt. Cháu mới sinh con, nhờ ông bà chăm cháu giúp mình chứ. Cứ yêu chồng và xin lỗi nếu có lỗi, cứ làm và làm, cực không chết, dâu là phải làm, không thể sánh khi ở với mẹ của mình. Làm và làm theo ý bố mẹ chồng, rồi tình thế sẽ xoay chuyển. Biết phải sống với người ta, mình vẫn lăn vào thì bụng làm dạ chịu, trách ai? Cô không khuyên nhiều, cũng không có bài bản chi khác lạ, chỉ nhắc yêu chồng, vì chồng và giờ thì vì con mà kiên nhẫn, siêng năng, tận tụy đi rồi sẽ được ghi nhận và đền bù bằng ghi nhận của tình thương.

Đừng để bụng căm thù những lời không tốt về mình. Hãy nghĩ mình chưa giỏi chưa hay nên bị chê. Cố lên, rồi sẽ giỏi và hay, “bài thuốc” của cô chỉ có vậy.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.