| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 24/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 24/03/2015

Đừng để 'chết là hết chuyện'

Nhóm chuyên gia của Ban Nội chính Trung ương vừa đưa ra một nghiên cứu có tên “Thu hồi tài sản tham nhũng – Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”.

Trong đó, nhiều vấn đề thẳng thắn và cần thiết được nêu ra. Theo điều 42 Bộ luật Hình sự thì “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”.

Điều 107 và 164 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, một trong những trường hợp không được khởi tố vụ án hình sự, hoặc nếu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì phải đình chỉ điều tra.

Đó là “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết. Trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác”.

Tham nhũng là một tội phạm nguy hiểm. Người có hành vi tham nhũng là người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Và nếu chiếu theo những điều luật vừa viện dẫn, thì đây chính là “lỗ hổng”, là “khuyết tật” của Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự.

Bởi theo điều 42 nói trên thì chỉ những “người phạm tội” mới phải hoàn trả lại tài sản đã chiếm đoạt do tham nhũng. Còn những người thừa kế những tài sản đã chiếm đoạt đó, trong trường hợp người phạm tội đã chết trong quá trình tố tụng đang diễn ra, thì không phải chịu trách nhiệm gì.

Cũng như vậy, theo quy định tại điều 107 và 164 Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong trường hợp người đang bị khởi tố bị can để điều tra về hành vi tham nhũng đã chết thì phải đình chỉ điều tra, dù hành vi tham nhũng đã hoàn thành, tài sản đã bị chiếm đoạt.

Coi như “chết là hết chuyện”. Việc xác định số tài sản đã tham nhũng là bao nhiêu, đang ở đâu, ai được hưởng, không được quan tâm nữa. Kết quả là những kẻ thừa kế số tài sản tham nhũng này vẫn cứ ung dung chiếm hưởng. “Đời bố” đã “hy sinh”, để “đời con” được “củng cố” nhờ số tài sản tham nhũng này.

Vậy có cách nào để thu hồi số tài sản đã bị chiếm đoạt do tham nhũng, kể cả sau khi người thực hiện hành vi tham nhũng đã chết, vụ án đã được đình chỉ điều tra không?

Nhóm nghiên cứu đề xuất: Trong trường hợp người thực hiện hành vi tham nhũng đã chết, thì chỉ đình chỉ về mặt trách nhiệm hình sự, còn trách nhiệm dân sự, phải tiếp tục làm rõ người thực hiện hành vi tham nhũng có để lại di sản nào không?

Từ đó buộc người thừa kế phải thực hiện trách nhiệm bồi thường trong giới hạn di sản của người chết để lại.

Trong Bộ luật Dân sự đã có quy định về việc “Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại" (điều 637). Do đó, vấn đề là cần phải cụ thể hóa quy định này trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự, để làm căn cứ, và công cụ pháp luật, giúp thu hồi triệt để những tài sản tham nhũng.

Cũng theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, thì việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện chỉ đạt được trên dưới 10%. Thiết nghĩ, việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt được hiệu quả thấp như vậy, một phần có nguyên nhân từ những “lỗ hổng” và “khuyết tật” như trên trong luật. Và đề xuất trên của nhóm chuyên gia của Ban Nội chính Trung ương trong công trình nghiên cứu trên là hoàn toàn hợp lý, có căn cứ.

Đừng để những kẻ tham nhũng “chết rồi là hết chuyện”.