| Hotline: 0983.970.780

Đừng để chồng ghét, con gái hỗn, con dâu 'đục nước béo cò' chị nhé!

Thứ Tư 15/03/2017 , 06:50 (GMT+7)

Chồng tôi bắt đầu cạnh khóe, kê kích, trách cứ tôi, con gái tôi ác khẩu với mẹ hơn còn con trai con dâu tôi thì cũng có chiều hướng bòn rút...

Chị kính mến!

Tôi có 4 chị em gái mà chỉ duy nhất tôi là viên chức ở thành phố. Còn lại thì đều là nông dân bám ruộng vườn hoặc là buôn bán nhỏ ở thị tứ, thị trấn.

Trong hai người chị mà tôi thương cảm vì cảnh ngộ mỗi người một kiểu, tôi thương người chị ở trong quê nhất. Chị là chị cả, lấy chồng gần, góa bụa sớm, rồi sau đó thì chăm ba chăm má, ba má qua đời đến nạn nợ nần của mấy đứa con dại khờ dốt tính. Bà chị thứ ba đỡ sình bùn nhưng cũng không trọn vẹn vợ chồng, ông chồng của chị thuộc loại lưu manh có hạng, gây nợ gây nần rồi bỏ xứ cùng với bồ nhí, một tay chị gồng gánh bốn đứa con. Tôi là con gái giữa, dưới tôi là cậu em trai, một cây một trái của ba má tôi, dưới nữa là em gái út.

Đứa em út nầy, chị ơi, là đứa mà tôi luôn phải cảnh giác, như kẻ thù chị ơi. Nó ỷ nó là út nên hay ăn hiếp các chị. Nó làm chủ hụi ở thị trấn, chồng nó là lái xe, vợ chồng mạnh ai nấy hư theo kiểu của mình. Tôi thường xuyên bọc lót cho em gái khi bể bạc, cũng thường xuyên chứa chấp em rể khi nó bị vợ nó đuổi đi. Nói chung là chẳng phải vợ chồng mà là cuộc gá ghép để hành hạ nhau.

Nếu chỉ có như vậy thì “anh em kiến giả nhất phận”, tôi không viết thư nầy. Tôi hay rót tiền cho chị cả để chị ấy không suy sụp mà còn lo mồ mả, bàn thờ, vườn tược ở trong quê. Mặc cho chị tôi dành dụm để trả nợ cho ba đứa con hẩm hiu của chị ấy, tôi biết, nhưng nếu chị tôi quỵ xuống thì có phải gia tộc tôi chết đứ vì mấy chữ “thiếu nợ cho đến chết” hay sao? Tình cảm đặc biệt dành cho chị ở quê chỉ vì lý do đó mà thôi.

Nhưng tôi đâu có yên với người chị trên tôi, với đứa em dâu và em gái út ấy. Tôi thấy mình như ngân hàng mỗi khi ba cái nhà ấy có chuyện, thứ ngân hàng cho ra mà không thu lại được, còn bị rỉa rói tai tiếng. Tại sao, tại sao người mình lại hay xâu xé nhau vì chuyện tiền nong vậy không biết? Chồng tôi bắt đầu cạnh khóe, kê kích, trách cứ tôi, con gái tôi ác khẩu với mẹ hơn còn con trai con dâu tôi thì cũng có chiều hướng bòn rút, nói là để “thiên hạ ăn hết là ngu”. Mà tôi có nhiều nhặn gì cho cam dù tôi từng làm việc ở một ngân hàng nhỏ.

Tôi làm sao thanh thản mà vẫn được mọi người quý mến đây chị?

-----------------

Chị thân mến!

Thật sự truyền thống của người Việt mình là “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Việc người có giúp người thiếu là chuyện của lễ nghĩa, lẽ công bằng và lẽ phải nữa chứ. “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy là khác giống nhưng chung một giàn”, con người nói chung còn vậy, huống chi chị em ruột, họ hàng.

Thế nhưng cũng người Việt mình có thói ganh ăn tức ở. Của người nhận được bao nhiêu không chịu biết bấy nhiêu đâu mà còn nhìn vào túi người kia để xem họ nhận ít hay nhiều hơn mình. Khổ thân người mình. Thói xấu đó hay rơi vào những người siêng ăn nhác làm, chuyên buôn dưa lê và cái tâm tăm tối. Bảo sao họ chật vật cả đời, là vì những cái thói ấy nó làm hại chính họ.

Chị cần ở tôi một lời chia sẻ chứ không phải là lời khuyên bảo. Là vì tôi biết sức người có hạn, tiền bạc của mỗi gia đình càng có hạn nên chị sẽ biết phải dừng lại như thế nào. Chị em ruột khi độc thân đơn thân thì dễ dàng lắm nhưng khi họ có đôi, tức là có “yếu tố lạ, yếu tố người dưng” vào thì lập tức xốc xáo ngay nếu người vợ hoặc chồng không bản lĩnh, kiên định và tiêu biểu. Tôi nói ít chắc chị hiểu nhiều, chị đã giúp nhiều, thì cũng đã đến lúc nhìn vào nội tình nhà mình mà cư xử. Đừng để chồng ghét, đừng để con gái hỗn, đừng để con dâu “đục nước béo cò”, chị nhá.

Nên chăng chỉ nhìn vào bà chị ở quê mà thôi. Nơi đó mới thực sự là hòm từ thiện của dòng họ mà chị là người thong dong kinh tế, chị cứ rót vào đó tình thương, sự vun đắp, sự chăm sóc, trước hết cho lương tâm và lòng thành của chính chị.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất