| Hotline: 0983.970.780

Đừng để mù vì không hiểu biết

Thứ Tư 16/02/2011 , 10:29 (GMT+7)

Dù Tết Nguyên đán mới qua, thế nhưng Khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Trung ương vẫn đông nghịt bệnh nhân đang nằm điều trị.

Một bệnh nhân nghi mắc bệnh Glocom đang được bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương làm thủ tục khám mắt

Dù Tết Nguyên đán mới qua, thế nhưng Khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Trung ương vẫn đông nghịt bệnh nhân đang nằm điều trị. Có giường phải nằm ghép đôi, ghép 3 vì quá tải...  

Bệnh nhân Nguyễn Thị Lan ở Quỳnh Phụ, Thái Bình hé mở chiếc băng gạc đang bịt mắt trái, cố gắng ngó nhìn ra ngoài cửa sổ để thấy ánh nắng buổi sáng. Đây là điều mà cách đây hai ngày, chị không nghĩ mình đã may mắn được như vậy. Ngay cạnh giường, là bệnh nhân Nguyễn Đăng Khoa (Bắc Giang) cũng mắc chứng bệnh tương tự mới được phẫu thuật trước đó 1 ngày.

 Bác sĩ Đỗ Tấn, Khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Trung ương sau khi đưa phóng viên thăm một số giường bệnh đã cho biết, đây là những bệnh nhân mắc bệnh Glôcôm (hay còn gọi bệnh thiên đầu thống)- một nhóm bệnh gây tổn hại dây thần kinh thị giác, đứng thứ hai (sau đục thể tinh thủy) gây mù lòa. Phần lớn những bệnh nhân này đến viện khi hai thị lực đã quá xấu, chậm vài ngày nữa là coi như mù vĩnh viễn. Bác sĩ Tấn cũng cho biết, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh Glôcôm trong tổng số người đến khám tăng dần theo từng năm: từ 5,4% (2004) đến 8,2% (2007) và 9,7% (2008).

Theo bác sĩ Tấn, tại Khoa Glôcôm, theo nghiên cứu của bệnh viện, bệnh nhân bị Glôcôm góc mở, có tiền sử tra corticoid tại mắt kéo dài chiếm 31,7 - 33,1%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25- 59) chiếm 63,1%. Đây là điều đáng báo động về vấn đề lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt trong cộng đồng. Các yếu tố khác như cận thị, đái tháo đường, cao huyết áp cũng là nguyên nhân gây ra bệnh Glôcôm. Nguy hiểm hơn cả, tới 43% bệnh nhân tái phát nặng hơn do không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị.

Thế nhưng, theo BS Tấn, vấn đề khám chữa bệnh Glôcôm vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ sở chuyên khoa mắt tuyến tỉnh hầu như chưa được trang bị về các phương tiện cơ bản phục vụ việc chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân Glôcôm, không có đủ các loại thuốc Glôcôm cho thầy thuốc lựa chọn. Nhiều bác sỹ còn chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về bệnh này dẫn đến những chỉ định điều trị sai lầm, ví như có những trường hợp nên điều trị thuốc, không nên phẫu thuật thì lại chỉ định phẫu thuật hoặc có trường hợp cần phẫu thuật sớm thì lại giữ lại điều trị thuốc tại cơ sở mà không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Nhằm hạn chế tỷ lệ người mắc bệnh, BS khuyến cáo những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Glôcôm như người trên 35 tuổi; gia đình có tiền sử bệnh Glôcôm ; bệnh  nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân) và những bệnh nhân có bệnh toàn thân như: Đái tháo đường, cao huyết áp ... 

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra ở độ tuổi trên 50 của Bệnh viện Mắt Trung ương ở 16 tỉnh, thành, năm 2007 tỷ lệ mù loà chung chiếm 3,1%, trong đó khoảng 25.000 người mù do bệnh Glôcôm, chiếm tỷ lệ 6,5%. Thế nhưng có tới 53% bệnh nhân Glôcôm không hiểu biết gì hoặc biết lơ mơ về bệnh của mình; 95% người dân được hỏi cho biết: Không nghe, không biết  hoặc biết rất lơ mơ về bệnh Glôcôm... 

Hiện nay, bác sĩ đang áp dụng điều trị cho bệnh nhân bằng ở 2 dạng chính: Thuốc hạ nhãn áp và phẫu thuật (bao gồm cả laser). Với thuốc tra, phải được sử dụng theo chỉ định, dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sỹ nhãn khoa. Riêng với phẫu thuật, chỉ làm ổn định bệnh, không cho bệnh tiến triển thêm. Mắt thường thấy đau một vài ngày sau mổ, sau đó vẫn giác cộm một vài tuần. Trong thời gian này, bệnh nhân không được rụi, ấn vào mắt và phải đeo kính bảo vệ ít nhất trong 7 ngày. Khi ngủ, bệnh nhân nên nghiêng về bên không phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhân có thể tắm nhưng tránh để nước, xà phòng rớt vào mắt trong vòng 2 tuần đầu...

BS Tấn lưu ý, mục đích điều trị Glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Trong nhiều trường hợp đã được phát hiện và điều trị, song bệnh nhân mắc bệnh Glôcôm nhất thiết phải đi khám định kỳ, được các bác sỹ nhãn khoa tư vấn,  theo dõi  thường  xuyên theo một quy trình chặt chẽ  nhằm  kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác. Đặc biệt, 60% bệnh nặng lên trong quá trình thai nghén.

Ngoài ra, bệnh Glôcôm là căn bệnh có yếu tố di truyền, giống như bệnh đái tháo đường. Vì vậy người bệnh và những người ruột thịt của bệnh nhân cần có kiến thức để phát hiện bệnh Glôcôm sớm và đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt đề có phương pháp điều trị kịp thời. Và phụ nữ đang trong quá trình điều trị bệnh Glôcôm không nên mang thai vì trong thuốc tra mắt Glôcôm đều có tác dụng phụ. Trước khi sinh em bé, bệnh nhân nên điều trị bằng tia Laze để bệnh không còn tiến triển nữa.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất