| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 10/09/2013 , 09:51 (GMT+7)

09:51 - 10/09/2013

Dựng “hàng rào” với thực phẩm bẩn

Mỗi người tiêu dùng chúng ta cần góp tay vào xây những “viên gạch” lên một “hàng rào kỹ thuật" với thực phẩm bẩn.

Tại Việt Nam, thông tin về thực phẩm bẩn xuất hiện với mật độ dày đặc.

Bún chứa tinopal, màng bọc chứa phụ gia gây vô sinh, trái cây ngâm thuốc, rau xanh phun hóa chất, sữa nhiễm khuẩn độc, rồi liên tục các lô thực phẩm bẩn được “phù phép” bị phát hiện, bắt giữ... khiến dư luận không thể an lòng.

Thậm chí đã xuất hiện tâm lý cực đoan, nhìn đâu cũng thấy độc hại và cho rằng hầu hết nông sản thực phẩm đều kém an toàn. Ngay cả khi các cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm, công bố kết quả sản phẩm an toàn, trong ngưỡng cho phép, họ vẫn không ngần ngại quy kết đó là kết quả không trung thực, nhằm mục đích trấn an người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, không ít người lại cho rằng, thực phẩm chúng ta làm ra chưa đến nỗi tệ như vậy, mà phần lớn sản phẩm làm ra là đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn cho phép.


Ảnh minh họa

Rất khó có thể đong đếm, định lượng được bao nhiêu % sản phẩm sạch, bao nhiêu bẩn. Nhưng điều có thể khẳng định được là nếu đâu đâu cũng “làm bẩn” thì không thể có con số xuất xuất khẩu nông sản thực phẩm hàng tỉ đô la mỗi năm. Sản phẩm đó ở đâu ra, nếu không phải là của nông dân, DN Việt Nam làm ra. Và để xuất khẩu được, đặc biệt là đến được những quốc gia khó tính như Mỹ, EU, hàng hóa Việt Nam phải vượt qua hàng rào kỹ thuật với những tiêu chí chất lượng ngặt nghèo. Quy trình đó, trên mỗi sản phẩm, qua mỗi khâu từ sản xuất nguyên liệu, bảo quản, chế biến xuất khẩu… đều đã được nông dân và DN thực hiện nghiêm túc.

Đơn cử với ngành sản xuất, xuất khẩu thủy sản, phần lớn chúng ta nghe nhiều và quan tâm đến việc thông tin mặt hàng thủy sản này bị tăng cường kiểm soát, lô hàng kia bị trả lại và không ít ý kiến vội vã quy kết nông dân và DN trong lĩnh vực này làm ăn cẩu thả, gian dối… Nhưng nếu xem xét kỹ, sẽ là chưa thấu đáo khi số lô hàng thủy sản bị trả lại hoặc rơi vào diện có vấn đề chỉ chiếm chưa đến 1%. Trong khi, liên tục các năm 2011, 2012, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt lần lượt đạt cao trên 6,1 và 6,2 đạt tỷ đô la. Hay xuất khẩu hoa quả cũng đã vươn lên xấp xỉ 1 tỉ đô la… Vì vậy, cũng có lý khi cho rằng, cách nhìn kiểu “vơ đũa cả nắm” nói trên là thiếu công bằng với những nông dân, doanh nghiệp sản xuất đứng đắn, chân chính.

Đến đây, lại có cách đặt vẫn đề khác, phải chăng, chỉ có những sản phẩm hướng đến xuất khẩu, do các nước nhập khẩu dựng hàng rào chất lượng ngặt nghèo thì người dân, DN mới chịu quan tâm “làm sạch”, còn sản phẩm phục vụ nội tiêu thì lại khác?!

Nếu mấu chốt là như vậy, thì chỉ có một cách lý giải là do chúng ta chưa có một “hàng rào kỹ thuật” đủ mạnh để ngăn chặn nguồn thực phẩm bẩn tung ra thị trường nội địa. Đó là những quy trình, quy phạm pháp luật chặt chẽ và có hiệu lực trên thực tế đối với từng khâu từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Để thực phẩm bẩn hiện diện, rõ ràng khâu kiểm tra, kiểm soát chất lượng ATVSTP còn khiếm khuyết. Vấn đề này không phải ai khác, chính các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm.

Nhưng sẽ thỏa đáng hơn, khi nhìn nhận nguyên nhân khiến thực phẩm bẩn có “đất sống” còn do chính thói quen “tiêu dùng dễ dãi” của chúng ta. Đó là tiêu thụ thực phẩm đường phố, mua bán vẫn thiên về chợ cóc, chợ tạm, qua quýt đối với nhãn mác, cam kết chất lượng và uy tín của các sản phẩm…

“Hãy sử dụng những sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ” - câu khẩu hiệu này có vẻ như đang bị coi thường. Nhưng rõ ràng, khi người dân còn sử dụng, thì thực phẩm bẩn còn tồn tại. Vì vậy, song hành cùng cơ quan chức năng trong việc xây dựng và thực thi một “hàng rào kỹ thuật" với thực phẩm bẩn, mỗi người tiêu dùng chúng ta cần góp tay vào xây những “viên gạch” lên hàng rào đó. Đương nhiên lúc này, không phải ở đâu, nơi nào người dân cũng có điều kiện lựa chọn sản phẩm uy tín, vào mua bán ở siêu thị, các cơ sở cam kết cung cấp chất lượng, nhưng đây là một mục tiêu cần phải đến. Mỗi người tiêu dùng biết, lựa chọn cho mình một sản phẩm có thương hiệu, an toàn thì “đất sống” của thực phẩm bẩn sẽ bị thu hẹp lại, “hàng rào kỹ thuật” mới cao dần lên và từng bước ngăn chặn được thực phẩm bẩn ra khỏi đời sống xã hội.

Bình luận mới nhất