| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 14/09/2016 , 08:21 (GMT+7)

08:21 - 14/09/2016

Dùng ngân sách để 'giải cứu' nợ xấu?

Dứt khoát không thể lấy mồ hôi nước mắt của dân để giải quyết nợ xấu cho các ngân hàng. Dứt khoát không thể để “khố son bòn khố nâu”. 

Thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra phương án dùng ngân sách để “giải cứu” một phần nợ xấu cho ngân hàng trong dự thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020, đã khiến dư luận dấy lên những thắc mắc.

Bởi nợ xấu là do các ngân hàng thương mại gây nên. Đó chắc chắn là hệ quả của một nền quản lý lỏng lẻo trong hoạt động tín dụng, trong đó có rất nhiều tiêu cực. Khiến ngoài việc hàng ngàn tỷ đồng thất thoát, mất tăm mất tích, còn là những cục nợ xấu.

Bằng chứng là hàng năm, có không ít cán bộ, trong đó có cả những cán bộ cao cấp của các ngân hàng, phải ra trước vành móng ngựa và lĩnh án, như vụ Huỳnh Thị Huyền Như ở Vietinbank. Gần đây nhất là vụ Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng... Cục nợ xấu của ngân hàng, về số tương đối chỉ là trên dưới 3%, nhưng con số tuyệt đối là cả trăm ngàn tỷ đồng.

Còn ngân sách là tiền thuế, là mồ hôi nước mắt của dân. Người dân đóng thuế cho Nhà nước với đòi hỏi là Nhà nước dùng tiền đó để xây dựng, phát triển đất nước, mang lại một đời sống càng ngày càng ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong điều kiện đất nước còn nghèo, ngân sách còn hạn hẹp, thiếu trước hụt sau, đã bội chi hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm, chi thường xuyên quá lớn, lại còn phải dùng hàng trăm ngàn tỷ để trả nợ nước ngoài, thì “miếng bánh” chi cho đầu tư phát triển chẳng còn được bao nhiêu. Đến nỗi để có được 11.000 tỷ đồng dùng tăng lương cho cán bộ, công chức mỗi hệ số cơ bản có 60 ngàn đồng, mà Quốc hội còn phải họp lên họp xuống, cân nhắc từng đồng.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo rằng “phải tiết kiệm đến từng đồng ngân sách”.

Thế mà số tiền ngân sách cực kỳ eo hẹp đó lại phải bỏ ra cả trăm ngàn tỷ đồng để “giải cứu” khối nợ xấu của ngân hàng, do chính ngân hàng gây ra, thì có vô lý không? Vả lại, sau khi “giải cứu” rồi, mà vẫn với cách làm và cung cách quản lý như hiện nay, vẫn tiếp tục gây ra nợ xấu mới, thì lúc đó ngân sách có tiếp tục “giải cứu” nữa không? Hay là cứ ung dung “vén tay áo xô đốt nhà táng giấy”, có gì đã có cái “bầu sữa” ngân sách? Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, thì việc dùng ngân sách “giải cứu” nợ xấu cho ngân hàng “chẳng khác gì lấy của người nghèo chia cho người giàu”, còn nói như dân gian, thì đó là việc “khố son bòn khố nâu”.

Lại nữa, điều kiện của Bộ KH-ĐT cho các ngân hàng là sau khi được “giải cứu” nợ xấu bằng ngân sách, thì các ngân hàng phải “Bán nợ cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) theo cơ chế thị trường”, lại càng nực cười hơn. Đã mua bán, không theo cơ chế thị trường, thì theo cơ chế nào? Bây giờ là thời buổi nào rồi mà còn có những điều kiện quái lạ thế?

Dứt khoát không thể lấy mồ hôi nước mắt của dân để giải quyết nợ xấu cho các ngân hàng. Dứt khoát không thể để “khố son bòn khố nâu”. Ngân hàng nào gây nên nợ xấu thì phải tự mình giải quyết. Nhà nước chỉ tạo điều kiện bằng chính sách.

Bình luận mới nhất