| Hotline: 0983.970.780

Đừng thấy ho mà lo

Thứ Ba 17/01/2017 , 09:08 (GMT+7)

Ho làm sạch đờm từ phế quản phổi, vì thế với trẻ nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới ho làm bệnh mau khỏi hơn. Trong trường hợp này, cha mẹ không nên dùng thuốc giảm ho.

15-03-53_ho-tre1
Thời tiết thay đổi thất thường làm gia tăng các bệnh đường hô hấp ở trẻ
 

Những ngày gần đây, thời tiết tại các tỉnh miền Bắc thay đổi thất thường làm gia tăng trẻ mắc các bệnh đường hô hấp. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong số trên 400 trẻ đến khám mỗi ngày thì có đến 60% bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp.
 

Cứ thấy con ho là cho uống thuốc

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, giai đoạn cuối thu đầu đông hay cuối đông đầu xuân với thời tiết thất thường, là đỉnh điểm của các bệnh về đường hô hấp, các bé sẽ dễ bị ho, viêm họng và sốt, sốt cao.

Cụ thể, trong các bệnh đường hô hấp được chia ra làm 2 nhóm lớn là bệnh đường hô hấp trên và bệnh đường hô hấp dưới. Trong đó, viêm đường hô hấp trên hay gặp hơn viêm đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ với dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết bệnh là ho, chảy nước mũi, sốt, có thể chảy nước tai, khó thở. Đây là những triệu chứng thường gặp nhất khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên.

“Ho là triệu chứng thường gặp nhất của các nhiễm khuẩn hô hấp trên hoặc dưới. Do đó, việc sử dụng đúng thuốc ho trong điều trị sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ cứ thấy con húng hắng ho là lo lắng, là tự ý mua thuốc ho cho con uống mà không biết đó cũng là triệu chứng có lợi của cơ thể giống như sổ mũi hay sốt”, PGS Dũng nhấn mạnh.

PGS Dũng giải thích thêm, ho làm sạch đờm từ phế quản phổi, vì thế với trẻ nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới ho làm bệnh mau khỏi hơn. Trong trường hợp này, cha mẹ không nên dùng thuốc giảm ho.

Ngoài ra, PGS Dũng cũng lưu ý, theo dõi về lâm sàng cho thấy, ho về đêm do nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ chỉ làm phiền bà mẹ và người xung quanh nhiều hơn là đối với chính trẻ. Đôi khi ho cũng có thể gây nôn thứ phát, tuy vậy rất hiếm khi làm trẻ kiệt sức hoặc không thể ngủ được vì ho. Vì thế, cha mẹ chỉ chữa khi các triệu chứng nhiều lên, như ho quá nhiều, đặc biệt là nôn sau ho, có thể uống thuốc giảm ho…

“Hầu hết các trẻ nhiễm khuẩn hô hấp trên do virus hay ho và cảm lạnh, không cần dùng thuốc. Bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày hoặc 1 - 2 tuần.Trong một số trường hợp cần thiết có thể sử dụng các thuốc ho đông y an toàn hoặc các thuốc ho chế biến từ thảo dược như hoa hồng hấp đường, chanh hoặc quất hấp mật ong, lá hẹ… hoặc một số thuốc ho đông y có nguồn gốc từ thảo dược", PGS Dũng nhấn mạnh.
 

Dùng thuốc như thế nào đúng cách?

PGS Dũng cho biết có thể dùng một số loại thuốc ho Tây y nhưng cần lựa chọn thích hợp đối với từng trường hợp cụ thể. Theo đó, các bậc phụ huynh cần nhận biết rõ các loại thuốc ho với những công dụng khác nhau. Cụ thể, thuốc ho long đờm với hoạt chất Acetylcystein có tác dụng tiêu chất nhầy, làm giảm độ đặc quánh của đờm ở phổi bằng cơ chế kích thích để bệnh nhân dễ ho tống đờm ra ngoài.

Chỉ định: biện pháp hỗ trợ trong điều trị viêm phế quản, viêm phổi ở trẻ. Tuy nhiên, PGS Dũng lưu ý cần thận trọng không nên dùng cho trẻ có tiền sử bị bệnh hen phế quản vì có nguy cơ gây co thắt phế quản.

Thuốc ho với hoạt chất Ambroxol có tác dụng long đờm, tiêu nhầy nhưng chưa được chứng minh đầy đủ. Các nghiên cứu trên lâm sàng cho thấy, thuốc có tác dụng cải thiện triệu chứng ho cho bệnh nhân bị tắc nghẽn phế quản nhẹ và vừa, không có tác dụng trên các trường hợp nặng.

Loại thuốc ho này được chỉ định dùng cho trẻ trên 5 tuổi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới như: viêm mũi xoang, viêm phế quản mãn, hen phế quản có tăng tiết nhiều dịch nhầy bất thường như một biện pháp hỗ trợ.

PGS Dũng cũng lưu ý, cần hết sức thận trọng và không nên dùng cho trẻ dưới 5 tuổi, trẻ bị loét dạ dày tá tràng, ho ra máu vì có thể làm tan các cục máu đông làm xuất huyết trở lại.

Ngoài ra, còn một hoạt chất nữa được các bác sĩ hay kê trong đơn điều trị trẻ bị viêm đường hô hấp đó là Codein. Với tác dụng giảm đau là chính, ngoài ra cũng có tác dụng giảm ho do tác động trực tiếp lên trung tâm ho ở hành não.

Tuy nhiên, PGS Dũng lưu ý, thuốc làm khô và quánh dịch tiết ở phế quản. Nó cũng có thể gây nghiện nếu dùng kéo dài và một số trường hợp có thể gây ức chế hô hấp nếu dùng quá liều. Vì thế, không nên dùng để giảm ho cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.

Một lần nữa, PGS Dũng lưu ý, các bậc phụ huynh không nên quá lạm dụng thuốc ho cho trẻ. Thay vào đó chỉ sử dụng khi trẻ có dấu hiệu ho quá nhiều, đặc biệt là nôn sau ho, lúc này có thể cho trẻ uống thuốc giảm ho nhưng cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.