| Hotline: 0983.970.780

Dưới chân núi Đại Thần: Huyền tích núi thiêng

Thứ Tư 26/11/2014 , 08:41 (GMT+7)

Nằm bên bờ sông Chảy, núi Đại Thần giống như con chiến mã ngẩng cao đầu giữa bạt ngàn mây trắng hướng về phía Bắc canh chừng giặc giã...

Dòng sông cuồn cuộn chảy như nâng bước chân vó ngựa biên thuỳ. Dưới chân núi Đại Thần có biết bao câu chuyện huyền bí khó lý giải...

Từ lâu tôi đã nghe nhiều chuyện kỳ bí quanh núi Đại Thần, hôm nay tôi mới quyết định cùng đoàn công tác của Ban Quản lý di tích huyện Bảo Yên (Lào Cai) lên núi.

Chiến mã hóa đá canh giặc

Con đường vào xã Xuân Hoà nơi tọa lạc trái núi Đại Thần men theo dòng sông Chảy ngược lên.

Chỉ những hôm trời quang mây tạnh người ta mới nhìn thấy trái núi khổng lồ giống như con chiến mã ngẩng cao đầu hướng về phương Bắc như canh chừng giặc tới, đỉnh núi gần như quanh năm ẩn mình trong bạt ngàn mây trắng, trong dân gian còn lưu truyền sự tích về núi Đại Thần với rất nhiều dị bản nhưng đầy huyền bí.

Chuyện rằng: Ngày xưa nước Nam bị giặc phương Bắc tràn xuống cướp phá, chúng gây ra bao nhiêu đau thương tang tóc cho người dân. Tiếng kêu than thấu tới tận Thiên Đình nên Ngọc Hoàng mới sai vị thần mặt đỏ như gấc, râu xanh như rêu xuống trần gian giúp người dân tiễu trừ lũ giặc hung tàn.

Sau khi đuổi hết lũ giặc về phương Bắc vị thần mới cưỡi ngựa thăm sông núi nước Nam. Tới Bảo Yên nhìn thấy dòng sông Chảy như dải khăn của nàng Tiên nào đó bỏ quên, vị thần vội xuống ngựa nhặt dải khăn lên, hoá ra đó là dòng sông Chảy.

Ngẩn ngơ giữa chốn non xanh nước biếc ngập tràn hoa thơm cỏ lạ và đầy rừng tiếng chim ca, vị thần thong dong dạo bước trên các đỉnh núi. Khi quay lại thì chiều sẫm tối, con ngựa buộc bên dòng sông Chảy đã hoá thành trái núi khổng lồ tự khi nào.

Không có ngựa để về trời vị thần lên núi đào ao thả cá và trồng cây ăn quả. Nhiều dấu tích của vị thần để lại còn in trên núi Đại Thần cho đến tận ngày nay.

Cụ Lò Văn Tính năm nay 84 tuổi cựu Bí thư, Chủ tịch xã Xuân Hoà kể rằng: Tôi đi bộ đội từ năm 16 tuổi, tham gia đánh trận Sông Lô, Phố Ràng, tiếp đến là Chiến dịch Biên giới rồi Chiến dịch Tây Bắc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ tôi được xuất ngũ do bị thương.

08-36-41_2
Ông Lò Văn Tính bên chiếc sừng nai do ông bắn được trên núi Đại Thần

Ngày trước, từ Xuân Hoà xuôi xuống Phố Ràng dày đặc đồn bốt của giặc. Đây là vị trí hiểm yếu cùng với đồn Phố Ràng khống chế toàn bộ tuyến đường lên phía Bắc sông Hồng và sông Chảy.

Sau khi xuất ngũ tôi sắm được khẩu súng hai nòng, ngày ấy trên núi Đại Thần hươu nai, lợn rừng, chồn, sóc... nhiều vô kể. Tất cả mọi con thú và cây rừng trên núi là của thần, ai muốn lấy thì phải xin, còn ai không xin mà tự tiện lấy về thì mang vạ vào thân.

Trên núi Đại Thần có một cái ao rất lớn, đó là ao thần, nước trong xanh tới tận đáy, dù trời hạn hán bao ngày, nhưng ao thần không bao giờ cạn.

Tại đó có nhiều cá Bỗng vảy màu biếc xanh, người dân gọi là cá thần, xung quanh ao là rừng cam, quýt. Người dân tới đó ăn chứ không được mang về, ai mang về thì bị thần giữ lại.

Lần nào lên núi săn bắn tôi đều phải thắp hương xin Đại Thần mới săn được, còn không xin dẫu đi hết đêm này sang đêm khác không bao giờ thấy bóng một con thú. Đời tôi bắn được 42 con nai, hơn 10 con lợn rừng, còn hươu thì khoảng gần hai chục con...

Nói rồi ông chỉ lên chiếc sừng nai có sáu nhánh sừng dài gần một mét đóng trên cột nhà ngay cạnh chỗ ghế ngồi tiếp khách, phía dưới là hàm con lợn rừng răng nanh dài chừng nửa gang tay.

Ông cười bảo: Mình chỉ giữ một bộ làm kỷ niệm thôi, anh em đến chơi thấy đẹp thì xin...

Nói rồi ông cười khà khà: Bây giờ trên núi Đại Thần không còn con thú lớn nào nữa, chồn sóc thì vẫn còn, nhưng hươu nai, hổ báo thì bị săn bắn hết rồi.

Những chuyện kì bí

Dẫn chúng tôi lên núi Đại Thần là Phó Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Hoà Hoàng Đình Kiểu. Đoàn có 7 người, chỉ sau nửa giờ leo núi đã chia thành hai tốp, rồi ba tốp, tôi chống gậy đi sau cùng.

Rừng trên núi Đại Thần chia thành các đai rừng, phía dưới là rừng trồng khá xanh tốt, tiếp đến là rừng tái sinh mọc lưa thưa, sau là đồng cỏ may và cây bụi cùng với cây cà gai dại mọc bạt ngàn.

08-36-41_3
Đường lên núi Đại Thần mờ mịt sương, người chăn bò vẫy tay chào đoàn leo núi

Người dân quanh núi Đại Thần sau mùa gặt lùa tất cả đàn gia súc lên núi chăn thả. Nghe có tiếng người ai đó hú mấy tiếng trong sương mù, hai cô gái trong Ban Quản lý di tích là Lý Thị Hoạt và Hoàng Thị Thuý Quỳnh cũng hú đáp lời.

Tôi hỏi Lý Văn Tháo cán bộ dân vận xã Xuân Hoà được cử đi mang nước uống và đồ đạc cho đoàn: Chỗ người hú đó là tới đỉnh núi chứ? Tháo lắc đầu: Mình mới đi được một phần ba còn hai phần ba nữa, càng lên cao đường càng dốc chú ạ...

Có lẽ ái ngại cho tôi cứ lẽo đẽo một mình phía sau nên Kiểu và Tháo tụt lại đi cùng tôi nói chuyện cho vui.

08-36-41_4
Cây trên đỉnh núi Đại Thần thấp lùn và mọc đầy địa y

Anh kể rằng: Ao trên núi Đại Thần bây giờ không còn nữa, sau nhiều năm người dân phá rừng làm nương đất tràn xuống cộng với những lần lở núi cách nay mấy chục năm, ao bị bồi lấp giờ chỉ còn là cái thung lũng chứa nước cho trâu bò uống, rừng cam quýt cũng không còn.

Ông tôi kể rằng ngày trước quanh ao thần rất nhiều cam quýt, trong bản có một người tới ăn vô tình để một mảnh vỏ rơi vào túi áo nên cứ đi quanh quẩn cả ngày mà không biết đường về. Đi mãi đến tối mịt lại quay về ao thần, anh ta buộc phải ngủ trên núi, khi sờ vào túi áo tìm diêm mới biết trong túi có một mảnh vỏ quýt. Anh ta vội khấn vái rồi cứ nhằm ánh lửa phía chân núi cắt rừng đi về, gần nửa đêm mới tới nhà, sợ mấy ngày không nói được.

08-36-41_6
Cây trên núi Đại Thần bị sét đánh

Năm nào cũng vậy vào mùa mưa sấm sét nổ trên núi Đại Thần ầm ầm, trâu bị sét đánh vài ba con. Người ta bảo vị thần giết trâu bò để khao quân sĩ. Nhiều đêm thanh vắng người dân dưới chân núi Đại Thần như nghe được tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng ngựa hý, tiếng mài gươm, đúc kiếm và rậm rịch bước chân người...

Còn Lý Văn Tháo thì kể: Nghe mọi người nói ông Lý Đức Thi ở bản Bon lên núi Đại Thần đào được một hũ bạc trắng và vòng tay. Không biết ông ấy bán được bao nhiêu tiền sau này bị ma nhập nói năng lung tung, chỉ lên ngọn cây đa đầu bản: Trên ấy có bình ngọc chứa rất nhiều bạc trắng, ai trèo lên đấy mà lấy.

Còn ông Bàn Văn Áo năm nay hơn 70 tuổi, lên núi Đại Thần phát nương, chả biết ông có xin phép thần linh trên núi hay không, khi về tới nhà cứ nói lảm nhảm đi khắp nơi như bị ma làm, gia đình giết lợn mổ gà cúng bái tốn kém rất nhiều, vợ ông ấy mất khi ông đang mắc bệnh, người ta bảo vợ ông ấy chết thay chồng...

Hoàng Đình Kiểu cho hay người dân đào được nhiều bát đĩa cổ, bình hương, hũ rượu và cả mũi giáo mác bằng đồng trên núi Đại Thần. Nhưng khốn khổ người nào cũng gặp nạn sau khi mang những thứ đó về nhà, họ phải mời thầy về cúng rồi mang trả lại những đó lên núi.

Dọc đường lên núi Đại Thần tôi gặp những cây nấm đất to bằng cái đĩa, nhưng rất độc và nhiều cây to cỡ người ôm thân vỡ toác đứng chết khô giữa trời, hỏi Hoàng Đình Kiểu, anh cho hay đó là những cây bị sét đánh. Càng lên cao cây rừng càng thấp lùn, địa y màu lục mọc lên tận ngọn cây.

08-36-41_7
Những cây nấm độc to bằng cái đĩa lớn

Gần mười hai giờ trưa chúng tôi mới lên tới đỉnh núi, Hoàng Đình Kiểu chặt lá chuối rừng trải ra mặt đất, chúng tôi bày cơm nắm ra ăn. Kiểu lặng lẽ véo một ít cơm ném ra tứ phía, lẩm nhẩm: Xin mời các thần linh, thổ địa dùng bữa cơm nhạt cùng với chúng tôi...

08-36-41_5
Hoàng Đình Kiểu (ngoài cùng bên phải) làm thủ tục mời các thần linh ăn cơm cùng đoàn leo núi

Chỉ ngồi một lúc chúng tôi đã thấy lạnh, gió từ đâu tới thổi ào ào qua tán lá cây rừng, mọi người ăn uống vội vàng rồi xuống núi. Ở trên cao nhiều gió quá nên người nào cũng rét run...

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm