| Hotline: 0983.970.780

Đường dài thử thách lòng người

Thứ Bảy 26/11/2016 , 13:15 (GMT+7)

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Con đường đến văn chương của ông khá lận đận, trắc trở và phải “treo bút” hàng chục năm trời. Nhưng bất ngờ...

09-26-12_trng-32
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
 

Nhưng bất ngờ đến tuổi 67 (năm 2000), cái tên Nguyễn Xuân Khánh bỗng vang dội trên thị trường văn học với cuốn tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”. Ngay lập tức ông được nhận liền bốn giải thưởng, gây chấn động trên diễn đàn văn học…Mới đây, ông lại cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo” viết về bối cảnh thời bao cấp với bao nhiêu cười khóc xung quanh phong trào nuôi heo cải thiện kinh tế gia đình!
 

Bản lĩnh của một văn sĩ mặc áo lính

Đến nay sau những thành công liên tiếp đến với mình, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không khỏi bồi hồi nhớ lại những gian nan đến với mình trong chặng đường dài ngay từ những ngày khởi nghiệp.

Dường như cuộc đời ông gắn liền với văn chương như một định mệnh, bởi ngay từ bé ông đã say mê văn học, qua những trang văn kỳ thú viết về những số phận của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc (Thủy Hử), hay những tính cách đặc sắc trong cuộc giao tranh trong “Tam quốc diễn nghĩa”.

Những áng văn chương luôn luôn cuốn hút ông như một thứ men say không thể cưỡng nổi. Đang học năm thứ hai Trường Đại học Y khoa (1952), chàng sinh viên Nguyễn Xuân Khánh xung phong nhập ngũ với mộng ước dấn thân vào thực tế để viết văn.

Với những truyện ngắn đầu tiên, cây bút trẻ, chiến sĩ Nguyễn Xuân Khánh đã gây ấn tượng, có triển vọng và được mời đi dự trại sáng tác của Văn nghệ Quân đội tổ chức năm 1958. Tại đây Nguyễn Xuân Khánh bắt tay viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình với nhan đề “Làng nghèo”.

Ngỡ tưởng mọi việc xuôn xẻ, khi đã được duyệt đưa in, nhưng không ngờ cuốn sách bị đình lại vì nội dung có vấn đề. Điều người ta bắt phải sửa chữa vì nội dung câu chuyện của “Làng nghèo”, tác giả đã để nhiều người chết, không có lợi về tư tưởng trong cuộc chiến đấu của dân tộc ta. Tác giả đã sửa đi sửa lại vẫn không đạt yêu cầu và lỡ mất cơ hội được in.

Nhưng câu chuyện nổi lên là tác giả có vấn đề vào thời điểm 1959-1960 không hề đơn giản. Hơn nữa cũng từ đó Nguyễn Xuân Khánh phải lao vào cuộc mưu sinh cho gia đình, vợ con cùng với những gian khó trước mắt. Nguyễn Xuân Khánh phải làm khá nhiều việc, từ nuôi lợn đến công nhân bốc vác, có thời còn làm thợ may kiếm tiền nuôi các con ăn học nên người. Cái tên Nguyễn Xuân Khánh vắng bóng từ đó suốt ba nười năm trời.

Nhưng mọi người càng không thể ngờ được, suốt ba mươi năm im tiếng vậy, Nguyễn Xuân Khánh vẫn âm thầm viết mỗi khi có thời gian. Ông còn chăm chỉ tự học ngoại ngữ và đọc nhiều sách cổ kim đông tây với hoài bão tích lũy và chờ đợi thời cơ trở lại con đường văn chương.

Ba mươi năm im lặng với khát khao sáng tạo không lúc nào nguôi ngoai. Sau những ngày bươn trải bên lề đường hay lầm lụi kiếm sống, là những đêm thức trắng để cầm bút và miệt mài học tập. Phải nói đó là một bản lĩnh gan góc của một tính cách bền chí với hoài bão lớn. Điều đặc biệt trong quãng thời gian khuất lấp này, Nguyễn Xuân Khánh đã tìm ra nguồn cảm xúc khác lạ trên những trang viết mới. Một cách viết mới khác đi so với những gì từng viết trước đó.

Phải dăm mười năm, Nguyễn Xuân Khánh mới viết xong một cuốn vì còn phải đi kiếm tiền nuôi bốn người con đang tuổi ăn tuổi học. Nhưng rồi vài chục năm, Nguyễn Xuân Khánh cũng hoàn thành được hai cuốn, đó là “Miền hoang tưởng” và “Trư cuồng”.

Thời điểm này ông càng ngộ ra chức phận của văn chương không phải là cuộc chơi mà tác phẩm phải giúp gì cho đời sống chứ không phải thỏa mãn cái tôi cá nhân. Với thân gầy mình hạc, khắc khổ kiên cường, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh như một cây xương rồng vượt lên trong sa mạc cát.

Mọi chuyện ngỡ như thời cơ đã đến với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vào năm 1990, mở đầu cho thời kỳ đổi mới. Nhưng ngay sau khi cho in cuốn “Miền hoang tưởng”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh liền bị phê phán kịch liệt, lại vì vấn đề tư tưởng.

Chính vì lẽ đó cuốn tiểu thuyết thứ hai “Trư cuồng” càng bị ngưng lại vì tin đồn đây là một tác phẩm khá dữ dội của ông. Không lẽ lại sụp đổ. Tai nạn văn chương liên tiếp sau ba mươi năm trời hy vọng ngỡ tưởng tan thành mây khói. Nhưng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không tuyệt vọng.

Ông đã thấm chữ “Nhẫn” trong cuộc đời và những năm tháng nghiên cứu phật học đã đem lại cho ông một đời sống khác. Đó là trạng thái thâm trầm, bứt thoát và chờ đợi duyên kiếp sẽ đến. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lao vào dịch thuật và viết sách. Chính trong giai đoạn này, ông dịch được nhiều cuốn tiểu thuyết hay như “Những quả vàng” của Nathalie Sarraute (NXB Phụ nữ-1996); “Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất” của Taha Ben Jelloun (Trung tâm Văn hóa Pháp và NXB Phụ nữ-1998); “Hoàng hậu Sicile” của Pamela Schoenewaldt (NXB Kim Đồng-1998)…

Nhưng sự bứt thoát, tràn ngập niềm tin và hy vọng ở nhà văn Nguyễn Xuân Khánh còn kỳ lạ hơn ở những trang tiểu thuyết mà ông đã lặng lẽ viết trong niềm say mê bất tận. Đó là những con chữ nóng bỏng thời cuộc với những suy tư sâu sắc được thể hiện bằng bút pháp mới. Đó là câu chuyện của năm 2000, khi cuốn tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” đến với bạn đọc, như một hiện tượng văn học mở đầu cho thế kỷ 21.
 

Những kỷ lục văn chương Nguyễn Xuân Khánh

Ít có tác giả dầy vốn sống và đủ kiên nhẫn như Nguyễn Xuân Khánh khi cầm cây bút mực cặm cụi viết trên những trang giấy trắng hằng đêm.

Bắt đầu từ tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” (NXB Phụ Nữ), với 834 trang in năm 2000, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã thiết lập kỷ lục về độ dầy cho một cuốn sách, khởi đầu cho lịch sử văn chương trên đất thủ đô. Lập tức cuốn tiểu thuyết này còn lập kỷ lục khác, bốn giải thưởng trong một thời gian ngắn.

Đó là Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2000; Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, năm 2001; Giải thưởng Mai Vàng của báo Người Lao động, năm 2001; và Giải thưởng Thăng Long của UBND Thành phố Hà Nội, năm 2002. Chưa hết, vì sau đó cuốn sách còn được tái bản liên tục tới 16 lần. Đó cũng là một kỷ lục về số lần tái bản của một tiểu thuyết lịch sử mà trước đó chưa từng có.

Tác giả thật khó ngờ là cuốn “Hồ Quý Ly” lại được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao đến thế. Cũng vào năm 2001, Nguyễn Xuân Khánh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đúng là “khổ tận thái lai”, sau ba mươi năm âm thầm lao động, và vinh quang đã đến với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ở vào độ tuổi gần 70, đã ngỡ xế chiều.

Nhưng rồi mọi chuyện không dừng lại đó. Sức sáng tạo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục thăng hoa và mãnh liệt như tuổi thanh xuân.

Ông tiếp tục viết cuốn tiểu thuyết thứ hai, sau 5 năm mới hoàn thành và lập tức cũng gây ấn tượng đặc biệt. Đó là cuốn tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn” (NXB Phụ Nữ-2006), với 807 trang in. Suối nguồn cảm xúc trong tâm trí nhà văn Nguyễn Xuân Khánh như được khơi đúng mạch sáng tạo.

Tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn” thu hút bạn đọc với nội dung đậm chất triết lý dân gian, cùng những câu chuyện cõi tâm linh sâu sắc. Những kỷ lục tiếp tục được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thiết lập, với 7 lần tái bản, với số lượng in mỗi lần 2000 bản. Và, thêm một lần giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội lại trao cho tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn”, năm 2006.

Ngỡ như tất cả đã an bài và mỹ mãn với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, sau hàng chục vạn bản in cho hai tiểu thuyết trong gần 10 năm chiếm lĩnh thị trường sách văn học. Nhưng lại thêm những năm tháng ấp ủ tiểu thuyết mới, nhà văn đã đóng cửa cầm bút cầy từng chữ, trên những trang giấy trắng.

Lộc giời đầu dễ trao cho ai quá tam ba bận, vậy mà đến năm 2011, tiểu thuyết mới “Đội gạo lên chùa” (NXB Phụ Nữ) đã làm sống dậy cái tên Nguyễn Xuân Khánh, như để bù đắp cho sự nỗ lực lớn lao của một cây bút đã bước sang tuổi 80.

09-26-12_trng-34
Bức tranh chân dung của nhà văn
 

Cuốn sách còn dầy hơn cả hai cuốn trước, với 868 trang in, và tạo được dư luận sôi nổi trên các diễn đàn văn học. Tác phẩm này đã đưa tác giả lên một đỉnh cao mới. Ngay năm sau đó nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (2012). Tính đến nay cuốn tiểu thuyết này đã được tái bản đến lần thứ tư. Như vậy trong 25 năm lao động và sáng tạo, với bộ ba tiểu thuyết lịch sử và phong tục; nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã lập những kỷ lục, cả về số lượng phát hành và giải thưởng.
 

Vòng nguyệt quế 2016

Vào tuổi 83, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã cống hiến cho nền văn học Việt Nam những bộ tiểu thuyết mang một phong cách mới; có tính triết luận về văn hóa, thể hiện một sức nghĩ dồi dào và vốn sống phong phú. Qua bộ ba tiểu thuyết của mình, tác giả đã thể hiện sự đổi mới về nghệ thuật kể chuyện, đậm dấu ấn sáng tạo.

Đồng thời ông có những thủ pháp kết cấu độc đáo tạo nên sức cuốn hút đối với người đọc. Theo giáo sư Phong Lê, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nổi bật khi thể hiện sâu sắc sự đan xen giữa lịch sử và văn hóa phong tục. Tác giả cũng đã từng bày tỏ: “Văn hóa trong tiểu thuyết có thể là tập tục, nếp sống làng quê. Nếu không có nền tảng văn hóa thì tiểu thuyết không đứng vững được”.

Chính vì thế mà trong một thời gian dài, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã nghiên cứu sâu sắc về phật giáo. Ông quan niệm, với người Việt phật giáo là một lối sống, bởi từ xưa đến nay nền tảng văn hóa đình, chùa luôn luôn tồn tại trong đời sống. Do vậy, nhà văn luôn luôn lấy phương châm sống “Từ-Bi-Hỉ-Xả” để tu dưỡng, hướng về cộng đồng. Những trang văn của ông thấm đẫm màu sắc văn hóa Việt. Ở đó, bao nỗi niềm của tác giả gửi gắm tới bạn đọc, với trái tim nhân ái, cùng trạng thái ung dung tự tại. Đồng thời, qua những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, bạn đọc còn tiếp nhận những bài học về lịch sử, văn hóa và nhân sinh.

Bạn đọc ắt càng thêm mừng vui khi những cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được đề cử nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2016. Đó là kết quả xứng đáng trao cho nhà văn sau một chặng đường dài phấn đấu đầy gian khó, đã viết nên những tác phẩm có giá trị đặc sắc, ghi dấu ấn trong nền văn học nước nhà.

(Kiến thức gia đình số 46)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất