| Hotline: 0983.970.780

Đường đời lẫm chẫm (Kỳ 2)

Thứ Ba 03/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Tôi chỉ trải qua trẻ con một nửa ở làng, nửa còn lại diễn ra ở Phú Thọ, trên rừng nhưng đó lại là một câu chuyện khác./ Đường đời lẫm chẫm

Tôi đã viết:

Chúng con rồi mỗi đứa mỗi nơi

Đến những gian khổ được gọi là Chân trời

Khi ngoảnh lại, mới hay chân trời chính là ở ngôi làng cũ.

Chiều âm âm u u, mẹ con tôi ăn cơm với trứng xào, với canh rau dệu lều bều vài cái tóp mỡ, đang ăn mẹ nhăn nhó kêu đau bụng. Đau nhưng vẫn cố ăn. Cố hết bát cơm thì mẹ thình lình bảo tôi, con sang bà Binh Bằng bảo bà sang ngay mẹ cháu nhờ.

Tôi chạy như bay sang nhà bà Binh Bằng.

Bà Binh Bằng đang hái dâu. Bà Binh Bằng lúc nào cũng đang hái dâu. Tôi bảo bà ơi mẹ cháu bảo bà sang mẹ cháu nhờ tý. Bà bảo về, về đi rồi bà sang. Tôi mếu máo khóc. Tôi biết có điều gì rất ghê gớm nếu bà Binh Bằng không sang ngay. Bà Binh Bằng nhạo, con giai gì mà lấy khóc làm đầu, êu lêu về rồi bà sang. Tôi lao đến, nhảy lên ôm lấy tay bà Binh Bằng rồi cắn ngoạm vào tay bà đang hái dâu, những chiếc lá dâu rơi xòa trên mặt, xuống cổ khiến tôi ngứa ngáy. Nhưng tôi quay đầu cắm cổ chạy thục mạng về. Bà Binh Bằng, đau, tức, chạy đuổi theo. Chạy làm sao kịp. Tôi về đến nhà chạy tọt vào buồng đúng lúc mẹ đau quá cứ kêu ái ái. Tôi biết tình thế này bà Binh Bằng sẽ không đánh chửi mình, nhưng cứ tu lên khóc cho an toàn.

Mẹ con thi nhau khóc.

Bà Binh Bằng vào buồng, liền đỡ mẹ khỏi liêu xiêu, rồi cứ khẽ đấm lưng mẹ vừa đuổi tôi quầy quậy đi ra đi ra, con giai gì mà ở trong buồng bà đẻ. Xấu, ra ngay. Thấy tôi cứ lấm lét nhìn, bà đoán ra nỗi sợ, bèn dỗ dành: Ra đi, men sau lưng bà mà ra. Xuống bếp lấy cho bà cái liềm, chóng, ngoan nào. Đó là khi mẹ tôi đẻ thằng Nhuệ.

Năm tôi 35 tuổi, đại hạn mẹ chết mới có dịp ngồi lâu với bà Binh Bằng. Bà cắt tóc ngắn, mặt tròn, mắt long lanh cười khoe hàm răng trắng, đều tăm tắp và đang bắt đầu mòn. Người ta bảo mòn răng thì sống lâu. Khổ thân mẹ, ít hơn bà mười tuổi mà đang gần đất xa giời. Đã thế, cứ còn cười nhạo việc chết. Mỗi lần sang thăm mẹ, bà đều ngó vào buồng bệnh, nhăn nhở cười:

- Sao, lấy vé lâu thế mà rồi chửa lên tầu à?

Tôi mới nghe giận lắm. Sau để ý ai đến thăm mẹ cũng hỏi những câu đại ý như vậy, có người cứ bô bô kể ông ấy cụ nọ chỉ ốm sơ sài rồi đi ngay, thật mát mẻ. Tôi hầu mẹ được đến ngày thứ mười lăm, tự thấy không đau thay nổi cho mẹ, không thể cho mẹ ăn thêm được gì ngoài nước cháo loãng. Ngẫm ra, cả đời tôi chưa báo hiếu cho mẹ được gì, chưa mua nổi một tấm áo rét, chưa mời mẹ một miếng ăn ngon. Mới thấy câu chào của bà Binh Bằng, của những người hàng xóm bạn mẹ mong cho mẹ sớm thoát cõi đời khổ đau là một minh triết, vì họ cũng như tôi, không thể giúp gì mẹ được nữa.

Lại nghĩ thêm: Những người như bà Binh Bằng phần nhiều mù chữ, mà mọi việc trên đời, nhỏ như chữa cảm mạo dịch sởi, quai bị, thủy đậu lớn như việc đỡ đẻ, việc cư xử với cái chết sao cho hòa nhã nhất để nó không trở thành kinh khủng khiếp cho con người thì đâu vào đấy, thành thục và như bây giờ người ta hay nói, hết sức chuyên nghiệp.

Từ ngày nghỉ hưu, tôi hay về quê. Tôi không thấy những bà mụ đỡ, những thang thuốc dân gian đâu nữa. Cứ đau đẻ là đi viện, có ca đẻ hết mười lăm, hai chục triệu. Cứ ốm là ra bệnh xá, ốm gì cũng tiêm, cao huyết áp hay đau nhức xương đều tiêm cả, chả còn hiểu ra thế nào.

Xã Đông Trà của tôi vốn chỉ gồm hai làng Định Cư và Phụ Thành. Nhờ sông tải biển vun, làng tôi cứ lấn dần ra biển, hơn hai chục năm trước, tách từ xã tôi ra hộn với dân các nơi về lập thêm một xã, gọi là xã Đông Hải. Vậy mà Định Cư giờ vẫn phải chia thành hai thôn hành chính, Định Cư Đông, Định Cư Tây. Nhưng tôi không sao quen được với tên gọi mới. Về lý, con sông Trà là “của” Định Cư, thì bãi của nó phải là dân Định Cư được hưởng.

Nhưng các cụ bảo nhau sao đó mà chia làm hai, từ cống hai cửa trở vào là của Định Cư, phần còn lại thuộc về Phụ Thành. Thế là Phụ Thành làng tôi mỗi năm có thêm hàng trăm mét dài nhân với hàng ngàn mét rộng, tuy Định Cư đông gấp rưỡi Phụ Thành.

Hai làng giáp nhau con sông nối từ sông Cá ra cống đê số 6 rồi ra cống hai cửa giáp biển chủ yếu để thoát úng lụt và thau chua rửa mặn. Con sông nuôi lớn chúng tôi bằng tôm cá. Giờ tuổi gần bẩy mươi, chưa đau xương nhức mỏi, có lẽ nhờ xương cá, xương đầu cá bố tôi hay bảo rằng, ăn cá phải ăn từ đầu, có ăn đầu cá đi đâu mới không bị sợ. Nói cho công bằng, xương tôi tốt còn nhờ canh rốc, rạm và ôi giời canh cáy ăn gần như quanh năm.

Con sông còn nuôi lớn những khát vọng làm người. Vì nó là con sông dùng làm chỗ thi bơi chải hằng năm giữa các xóm. Bọn trẻ chúng tôi được tập bơi ở đó. Ba tháng hè, chúng tôi được xã đoàn cử anh Vinh cán bộ thể thao hướng dẫn bơi lội. Đó là đoạn sông phình to, nằm ngay trước nhà cụ Bá Công, có lẽ do cụ đào thêm ruộng của mình, chắn đăng hai đầu để nuôi cá trong ao có nước ra vào thường xuyên. Anh Vinh đã chọn mười đứa chúng tôi, cho ngậm quả bưởi non rồi bơi qua sông Trà Lý, chỗ đò Phú Dâu sang đền Quan Trấn. Anh và những đứa lớn bơi sang rồi bơi về, còn bọn bé hơn chúng tôi, phải về bằng đò.

Ngẫm ra, đời tôi đã bơi qua thật nhiều sóng gió: Thời chủ nghĩa lý lịch hoành hành, thời bao cấp con đông phải đêm hôm chợ đen chợ đỏ, thời đi vào cơ chế thị trường tỉnh táo, không ảo tưởng đã vậy, còn rất hăng hái chống chủ nghĩa xin cho quay đầu làm rối loạn đạo lý, chống không thắng nổi nhưng đã không phải sống hèn. Ngẫm cho cùng kỳ lý, là nhờ hồi nhỏ tôi được hướng dẫn bơi bài bản: Phải lợi dụng sức nước, nhất là phải biết bơi đứng để chững lại chờ cho xoáy nước đi qua chứ không bạt nước nếu muốn sang ngang! Và việc tập bơi, việc sống cùng nước còn có thành tựu rõ rệt hơn, ở chỗ Đông Trà là xã có tên trên bản đồ bơi chải của tỉnh Thái Bình, đứng rất lâu trên hạng Nhất.

Vâng, nước dạy con người ta được nhiều điều hơn là đất. (còn nữa)

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm