| Hotline: 0983.970.780

Đường đời lẫm chẫm

Thứ Hai 02/02/2015 , 06:13 (GMT+7)

Làng tôi ở chân con sông Trà Lý, phía hữu ngạn, nơi sông đã mệt đời làm sông, nằm duỗi dài ra biển thở dài sau một nỗ lực cuối cùng là tấp những hạt phù sa mang nặng từ rừng, mỗi năm mỗi vạt kỳ đến thành bãi.

Nhờ đó cư dân làng tôi có chỗ trồng sú vẹt, trồng cói cấy lúa hom thả trâu và chăn vịt.

Cơm gạo hom thơm ngon, ăn cơm nguội cũng vẫn dẻo mềm. Còn bởi nó là giống lúa cứu đói, luôn luôn chín vào lúc mà những ró bị thóc chiêm cuối cùng đã xay giã từ ngày nào không ai còn nhớ nữa.

Ăn cơm hom

Nằm giường hòm

Thở hý ha hý hóp

Ôi cái mãn nguyện một thời mới bé nhỏ làm sao!

Còn nói đến chỗ chưa mãn nguyện mới thật là thê thảm.

Ấy là năm cả xã thành một hợp tác. Thóc gạo đi đâu không biết cứ lai rai đói quanh năm. Bên làng Định Cư sau vụ gặt chiêm các bà rủ nhau sang bãi Thái Ninh cào dắt. Đó là những năm sông Trà bồi bên tả ngạn, phía Thái Ninh. Mà toàn cát là cát.

 Cũng lạ cho giời đất. Bồi lên bãi làng tôi toàn phù sa, nhưng khi bồi bên kia lại chỉ toàn là cát, nơi ngao vẹm don dắt sinh sôi nẩy nở như rươi. Các bà sang đò Phú Dâu, mau mải ra tận mom cát Thái Hòa xa mờ mịt. Mê mải cào đãi, bụng bảo dạ cào cho đầy thúng chặt ró, chờ thủy triều lên dựa sức nước dìu ró bị vào bờ, hẳn là các bà nghĩ thế, thêm mỗi bơ dắt là chồng con được thêm vài lẻ gạo.

Nhưng người tính không bằng giời tính. Triều cường kéo theo gió đông, hùng hùng hổ hổ, chỉ chốc lát sóng biển đã mênh mông, dìm chết gần chục con người, trong đó có bà bác ruột, bá Hanh của tôi.

Trên danh nghĩa, các xã viên bị chết do chạy nước không kịp. Nhưng họ đi từ mờ sớm, cơm chưa kịp ăn hay như bá Hanh tôi không có cơm mà ăn thì cũng vậy, lúc họ lâm nạn là hơn một giờ chiều. Cật một buổi sáng họ đi, họ cào cát, đào một hố sâu làm giếng để sàng cho cát lọt đi chỉ dắt còn lại. Luôn tay luôn chân. Để chồng con đỡ đói ngày mai, họ quên cái đói trước mắt.

Nhưng quên làm sao nổi. Cái đói hóa thân thành cơn say dắt, nó tổng hòa cùng tận lực con người để trở nên một sức mạnh man rợ của định mệnh.

Mỗi lần nhớ quê, bao giờ tôi cũng nhớ cái chết của bá Hanh tôi, một ký ức đau thương với thật nhiều tủi hổ.

Thái Bình có cái cầu Bo

Có nhà máy cháo có lò đúc môi

Thái Bình là đất ăn chơi

Tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành

Cho đến tận bốn mươi ngoài, tôi vẫn còn viết: Hà Nội bao nhiêu là to đẹp nhưng không phải của mình. Hà Nội không phải là cái bánh chưng để tôi cắt lấy một miếng mang về biếu quê. Nhưng càng có tuổi, tôi càng bớt mặc cảm, nhất là sau khi đã đi rất nhiều miền quê khác, tôi thấy ở đâu cũng lam lũ nhọc nhằn.

Còn giờ đây, khi ngồi viết những dòng này, tôi chợt nhớ câu chuyện được kể trong truyện "Tình yêu cuộc sống" của Jack London mà cụ Lê - nin đã yêu cầu đọc cho nghe trước khi vĩnh biệt cõi đời: Bil và tôi, hai kẻ nông phu đi đào vàng nhằm vùng thoát khỏi định mệnh đói nghèo. Họ bị lạc trên sa mạc và bị đói, cái ăn cạn kiệt.

Bil đã bỏ gã trong khi tôi bị ngã trẹo chân. Gã vớ được con gà nhép và nhai sống như một người tiền sử. Thời gian sau, cái đói còn biến gã thành thú, gã và con sói đói rình nhau, cả hai không còn đủ sức để giết nhau, đành rình kẻ kia chết để mình có cái chén.

Khi được cứu sống, gã được chăm sóc y tế và nuôi ăn, nhưng gã sinh thói xấu, cất giấu những mẩu bánh mì và xúc xích dưới chăn, trong túi áo túi quần. Không sách nào nói vì sao đó là câu chuyện cuối cùng Lê - nin nghe đọc và Tố Hữu viết:

Người còn nghe thánh thót Cruvskaia

Đọc trang sách "Tình yêu cuộc sống"

Tôi thì tôi hiểu đó là bút ký triết học cuối cùng của cụ, một bút ký không viết thành chữ. Cái đói lưu cữu làm tha hóa Con Người, có nguy cơ đưa nó về thời tiền sử hay thậm chí xa xăm hơn nữa. Tôi đoán cụ đã nhắn gửi hậu sinh như thế.

***

Nhưng làng tôi không chỉ có cái đói thê thảm.

Đồng bãi mênh mông, sông ngòi chằng chịt kiếm cá tôm còn nhanh hơn hái rau. Cần ghi chú điều này: Người quê tôi gọi tất cả những kênh mương thủy lợi là sông, vì quả thực lúc nào chúng cũng chảy.

Vào mùa mưa, nước hàng huyện thừa bao nhiêu đổ cả vào sông Cá - con sông nối từ khu Tây Nam xuống Đông Bắc huyện Tiền Hải rồi lừa khi thủy triều rút, người ta mở cống cho nước chảy ra sông Trà, từ đó mà ra biển.

 Cũng qua sông Cá, mọi nguồn nước từ Cty Thủy lợi huyện bơm cho nước chảy về khắp các cánh đồng trong huyện, trong đó đồng làng tôi bừa cấy sau cùng. Vào vụ mùa, người ta lại lấy nước lũ từ sông Trà vào sông Cá cho chảy ngược lên huyện.

Từ sông Cá, các nhánh sông xương cá trổ ra, cho nước tự chảy vào đồng. Ruộng nào cao, tát nước lên bằng guồng, hai người hai bên cứ thong thả đạp như đàn bà con gái thành phố bây giờ đi bộ đứng trên máy; vậy là nước từ sông chảy ồ ạt lên ruộng. Trẻ con cũng tát được nước tưới lúa.

Sông nước nhiều thì lắm cá tôm. Năm 8 tuổi tôi đã vừa thả trâu ngoài bãi vừa dận ngao, mò cua tát vũng trong đê. Khi trâu theo thủy triều dâng bơi vào, cũng là lúc chúng tôi mỗi đứa mỗi giỏ, nhảy lên lưng trâu bóng nhẫy mà thong thả về làng.

 Vào những ngày mưa Ngâu, bọn trẻ rang cám trộn với bã rượu làm vàng, từng đoạn từng đoạn vạch bốn gốc lúa cho dạt về bốn phía rồi rắc vàng xuống. Cứ rắc hết vòng, quay lại từ đầu, dùng nơm úp những chỗ rắc thính. Úp xong, thò tay vào nơm, quay vòng nhanh dần đều cho cá nhược mới bắt cho vào giỏ. Khi may bắt được mấy con một chỗ. Cá rô, tôm càng, nhiều khi có cả cá diếc cá chuối. Những con cá rô vàng ruộm náo hoạt tuổi thơ tôi.

Lớn hơn một chút, tôi theo đàn anh đi cất vó dọc các sông ngang. Ngày mưa ngập thì đứng cất bên cống, cá từ đâu cứ tự tìm đến; cá mừng nước nhao nhao nhảy làm sáng bừng mắt vó, tiếng mừng reo váng động những ngày mưa. Cá nhiều đến mức rốc (cua đồng) rạm không thèm bắt; chúng cứ bám nhằng nhằng vào mắt vó để ăn vẩy cá.

Những ngày nắng ráo thì phải người đi tìm cá. Sướng nhất là khi cất vó lên, những con cá măng, cá vược nhao bên này sang bên kia, nhùng nhoằng động vó, sướng cả khi chúng nhảy vút qua rường vó mà thoát chết. Dù có tiếc cũng chả sao được. Nghề kiếm ăn có hôm may hôm rủi, có hôm dận ngao mà bắt được cả cua gạch bằng bàn tay xòe người lớn, cá bống to bằng bắp tay; lại nhiều hôm chẳng được gì, đến ngao cũng bị con thối làm hỏng cả nồi canh... (Còn nữa)

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm