| Hotline: 0983.970.780

Dương Văn Thuận - Nông dân tài năng

Thứ Sáu 10/09/2010 , 10:27 (GMT+7)

Là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liên tục, anh Dương Văn Thuận, ngụ ấp Thạnh Yên, xã Thạnh Trị (Tiền Giang) đã mày mò sáng chế ra “Bộ phụ kiện máy phun thuốc bảo vệ thực vật đa năng TY:03”.

Anh Thuận đang kiểm tra giàn phun
Là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liên tục, anh Dương Văn Thuận, ngụ ấp Thạnh Yên, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) đã mày mò sáng chế ra “Bộ phụ kiện máy phun thuốc bảo vệ thực vật đa năng TY:03”.

3 lần không nản

Gia đình anh Thuận thu nhập chủ yếu bằng SXNN. Anh canh tác 1,2 ha đất, luân canh lúa, màu. Những năm vừa qua, nhà nông thường đối mặt với dịch rầy nâu gây hại mang mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, anh nảy sinh ý tưởng chế giàn phun thuốc diệt rầy để giảm bớt chi phí thuốc và công phun nhưng mang lại hiệu quả diệt rầy cao nhất.

Anh Thuận kể: Rầy nâu chủ yếu sống dưới gốc và thân cây lúa, nếu phun theo cách cũ thì không diệt được hết rầy lại phun phía trước nên dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau nhiều đêm thức trắng, anh kẻ vẽ sơ đồ giàn phun rồi chỉnh sửa, mang ra thợ hàn thiết kế đúng như bản vẽ. Sản phẩm thiết kế đầu tiên mang về nhưng chưa ưng ý, phải đến lần thứ 3 mới được. “Tháng 7/2008, giàn phun thuốc diệt rầy đầu tiên mang ký hiệu TY:01 ra đời được áp dụng ngay trên diện tích ruộng nhà. Kết quả thật bất ngờ, rầy chết đặc ruộng, phun nhanh hơn kiểu thông thường” – anh Thuận hào hứng.

Sản phẩm đầu tiên cấu tạo vẫn là bơm thuốc bằng tay, phía sau gắn giàn phun diệt rầy gồm bộ khung sắt được thiết kế dài 1,6 mét với 6 đầu phun (béc) trên một ống dẫn thuốc gắn trên một thanh sắt. Thanh sắt này có tác dụng gạt thân lúa để đầu phun bơm thẳng vào thân và gốc lúa, nơi có nhiều rầy đeo bám. Trọng lượng toàn bộ là 10kg. Toàn bộ chi phí phụ kiện là 500.000 đồng. Nếu dùng giàn phun này, tỷ lệ rầy chết đạt trên 90%. Ưu điểm của giàn phun này là người phun thuốc kéo phía sau, giàn phun tự động xịt thuốc, người phun ít bị nhiễm độc.

 Tuy nhiên anh Thuận vẫn chưa hài lòng với giàn phun ban đầu. Anh lại mày mò nghiên cứu tìm tòi, tiếp tục cải tiến giàn phun rầy thứ hai mang ký hiệu TY:02. Giàn phun mới với ống dẫn thuốc dài 2,5 mét, gắn 8 đầu phun, giàn nặng 11 kg, sử dụng trên cả bình phun tay và bình phun máy; chi phí khoảng 600.000 đồng. Qua thời gian sử dụng giàn phun TY:02, kết quả diệt rầy cũng rất tốt, giảm chi phí 200.000 đồng một đợt phun/ha. Tuy nhiên khi lúa trổ, giàn phun không đáp ứng được (khi thanh gạt đi qua, cây lúa vừa ngóc lên thuốc xịt ngay vào bông lúa); trọng lượng nặng nề khi di chuyển và chỉ phun diệt rầy, không thuận tiện để phun xịt các đối tượng sâu bệnh khác.

 Không nản chí, từ thử nghiệm, hội thảo, anh đúc kết những yếu điểm của giàn phun TY:02, tháng 3-2009, anh cho ra đời bộ phụ kiện máy phun thuốc bảo vệ thực vật đa năng TY:03. (TY là tên viết tắt ấp Thạnh Yên, quê hương anh đang sinh sống). Giàn phun lần này gọn, nhẹ hơn nhiều, chỉ nặng 3,5 kg, được thiết kế trên thành máy phun gồm có hệ thống tay đẩy, bộ khung kềm cặp ống dẫn thuốc điều chỉnh lên xuống theo chiều dài thân cây lúa. Ống dẫn thuốc dài 4,6 mét, đường kính 1 cm. Trên ống dẫn gắn 9 vòi phun. Mỗi đầu vòi phun có hàn 2 cái ngoe (cây gạt lúa) hình chữ V dài 20 cm.

 Khi phun rầy, hệ thống tay đẩy sẽ điều chỉnh giàn ngoe đưa xuống khỏi bông lúa, áp lực máy phun sẽ xịt thuốc đến ngay thân và gốc lúa. Giàn phun giảm chi phí khoảng 300.000 đồng một đợt phun/ha. Đặc biệt bộ phụ kiện máy phun này còn áp dụng phun xịt thành công cho tất cả các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa và phun xịt cho tất cả các loại sâu bệnh khác, hiệu quả đạt trên 98%.

Ích lợi cho nhà nông

Sau khi giàn phun thứ 3 hoàn chỉnh ra đời, áp dụng có hiệu quả trên khắp các cánh đồng quê nhà, UBND, Hội Nông dân xã, Hội Nông dân, Khuyến nông tỉnh, huyện, đến xem thực tế và mở nhiều cuộc hội thảo công nhận sáng chế rất độc đáo này, đề nghị anh mang đi dự thi và đạt giải cấp tỉnh. Trong mô hình liên kết “4 nhà”, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang mời anh phun trên những diện tích thử nghiệm trong tỉnh và các tỉnh khác. Qua kiểm chứng, tất cả đều công nhận hiệu quả giàn phun TY:03 của anh quá hoàn hảo.

 “Tôi chỉ có một máy phun để phục vụ ruộng nhà và bà con nông dân trong xóm. Tất cả chỉ có cây viết và bản vẽ rồi đem ra thợ hàn, đâu có máy móc phương tiện gì làm sao sản xuất hàng loạt để bán” - anh phân trần. Nói vậy nhưng cùng là nông dân với nhau, anh hiểu được sự vất vả khi mỗi mùa vụ phải đối mặt với rầy nâu hoành hành. Anh tận tình hướng dẫn cách làm và mong sao ý tưởng sáng chế thành công của anh không bị mạo nhận lợi dụng để trục lợi.
Anh tiếp tục làm thủ tục gửi dự thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Và tin vui đã đến, “kỹ sư chân đất” Dương Văn Thuận đã đạt giải cấp toàn quốc. Những tính năng ưu điểm của bộ phụ kiện dùng lắp đặt trên máy phun thuốc bảo vệ thực vật TY:03 là phun được các đối tượng bệnh hại trên lúa như: phun diệt cỏ, bệnh đạo ôn, đốm vằn, nhện gié; đặc biệt là diệt được rầy nâu hiệu quả trên lúa trổ, ngoài ra còn phun được trên cây rau màu…; không mỏi tay khi phun thuốc, an toàn cho người phun thuốc và cây trồng; bộ phụ kiện được lắp đặt gọn trên máy, trọng lượng 3,5 kg, chỉ cần 1 người thực hiện khi phun, di chuyển dễ dàng khi nạp thuốc vào bình phun.

Đặc biệt thiết kế bố trí hợp lý nhiều béc phun nên rút ngắn thời gian mang trọng lượng thuốc trên người và tiết kiệm nhiên liệu cho máy phun; hệ thống béc phun nằm phía sau nên rất an toàn cho sức khỏe; khả năng phun thuốc xuống gốc lúa diệt rầy nhanh gấp 2 – 3 lần so với cách phun thông thường. Hiệu quả diệt rầy đến 98%; bình quân một máy phun thuốc khoản 1,5 đến 2 ha/ngày; do phun nhanh và đều nên tiết kiệm được lượng thuốc và công phun khoảng 300.000 đồng/ha. Tiếng lành đồn xa, nhiều hộ nông dân các tỉnh điện thoại, đến tận nhà anh đặt mua máy.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất