| Hotline: 0983.970.780

Đường về Việt Hải

Thứ Tư 22/02/2017 , 13:15 (GMT+7)

Việt Hải quê tôi là một xã nghèo nhất trong 12 xã, thị trấn của huyện Cát Hải, TP Hải Phòng. Dân cư ít, đường sá đi lại khó khăn.

Trong ký ức của tôi, Việt Hải ngày trước nghèo xơ xác, về mùa mưa mỗi lần đi qua con đường lầy lội từ nhà này đi sang nhà khác thật khổ sở, người dân trong xã lại không có nghề gì ổn định.

09-52-42_viet-hi-xu
Việt Hải xưa
 

Nghe bố tôi kể lại trước những năm 90, xã tôi sống chủ yếu bằng nghề đi rừng, hầu như trai làng chỉ biết các nghề từ đánh ong, bẫy thú cho đến khai thác gỗ. Vì vậy thời điểm đó đất nông nghiệp tại xã Việt Hải bị bỏ không, hoang hóa cho dù đất ở đây tương đối màu mỡ. Dân cư thì thưa thớt, chỉ khoảng 30 hộ và chưa vượt nổi 100 khẩu.

Từ bến vào đến làng có duy nhất một con đường đất, phải đi qua một hang núi dài hơn 100m, vào mùa mưa thường ngập nước, đường đi là những lối mòn nhỏ, lầy lội. Ngày ấy cha tôi vì không có việc làm cũng theo bạn bè vào rừng bẫy thú, chặt gỗ để bán. Nhiều hôm bẫy thú về không có người mua, cha tôi thường làm thịt, kho mặn cho chị em tôi ăn cơm.

Tuổi thơ của chị em chúng tôi tuy không đói nghèo, bệnh tật nhưng phải nói là thiếu thốn vì mọi vật dụng sinh hoạt phải mang từ thị trấn Cát Bà lên, mà hồi đó cứ 3 ngày mới có một chuyến đò. Mỗi lần ốm đau là một lần lo lắng, trạm y tế xã thì có nhưng không có bác sỹ, cả trạm chỉ có một y tá, những bệnh thông thường như cảm cúm thì lên trạm xin thuốc uống chứ bệnh nặng một chút là phải thuê đò chở xuống bệnh viện đa khoa huyện. Việt Hải ngày trước trong kí ức tôi là thế.

Việt Hải hôm nay đã khác nhiều. Từ ngày lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia Cát Bà xiết chặt quản lý, nghiêm cấm và phạt nặng những hành vi khai thác rừng bừa bãi thì nghề làm rừng không còn mang lại thu nhập cho người dân trong xã. Xã có 90 hộ với gần 300 khẩu, bà con nông dân chỉ tập trung vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế.

09-52-42_ben-vh
Việt Hải hôm nay đã khác nhiều
 

09-52-42_duong-ve-vh
Đường vào Việt Hải
 

Đường từ bến vào làng được bê tông hóa, dịch vụ xe buýt điện chạy chở khách đi lại dễ dàng, 100% các hộ gia đình có điện lưới quốc gia, có vô tuyến, nhiều người sắm được xe máy. Ngoài trồng lúa và hoa màu khác, bà con tận dụng những thung áng, vườn đồi trồng cây dược liệu, khoai các loại với diện tích lên tới gần 1ha. Người dân còn đẩy mạnh chăn nuôi phục vụ nhu cầu tại chỗ và cung cấp cho khách du lịch ra tham quan đảo.

Tại Việt Hải có một giống khoai sọ khá ngon có tên là khoai sọ Mùn Ốc, nhiều người còn so sánh khoai sọ Mùn Ốc với loại khoai sọ Lệ Phố trong phim “Tể tướng Lưu Gù’’ vì hình dạng và vị thơm ngon của nó. Nếu trí nhớ của tôi không nhầm thì Việt Hải đã từng xuất hiện một thương hiệu, đó là “Măng tre Việt Hải”. Sản phẩm này do một số hộ dân liên kết với tổ công tác Biên phòng Việt Hải chế biến từ nguồn nguyên liệu tại chỗ. Nhiều du khách nếm thử và khen ngon, giá mỗi hộp măng cũng chỉ từ 25.000 - 30.000 đồng.

09-52-42_khch-du-lich-den-viet-hi
Khách du lịch đến Việt Hải
 

Những năm gần đây, du lịch trong xã nhất là du lịch cộng đồng phát triển, đời sống của bà con có những bước chuyển biến rõ rệt, nhiều nghề phụ ra đời như xe ôm, dịch vụ ăn uống tại chỗ bằng những sản vật sẵn có tại địa phương, dẫn khách đi leo núi. Thiên nhiên được phục hồi dần.

Việt Hải xưa là một ngôi làng cổ mang đậm nét người dân miền biển. Với tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, mơ ước của người dân nơi đây là tạo dựng được một khu du lịch làm toàn bằng nhà trình đất, với những đường nét thuần việt, những căn nhà Việt Hải cổ có giếng nước, các chum vại, quang gánh... Như vậy vừa giới thiệu được những dấu tích xưa của ngôi làng cổ cho du khách thăm thú vừa tạo điều kiện nâng cao đời sống người dân.

Anh Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy xã cho tôi biết những ngày qua toàn xã chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM), một chương trình nhằm thay đổi và nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Anh Lợi còn cho biết Việt Hải đã hoàn thành cả 19/19 tiêu chí NTM, nhờ người dân nhiệt tình tham gia hiến đất làm đường, góp công góp của để xây dựng quê hương.

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.