| Hotline: 0983.970.780

Ế giống lúa lai

Thứ Tư 08/02/2012 , 10:03 (GMT+7)

Mặc dù nhiều tỉnh Bắc Trung bộ kêu thiếu giống, nhưng trên thực tế các Cty Giống cây trồng phía Bắc đang thừa giống; đặc biệt là giống lúa lai.

Mặc dù nhiều tỉnh Bắc Trung bộ kêu thiếu giống, nhưng trên thực tế các Cty Giống cây trồng phía Bắc đang thừa giống; đặc biệt là giống lúa lai. Nhiều Cty nhỏ lao đao, xây xẩm mặt mày vì giống bán ra chưa thu được tiền, còn giống tồn đương nhiên phải gánh thêm chi phí bảo quản; trong lúc ngân hàng gõ cửa đòi nợ.

DN đá nhau?

Ông Trần Mạnh Báo- TGĐ, Chủ tịch HĐTV Cty CP TCty Giống Cây trồng Thái Bình cho biết, thực tế ngay từ đầu vụ ông đã cảnh báo không thể thiếu giống, vì năm nay giống lúa thuần trong nước được mùa, còn lượng giống lúa lai NK từ Trung Quốc về khá nhiều. Mẹo của các DN Trung Quốc cứ kêu ầm lên bên Trung Quốc SX giống lúa lai khó khăn, chi phí đắt đỏ để “làm giá” với DNNK giống lúa lai của Việt Nam. Nhưng trừ một vài giống lúa lai chất lượng cao như N.ưu 69, Nam Dương 99, Thái Xuyên 111… có giá NK vượt hẳn lên, còn đa số các giống lúa lai giá NK về đến biên giới Việt- Trung chỉ xoay quanh mức 75.000- 78.000 đồng/kg, thậm chí những tổ hợp cũ giá chỉ trên 60.000 đồng. Đến những ngày cuối tháng 12/2011, nhiều DN giống của Trung Quốc còn gạ gẫm DN Việt Nam lấy thêm giống họ sẽ xuất với giá hữu nghị nhưng cũng không đắt hàng.

Nhìn tổng thể, các DNNK nhiều giống lúa lai nhất vẫn là Cty CP Giống cây trồng TƯ, Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình, Cty CP Giống cây trồng miền Nam, Cty CP Giống cây trồng miền Bắc, Cty CP Giống cây trồng Nghệ An, Cty CP Giống cây trồng Bắc Ninh, CP Giống- VTNN công nghệ cao Việt Nam… với lượng NK khoảng từ 700 đến gần 1.500 tấn/đơn vị. Các Cty cấp tỉnh ở những địa phương có diện tích lúa lai ít chỉ nhập đôi ba trăm tấn đã phải cố lắm vì lượng tiền để nhập về 100 tấn lúa lai đã trên dưới 7 tỷ đồng.

Vốn liếng các Cty nhỏ đã eo hẹp, vay ngân hàng không dễ, vay được lãi suất cũng trên 20%/năm thì chịu không nổi. Hơn nữa các Cty giống cũng “trông giỏ bỏ thóc”, tỉnh nào còn trợ giá lúa lai lớn như Thanh Hóa, Nghệ An thì nhập giống về mới có cơ bán được, những tỉnh khác bán thương mại Cty nhỏ khó cạnh tranh được với các Cty lớn.

Đã xuất hiện những chiêu trò “đá hậu”, tiêu diệt lẫn nhau. Có một Cty giống tiềm lực khá hùng mạnh nọ đã áp dụng chiết khấu (thực chất là giảm giá) bán giống lúa lai, lúa thuần ở 2 tỉnh Bắc Trung bộ khiến các Cty khác không bán được hàng. Hậu quả là có tới gần chục Cty lãnh đủ, hàng đem đi rải xong lại thu về tốn kém không biết bao nhiêu mà kể.

Với tiềm lực tài chính cùng hệ thống thị trường rải khắp mọi nơi, lãnh đạo Cty này ngầm áp dụng một chính sách bán hàng kiểu “con nhà giàu”: Chấp nhận bán lỗ ở tỉnh này rồi lấy lãi ở tỉnh khác bù vào, hoặc chấp nhận lỗ vụ này nhưng chiếm được thị trường rồi thì tăng giá bán để bù đắp lại. Sau khi áp dụng thành công ở 2 tỉnh trên, Cty nọ đã “phủ sóng” ra nhiều tỉnh khác khiến các DN nhỏ chịu không thấu. Một chiêu khác của DN này là loan tin giá NK giống lúa lai của đối thủ rất thấp, rồi từ đó cho quân đi rêu rao đối thủ ăn lãi quá dày để họ không bán được hàng.

Ế rạc ế dài

Làng giống cũng đang bàn tán xôn xao chuyện một Cty tư nhân NK tới 800 tấn giống lúa lai nhưng tiêu thụ chỉ được ¼. Đây là giống lúa lai khá tốt, thích ứng rộng; dân ưa chuộng, nhiều năm đã được các tỉnh đưa vào cơ cấu giống trợ giá. Nhưng vụ xuân năm ngoái giống bị “dính chàm”, hơn nữa năm nay nhiều tỉnh cắt giảm tiền trợ giá giống nên giống của Cty không tiêu thụ được hàng. Lãnh đạo Cty cả tháng nay chạy đôn chạy đáo xem may ra bán thêm được tấn giống nào không, nhưng trong lúc khó khăn này bán được cả trăm tấn giống lúa lai là không dễ dàng.

Chưa biết nguồn vốn của Cty tự có bao nhiêu, vay ngân hàng nhiều không nhưng với số giống ế ẩm đang tấp vào kho lạnh trị giá vài chục tỷ thì thiệt hại là không hề ít. Vốn vay thì chết đầu nước, vốn tự có thì với mấy chục tỷ gửi ngân hàng trong lúc lãi suất cao ngất ngưởng hiện nay, chỉ đưa tiền vào nhà băng ngồi chơi mỗi tháng đã có hơn 1 tỷ đồng, khỏi buôn bán gì cho mệt.

Còn GĐ Cty giống tư nhân ở tỉnh H than thở, trước tết dự kiến nhập 200 tấn giống lúa lai từ một Cty ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc nhưng đây là giống lúa lai đang sốt nên giá giống khá cao. Chạy rạc cẳng vay ngân hàng được hơn chục tỷ nên chỉ NK được khoảng 150 tấn. Giống tốt thì giá bán phải cao, đem hàng đi rải khắp các tỉnh, chèo kéo chào mời các Cty khác bán hộ cũng chỉ được phân nửa; giờ hết vụ rồi đành lôi về tống vào kho… ướp lạnh chờ bán tiếp vụ mùa.

Tồn đọng cả nghìn tấn?

Không DN nào muốn công khai con số chính xác lượng giống bị ế của DN mình, nhưng ước tính không dưới vài ngàn tấn. Vì vậy sau tết nghe tin các tỉnh miền Trung lúa mạ chết rét, thiếu giống trầm trọng - lẽ ra nên cảm thông chia sẻ thì nhiều GĐ Cty giống đã mừng quýnh, như chết đuối sắp vớ được cọc. Trong ngành giống là thế, người này chết thì người kia cười. Vấn đề là giá giống lúa lai cao đưa vào các tỉnh miền Trung có thể không hợp túi tiền nông dân vốn đã quá khó khăn.

Vị GĐ thừa nhận, năm nay kinh tế khó khăn người dân thấy giá giống lúa lai cao quá nên không dám móc tiền ra mua, hoặc mua nhỏ giọt. Chưa năm nào bán giống lúa lai khó nhọc như năm nay. Tuy nhiên, theo ông người nông dân chỉ nhìn thấy một nửa vấn đề. Giống lúa lai 80.000- 85.000 đồng/kg nhưng cấy 1 dảnh nên mỗi sào chỉ dùng tối đa 1kg giống, thậm chí 8 lạng. Giống lúa thuần có loại lên tới 30.000 đồng/kg nhưng một sào ngốn hết hơn 2 kg giống thì lượng tiền bỏ ra cũng chẳng thấp hơn là mấy. Đó là chưa nói vụ xuân này thời tiết rét đậm, lại nhuận 2 tháng Tư làm xuân muộn là chủ yếu, cấy lúa lai khả năng được mùa cao hơn hẳn lúa thuần. Lúa lai thường phát huy tiềm năng năng suất rất tốt ở những năm giá rét.

Không chỉ ế ẩm giống lúa lai, lúa thuần cũng ế rạc ế dài. GĐ Cty giống tỉnh N cho biết, Cty ông đang ế trên 200 tấn, trong đó Bao Thai khoảng trên 100 tấn, Khang Dân gần 100 tấn, còn lại Hương Thơm số 1 vài chục tấn. Một Cty cấp tỉnh ĐBSH khác cũng ế cả giống lai lẫn giống thuần gần 300 tấn. Một Cty miền núi phía Bắc cũng thông tin ế 80 tấn Sán ưu 63.

Vừa đưa CBCNV đi trảy hội đền Trần, giám đốc một Cty giống khu vực miền Trung vừa kể khổ: Ông tính, sau tết cơ quan người ta đi hết hội này đền nọ, cơ quan mình chẳng lẽ cứ ngồi nhà ru rú trông mấy bao lúa giống. Tiền không có cũng đành đi vay mượn cho anh em đi một chuyến, gọi là du xuân. Tôi đi đền Trần mà lòng như lửa đốt, chứ sung sướng gì. Ngân hàng mấy hôm nay réo như hò đò. Cứ giả vờ nói máy hết pin, rồi ngoài vùng phủ sóng…để khất lần. Gọi cho GĐ một Cty giống khác thấy ông này đang trảy hội Yên Tử. Ông cho biết đang ế 240 tấn giống lúa lai. Nhưng may gọi được cho đối tác Trung Quốc họ chấp nhận cho trả lại, thế là ông thở phào, giờ mới có lòng dạ leo núi tìm lên cõi Phật.

Thế đấy, đầu xuân cùng đi lễ hội, đi vay tiền bà Chúa Kho nhưng mỗi người mỗi cảnh, không ai giống ai. Hy vọng vay được tiền bà Chúa, nhiều Cty giống sẽ bớt khó khăn hơn chăng?

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm