| Hotline: 0983.970.780

Ea M’nang vượt qua 'nút thắt' môi trường

Thứ Ba 18/04/2017 , 09:30 (GMT+7)

Tiêu chí số 17 về môi trường không đòi hỏi phải có nhiều kinh phí để thực hiện nhưng lại là “nút thắt” khó cởi đối với hầu hết các địa phương trong huyện CưM’gar...

14-28-43_tly
Các thành viên thu gom rác thải sinh hoạt tại thôn 1A

Tiêu chí số 17 về môi trường không đòi hỏi phải có nhiều kinh phí để thực hiện nhưng lại là “nút thắt” khó cởi đối với hầu hết các địa phương trong huyện CưM’gar (Đăk Lăk) trong quá trình xây dung nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, với những biện pháp cụ thể, thiết thực, xã EaM’nang đã trở thành một điểm sáng của huyện về thực hiện tiêu chí này.

Thay đổi rõ nét nhất của xã EaM’nang trong thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân được nâng lên, họ đã tích cực thu gom và xử lý rác thải, xây hầm biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi, các cơ sở sản xuất kinh doanh cơ bản ý thức được công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh như lập các thủ tục về môi trường, cam kết bảo vệ môi trường…

Hiện nay, xã đã thành lập được tổ “thu gom rác thải sinh hoạt”, với 04 người tham gia. Định kỳ, một tuần 03 lần vào các ngày thứ 3, 5 và 7 các thành viên đến các trục đường chính của 5/9 thôn để thu gom rác thải, phương tiện vận chuyển là máy cày. Người dân có trách nhiệm bỏ rác thải sinh hoạt vào bịch, bao... và đem ra trước cổng theo giờ quy định để tổ thu gom. Để duy trì hoạt động của “Tổ thu gom rác thải sinh hoạt” mỗi hộ dân đóng góp 15.000 đồng/tháng và hộ sản xuất kinh doanh đóng góp 20.000 đồng/tháng...

Vừa cùng các thành viên trong gia đình đưa rác tập kết trước nhà, ông Phạm Tịnh – thôn 1 B, xã EaM’nang vui vẻ nói: “Khi xã phát động đổ rác thải sinh hoạt, gia đình tôi tham gia ngay. Giờ có xe rác đến thu hàng tuần tôi thấy rất tiện lợi, chỉ việc mang rác ra trước nhà và có xe đến thu gom. Trước đây, rác được gia đình gom lại thành bao rồi mang vào rẫy để đốt, rất mất thời gian”.

Từ khi “Tổ thu gom rác thải sinh hoạt” của xã đi vào hoạt động, người dân đã ý thức hơn được việc giữ gìn vệ môi trường. Trên những con đường hầu như không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi, đảm bảo về cảnh quan và vệ sinh môi trường trong xây dựng NTM.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Sỹ Tùng, Chủ tịch UBND xã EaM’nang cho biết: “Năm 2014, được sự quan tâm của UBND huyện xã đã được quy hoạch bãi rác thải tập trung ở thôn 5, với quy mô gần 01 ha. Sau khi có bãi rác, xã đã tổ chức họp dân thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt, phương tiện vận chuyển là xe công nông. Lúc đầu, việc thu gom được làm điểm ở thôn 1 B, có khoảng trên dưới 100 hộ tham gia, đến nay được nhân rộng ra 4 thôn khác. Từ đó đến nay, tổ hoạt động khá hiệu quả, vấn đề ô nhiễm môi trường đã được giảm thiểu".

Một điểm nổi bật ở xã Ea M’nang nữa là đã quy hoạch và có quy chế sử dụng nghĩa trang. Trước đây nghĩa trang của xã chưa có quy chế sử dụng nên việc chôn cất của người dân trở nên lôn xộn, không theo hàng lối và quy cách, gây mất thẩm mĩ và lãnh phí diện tích đất. Đến nay, sau khi nghĩa trang được quy hoạch trên diện tích 2,3 ha theo hình thức công viên, cũng như có quy chế quản lý và sử dụng đã đảm bảo việc sử dụng đất tiết kiệm, hợp ký, có hiệu quả, đảm bảo cảnh quan môi trường…

Xã EaM’nang có 09 thôn, với 1.890 hộ, 8.971 nhân khẩu. Để hoàn thành tiêu chí về môi trường, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế địa phương, xã đã đề ra nhiều giải pháp và cố gắng triển khai thực hiện cho bằng được. Đến nay, xã đã hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng NTM. Đây cũng là địa phương thứ 8 của huyện đạt được tiêu chí này. Được biết năm 2017, xã là một trong 3 địa phương được huyện CưM’gar chọn về đích NTM.

 

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.