| Hotline: 0983.970.780

Em gái yêu người khiếm thị, tương lai có mờ mịt?

Thứ Hai 17/03/2014 , 10:46 (GMT+7)

Cô ơi, cháu phải làm sao thuyết phục em mình? Nó yêu và bị ngăn cấm, liệu có ôn thi nổi không cô?

Cô kính mến!

Cháu là con đầu lòng của gia đình chỉ có 3 chị em. Cháu đã ba mươi tuổi, có gia đình riêng của mình, vợ chồng yêu nhau, hạnh phúc. Em trai kế cháu cũng đã có gia đình, có công ăn việc làm nhưng hiện vẫn đang ở nhà thuê. Rồi chúng nó sẽ tích cóp và có cơ ngơi riêng, vì ba má cháu làm nông không có gì để hỗ trợ con, chúng cháu tự lập quen rồi.

Việc cháu cần đến cô liên quan đến em gái út của cháu. Nó vừa học xong lớp 12, năm ngoái thi trượt đại học, năm nay sẽ thi lần 2. Cháu đã xác định với ba má và chính mình, sẽ giúp em để nó có bằng cấp như anh như chị. Hiện nó đang ở chỗ vợ chồng cháu để ôn thi.

Nhưng cô ơi, không biết từ bao giờ, nó đem lòng yêu một cậu khiếm thị. Cô thấy có mờ mịt không cô? Chả là chỗ cháu gần trung tâm trị liệu bằng tẩm quất giác hơi, nó quen nhiều người trong đó và nó rất cảm phục họ. Chỗ này người ta lập ra cho người khiếm thị kiếm sống, có nam có nữ, có tới mấy đôi đã thành vợ thành chồng.

Cậu thanh niên mà em cháu yêu là con trai của một người có cửa hàng tạp hóa trong một khu chợ nhỏ. Hàng ngày có xe ôm đưa đón cậu ấy đi làm. Theo cháu tìm hiểu, cậu này không bị mù bẩm sinh mà do bệnh ban đỏ lúc 5 tuổi. Rất đáng thương đó cô.

Nhưng thương khác mà yêu lại khác. Nếu gắn bó đời mình với một người như vậy thì cầm chắc sẽ gian nan, lúc nào cũng phải làm tay vịn cho chồng, khi sinh và nuôi con thì chồng giúp được gì?

Cháu đã đối thoại xa gần và nhắc nó con đường mà nó đang mơ ước, tức là một tấm bằng sư phạm. Nhưng nó biết cháu không hài lòng, đã báo với ba má rồi xúm vào ngăn cản. Nó nói nó sẽ nghỉ thi, đi học nghề châm cứu bấm huyệt, cũng kiếm sống như ai. Cô thấy có kỳ cục không? Cậu khiếm thị của nó còn có tài lẻ là đàn ghi-ta rất hay, cháu chưa thấy ai có tiếng đàn có hồn như cậu ấy.

Cô ơi, cháu phải làm sao thuyết phục em mình? Ba má cháu làm sao sống nổi với hình dung đám cưới con gái út với một người mù hả cô? Có nên bắt nó về quê với lý do ba má già rồi ở một mình, nó phải lấy chồng ở quê để ôm đất nhà hương hỏa báo hiếu, giàu út ăn khó út chịu, đúng không cô?

Vả lại ở với vợ chồng cháu trong tâm thế yêu và bị ngăn cấm, liệu nó có ôn thi nổi không cô?

Mong cô dành thời gian giúp chị em cháu.

Cô giữ kín email giùm.

------------------

Cháu thân mến!

Có một quy luật kỳ diệu là trời lấy ở người ta một thứ thì trời lại cho một thứ khác. Nhất là những người khiếm thị, cơ hội sống của họ khó khăn gấp trăm ngàn lần những người khiếm thính hay mất chi.

Trong thế giới chỉ có ánh sáng mập mờ, triền miên như vậy, người ta luôn nhìn vào cõi lòng mình, nhìn và rèn luyện các giác quan. Thính giác, vị giác, kể cả thị giác tưởng là thui chột nhưng nó cũng sắc bén lên không ngờ. Rồi khứu giác và xúc giác nữa, rồi cả giác quan thứ sáu nữa chứ.

Cô thấy nhiều, rất nhiều những người khiếm thị tài năng. Nhiều người trong số đó là danh cầm như nghệ sĩ Văn Vượng. Không ít người là thầy giáo ngoại ngữ nữa chứ. Lại có người còn bắt mạch, bốc thuốc chữa bệnh cho người mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một đơn cử.

Như cháu thấy người mù mà em gái cháu yêu có ngón đàn hay một cách kỳ lạ. Nếu lâm vào cảnh cùng túng, nghĩa là hết cách, cậu ấy vẫn có thể là một ông thầy dạy đàn được.

Đội quân người khiếm thị đi làm tẩm quất bấm huyệt đông lắm. Có người còn khăn gói lên Sài Gòn học thêm tay nghề về huyệt đạo. So với người sáng mắt, công việc của họ có chiều sâu ở sự toàn tâm toàn ý. Vì vậy mà họ nuôi sống được bản thân, lấy vợ lấy chồng và nuôi con của họ y như mọi người.

Không có sự tuyệt vọng triệt để, cái gì cũng tương đối hết cả. Nói cho cùng, họ dễ có hạnh phúc lứa đôi vì khát vọng của họ dung dị, lành mạnh và chắc chắn là họ chung thủy.

Xem ra em gái cháu vừa có lòng trắc ẩn, vừa có tâm hồn cao rộng và cũng có sự kiêu hãnh của người có chính kiến. Tình yêu với người khiếm thị, ai sao không biết, với cô, điều đó đáng để ngưỡng mộ và vun xới. Một đôi khiếm thị mà còn hạnh phúc, huống chi ở đây chỉ có một người?

Chúng ta nên trân trọng những gì vượt khỏi sự khuôn mẫu, tầm thường. Chỉ ái ngại khi đám cưới, cô dâu khoác tay chàng rể quờ gậy. Nhưng khi chàng rể cất ngón đàn lên, chao ơi, chắc là trời nghiêng đất ngả.

Hãy tìm hiểu thêm, lắng nghe em gái rồi tin và yêu nó. Nó sẽ làm dâu một gia đình có công ăn việc làm, chồng cũng đâu có ăn bám vợ, cô hình dung em nó sẽ ổn và hạnh phúc. Còn mong muốn nào hơn? Rồi đứa con của nó, một sự kỳ diệu cho người cha bất hạnh của nó, trời thương rồi chứ gì nữa?

Hãy hình dung một cách tích cực, rộn ràng và đồng hành với lý tưởng sống cho lòng trắc ẩn, sống vì cái đẹp cao cả của em gái mình. Chỉ nhắc nó, tình yêu với người khiếm thị cần có chữ tín, đừng nông nổi rồi phụ phàng khiến người ta tuyệt vọng thêm, khi đó sẽ là thất đức, bất nhân.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất