| Hotline: 0983.970.780

Ép người nghèo

Thứ Hai 28/11/2011 , 10:09 (GMT+7)

"Đã nghèo mới phải vay tiền cho con đi học, thế mà còn bị ép nộp tiết kiệm cho tổ vay vốn mất 300.000 đồng..." - Ông Lê Cảnh Chương than thở...

Sổ vay vốn và phiếu gửi tiền tiét kiệm “tự nguyện” của ông Chương

Ông Lê Cảnh Chương, trú tại xóm 10, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) phàn nàn: Khổ thật! Đã nghèo mới phải vay tiền cho con đi học, thế mà còn bị ép nộp tiết kiệm cho tổ vay vốn mất 300.000 đồng.

Ông Chương phản ánh, khi ông không chịu nộp thì cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương bảo đó là điều kiện bắt buộc để quay vòng cho khoá sau nên cuối cùng ông cũng phải nộp. Khi ông Chương nộp tiền cho ông Lê Cảnh Đào, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) thì chỉ nhận được một tờ “phiếu theo dõi tiền gửi tiết kiệm của tổ viên số 330577” chỉ có chữ ký của ông Đào, không có dấu của cơ quan nào cả. Mức lãi suất được nhận chỉ 0,2%/tháng (lãi suất không kỳ hạn).

Được biết, ông Lê Cảnh Chương là một hộ cận nghèo, hiện có cháu Lê Đức Mạnh, năm học 2011 bắt đầu nhập học Trường Cao đẳng Kinh tế Nghệ An nên ông đã nộp “lệ phí” 20.000 đồng để làm các thủ tục vay vốn diện HS-SV cho con nhập học. Ngày 21/10/2011 được Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương giải ngân cho vay đợt đầu tiên 5 triệu đồng với mức lãi suất 0,65%/tháng và ngay lập tức ông phải nộp cho tổ TK-VV 300 nghìn đồng tiền huy động tiết kiệm ban đầu.

Chúng tôi kiểm tra thêm tại thôn Khai Tiến xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Ông Lê Văn Đường, một người dân ở đây cho biết, cháu Lê Văn Trung (con ông Đường) cũng đang theo học Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vinh. Ngày 12/10/2011 được Ngân hàng CSXH giải ngân cho vay 5 triệu đồng. Nhận tiền xong, ông Đường cũng phải miễn cưỡng nộp cho tổ trưởng vay vốn 200.000 đồng tiết kiệm.

Trước đó, một một độc giả báo NNVN (giấu tên) ở huyện Đô Lương gọi điện thoại cho chúng tôi, bày tỏ sự bức xúc khi ông bị ép phải “tự nguyện” gửi tiết kiệm qua tổ vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện Đô Lương số tiền 100.000 đồng khi nhận món vay cho con đi học đại học.

Vừa qua, chúng tôi có cuộc làm việc với ông Lê Hữu Sửu, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương, và được biết: Việc Ngân hàng CSXH cấp huyện triển khai huy động tiết kiệm của HSSV thông qua tổ TK-VV là căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam (Hướng dẫn số 244/NHCS-KH, ngày 18/02/2009) hướng dẫn nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn. Mức lãi suất huy động không kỳ hạn (0,2%/tháng). Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương thực hiện Hướng dẫn này từ năm 2010 đến nay. Năm 2010, chúng tôi đã huy động từ nguồn này được 520 triệu đồng. Năm 2011, kế hoạch giao 3,22 tỷ đồng (cả luỹ kế), đến thời điểm này chúng tôi đã thực hiện được 2,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đọc kỹ Hướng dẫn 244 nói trên của Ngân hàng CSXH Việt Nam thì thấy việc huy động tiết kiệm của người nghèo chỉ áp dụng cho số tiền nhàn rỗi ít ỏi của các hộ nghèo (nếu có), còn các chi nhánh Ngân hàng CSXH cấp huyện ép các hộ được Ngân hàng CSXH giải ngân cho HS-SV vay để học tập “tự nguyện” trích ra một phần để gửi tiết kiệm theo hướng dẫn nói trên là không thoả đáng.

"Từ năm 2010, Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH được Thủ tướng cho phép thu lãi đối với những hộ có điều kiện và tự nguyện trả lãi nên số lãi thu được từ nguồn vốn cho HS-SV vay nên tỉnh Nghệ An đã thu được trên 60 tỷ đồng. Hiện số dư nợ nguồn vốn cho HS-SV vay tại Nghệ An đang ở mức 2.326 tỷ đồng. Trong đó có 5 huyện có số dư nợ lớn trên 200 tỷ đồng là Đô Lương (202 tỷ), Thanh Chương (212 tỷ), Diễn Châu (264 tỷ), Yên Thành (268 tỷ) và Quỳnh Lưu (287 tỷ)", ông Lê Xuân Tỵ, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An, cho biết.

Xin được nhắc lại rằng mục đích huy động mà văn bản này đưa ra là: “Ngân hàng CSXH tổ chức huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo nhằm từng bước tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có và quen dần với hoạt động tín dụng và tài chính; đồng thời bổ sung thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần giảm nghèo tại địa phương”. Nguyên tắc huy động khoản tiết kiệm này cũng phải theo hình thức tự nguyện, người gửi tiền được gửi và rút tiền tiết kiệm theo nhu cầu.

Một điểm nữa làm các hộ vay vốn HS-SV bức xúc là ngoài việc họ bị ép phải trích từ số tiền vay cho con cái đi học để gửi vào khoản tiết kiệm này, họ còn bị “bóc” mất khoản lãi suất 0,45%/tháng (0,65 - 0,2%) một cách vô lý. Theo Hướng dẫn 244 thì “lãi suất tiền gửi tiết kiệm áp dụng một loại lãi suát tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Mức lãi suất cụ thể giao Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, thành phố quyết định căn cứ vào mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn”.

Được biết, trong thời điểm hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đang áp dụng lãi suất huy động không kỳ hạn là 6%/năm (0,5%/tháng) thì không hiểu sao các Ngân hàng CSXH ở Nghệ An lại áp dụng mức lãi suất không kỳ hạn cho các hộ vay vốn mức 2,4%/năm (0,2%/tháng)? Đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An kiểm tra lại và có biện pháp xử lý.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất