| Hotline: 0983.970.780

EU cảnh báo sẽ trừng phạt Anh về Brexit

Thứ Năm 08/02/2018 , 11:05 (GMT+7)

Quan chức Liên minh châu Âu (EU) hôm qua đã lên tiếng cảnh báo Vương quốc Anh sẽ đối diện với khả năng bị cắt quy chế tiếp cận thị trường chung nếu vi phạm những quy định trong quá trình Brexit.

Thông tin này loan đi sau đúng một ngày Thủ tướng Anh Theresa May có ý định đưa London rời khỏi liên minh hải quan EU.

Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk

Hãng AFP dẫn nguồn tin từ Brussels cho biết, trong khuôn khổ kế hoạch được EU nhất trí ngày 6/2, EU có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn ngừa London vi phạm những quy định của EU trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh rời khỏi EU.

Theo đó, điều khoản trừng phạt dự kiến sẽ sớm được công bố và có thể trở thành vấn đề nổi cộm khi các cuộc đàm phán về Brexit được nối lại tại trụ sở EU ở thủ đô Brussels (Bỉ). Văn bản kêu gọi thiết lập cơ chế cho phép EU có quyền đình chỉ một số lợi ích mà phía Anh có được khi tham gia vào thị trường chung châu Âu. Việc tham gia vào thị trường chung châu Âu cho phép Anh tiếp tục giao thương mà không phải chịu thuế, cũng như kiểm soát hải quan trong giai đoạn chuyển tiếp, đồng thời cũng cho phép công dân Anh tiếp tục sống và làm việc tại bất kỳ nước thành viên nào của EU.

Theo đề xuất mới của châu Âu, sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt nếu xét thấy việc trình vấn đề liên quan lên Tòa án Công lý châu Âu sẽ không đủ thời gian cần thiết. Trên nguyên tắc thì các tranh chấp giữa EU và Anh trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ được Tòa án Công lý châu Âu thụ lý.

Tuy nhiên, việc tiến hành các thủ tục pháp lý tại tòa thường mất rất nhiều thời gian và một khả năng có thể xảy ra là vào cuối giai đoạn giải quyết tranh chấp, London sẽ không còn liên quan tới luật châu Âu nữa do giai đoạn chuyển tiếp đã kết thúc. Và đây được cho là lý do khiến EU phải đưa ra dự thảo mới về thỏa thuận chuyển tiếp nhằm cho phép khối này giành quyền chủ động trong thực hiện "thỏa thuận ly dị" với nước Anh.

Trước đó, Anh và EU đã ký một thỏa thuận tạm thời vào tháng 12 về ba vấn đề then chốt của Brexit, đó là thanh toán nghĩa vụ tài chính, đường biên giới Ireland và quyền của các công dân hậu Brexit. Các cuộc đàm phán mang tính kỹ thuật diễn ra tuần này tại Brussels chủ yếu xoay quanh các kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp kéo dài trong 21 tháng, trong khi vấn đề đường biên giới giữa tỉnh Bắc Ireland của Anh và CH Ireland (nước thành viên của EU) cũng một lần nữa được hai bên đưa ra xem xét.

EU và Anh hy vọng có thể thống nhất được với nhau về giai đoạn chuyển tiếp từ nay đến cuối tháng Ba trước khi chuyển sang thảo luận về mối quan hệ tương lai, trong đó có thỏa thuận về thương mại. Tuy nhiên hiện giữa hai bên đã xuất hiện bất đồng trên vấn đề các công dân EU chuyển tới Anh sau thời điểm Brexit nhưng vẫn trong giai đoạn chuyển tiếp có được hưởng cùng các quyền với những người đã chuyển sang Anh trước đó hay không.

Theo kế hoạch, nước Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 29/3/2019 nhưng sẽ vẫn ở lại thị trường chung trong giai đoạn chuyển tiếp được dự kiến sẽ kéo dài đến cuối năm 2020.

Trước đó hồi cuối năm 2017, ông Guy Verhofstadt, điều phối viên về vấn đề Brexit của Nghị viện châu Âu cho rằng, Thủ tướng Anh Theresa May cần đưa ra sự nhượng bộ lớn hơn với EU và phác thảo cái gọi là thỏa thuận thương mại. Hiện các nhà lãnh đạo EU cũng đang yêu cầu những cam kết chi tiết của Anh về chi phí cho Brexit trước khi chấp nhận bắt đầu tiến hành đàm phán về vấn đề thương mại vì lo ngại rằng khi Anh rời EU vào năm 2019 sẽ gây ra “lỗ hổng” trong ngân sách của EU.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất