| Hotline: 0983.970.780

FAO luôn quan tâm VSATTP tại Việt Nam

Thứ Sáu 04/04/2014 , 10:03 (GMT+7)

Trong năm 2014, chắc chắn FAO sẽ triển khai thêm 1 dự án về an toàn thực phẩm ở Việt Nam.

Ông Daniele Salvini (ảnh), cán bộ Chương trình Quốc gia Cấp cao của FAO (Tổ chức Nông Lương thực Liên Hợp Quốc) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sang thăm Văn phòng đại diện FAO tại Hà Nội từ ngày 23/3 đến ngày 4/4. Mục đích nhằm xem xét lại chương trình hoạt động tại quốc gia, khung chương trình quốc gia, cơ cấu văn phòng đại diện, và cung cấp hỗ trợ theo yêu cầu.

17-47-25_dniel

Ông Salvini có 29 năm kinh nghiệm làm việc cho FAO, đã đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau tại 25 quốc gia ở Châu Âu, Nam Mỹ, Châu Phi, và Châu Á-Thái Bình Dương. Ông là cán bộ điều phối của Nhóm Chương trình Quốc gia của Văn phòng FAO Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và quản lý các hoạt động hỗ trợ vận hành cho tất cả các nước thành viên của FAO nằm trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.

Nhân dịp này, NNVN đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông về các vấn đề liên quan đến dự án nông nghiệp tại Việt Nam.

Thưa ông Daniele, ông có thể đưa ra đánh giá gì sau chuyến thăm 5 ngày tới Việt Nam nhằm kiểm định lại sự hiệu quả của các dự án do FAO tài trợ, cũng như các dự án cần thêm sự hỗ trợ?

Nhiệm vụ của tôi trong chuyến đi 5 ngày tới Việt Nam nhằm đánh giá và xem xét những chương trình đang thực hiện, kiểm tra các dự án gặp phải những khó khăn gì và đưa ra lời khuyên hay gợi ý, cũng như xem dự án nào cần có thêm hỗ trợ về mặt tài chính, từ đó, những chương trình đó có thể được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Tôi tới đây với tư cách đơn thuần là một người đại diện, chứ không phải là người giám sát hay là chuyên gia về kĩ thuật. Mặt khác, tôi tới đây như là một trong những thành viên của cộng đồng các nhà tài trợ.

Có thể nói, FAO rất quan tâm tới cộng đồng các nhà tài trợ và thiết lập những mối quan hệ chung mà các bên đều có lợi. Tôi cũng tới để thông qua và xem xét các chương trình ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam đang quan tâm, điều quan trọng là phải thiết lập những nền tảng cơ bản về các nghiên cứu cụ thể về những vấn đề đó cho Chính phủ.

Mục đích tiếp của tôi là gặp các nhân viên Chính phủ, trên thực tế, tôi đã có những buổi họp và thảo luận rất hữu ích với nhiều nhân viên chuyên về khoa học nông nghiệp, khoa học công nghệ. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục cũng như đẩy mạnh hỗ trợ họ trong những dự án liên quan tiếp theo.

Sau khi xem xét và đánh giá, ông nhận thấy, dự án nào do FAO tài trợ ở Việt Nam hoạt động hiệu quả nhất?

Đó chính là dự án “Hỗ trợ kỹ thuật công tác điều phối và thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

Các chuyên gia của FAO đã cung cấp thông tin và tăng cường năng lực của cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới thông qua các khóa học ngắn hạn, các khóa học từ xa và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. Hầu hết các khóa học đó đều liên quan đến tổ chức quản lý, lập kế hoạch chiến lược, quản lý tài chính, đối tác công – tư, thị trường.

Chắc ông đã biết rằng, vấn đề “thời sự” nhất ở Việt Nam hiện nay là vệ sinh an toàn thực phẩm. FAO có tiếp tục đẩy mạnh các dự án về vấn đề này tại Việt Nam trong thời gian tới?

Tôi nghĩ, hầu hết các nhà tài trợ và FAO đều quan tâm tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi đã có 2 dự án liên quan đến vấn đề rất thời sự ở Việt Nam này. Chúng tôi cũng có văn phòng rất mạnh gồm nhiều chuyên gia hiểu biết kĩ thuật và chuyên môn của vấn đề này ở Bangkok, Thái Lan.

Ngoài ra, trong năm 2014, tôi chắc chắn FAO sẽ triển khai thêm 1 dự án về an toàn thực phẩm ở Việt Nam.

Theo ông, khó khăn nhất cho các dự án đang được thực hiện tại Việt Nam là gì?

Nhìn chung, khó khăn nhất đến từ vấn đề khủng hoảng kinh tế, vì vấn đề này mà các nguồn tiền đều bị các nhà tài trợ cắt giảm ít đi. Do vậy, chúng tôi phải tính toán lại mọi nguồn chi phí và cân nhắc mức độ đầu tư vào các dự án khác nhau.

Do đó, tôi phải nắm rõ các vấn đề ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam đang quan tâm, từ đó, các khoản tiền mới được đầu tư đúng vào các dự án đang cấp bách và thiết thực.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

FAO tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã thành lập 15 văn phòng đại diện trực thuộc các trưởng đại diện FAO tại Afghanistan, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, CHDCND Lào, Myanmar, Nepal, Pakistan, Việt Nam, Philippin, Samoa, Sri Lanka và Đông Timor.

Năm 2013, FAO ở cấp quốc gia đã hợp tác với các nước thành viên và các đối tác nguồn thực hiện 358 dự án với tổng ngân sách 138.660.000 USD. Các dự án của FAO bao trùm rất nhiều lĩnh vực như: tăng cường an ninh lương thực; cải thiện dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; hoàn thiện công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, rừng; cải tiến chăn nuôi gia súc và nâng cao năng suất; biến đổi khí hậu; nông nghiệp thích ứng thông minh; chiến lược và sản lượng sản xuất lúa gạo; tăng cường khả năng phục hồi trước thiên tai; thống kê và chính sách nông nghiệp; các dự án khẩn cấp ứng phó với thiên tai và bệnh động vật xuyên biên giới.

Tại thời điểm cuối tháng 3 năm 2014, có 69 dự án của FAO đang được thực hiện tại Việt Nam, trong số đó 35 dự án Việt Nam chỉ tham gia một phần (các dự án toàn cầu, liên vùng, và vùng), và 34 dự án còn lại là dự án quốc gia, hoàn toàn dành để hỗ trợ cho các chiến lược và ưu tiên phát triển của Việt Nam. Tổng giá trị toàn cầu của các dự án này là 26.751.366 USD.

 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất