| Hotline: 0983.970.780

FOMOSA - Dấu ấn đầu tư trên đất Hà Tĩnh

Thứ Hai 02/08/2010 , 09:51 (GMT+7)

Đã hơn 2 năm “neo đậu” nơi miền xứ lạ này, FOMOSA Đài Loan đã làm nên kỳ tích lớn bằng quyết định đầu tư vào Hà Tĩnh dự án Khu liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương với số vốn đầu tư lên đến 7,8 tỷ USD.

Dân trồng rau sạch trong khu tái định cư mới.
Tập đoàn FOMOSA Đài Loan đã cưỡi sóng vượt đại dương đến “neo đậu” nơi bến cảng Sơn Dương nước sâu thuộc KCN Vũng Áng Hà Tĩnh. Người Hà Tĩnh có câu: “Đất lành chim đậu”. Đã hơn 2 năm “neo đậu” nơi miền xứ lạ này, người Đài Loan đã làm nên kỳ tích lớn bằng quyết định đầu tư vào Hà Tĩnh dự án Khu liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương với số vốn đầu tư lên đến 7,8 tỷ USD.

Với chủ trương trải thảm đỏ thu hút đầu tư, những năm gần đây, Hà Tĩnh đã thu hút được hàng loạt dự án lớn với tổng số vốn lên đến hàng chục tỷ USD. Năm 2008, Hà Tĩnh là tỉnh đứng đầu toàn quốc về thu hút vốn FDI. Trong số các dự án lớn đầu tư vào Hà Tĩnh, dẫn đầu là dự án Khu liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương. Với số vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến 7,8 tỷ USD, dự án này là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay vào Việt Nam.

Khi đặt chân đến Khu kinh tế Vũng Áng Hà Tĩnh, ngài Ngưu Tuấn Phát đại diện của Tập đoàn FOMOSA tại Hà Tĩnh đã thốt lên: Vị trí địa lý nơi đây quả thật là thuận lợi, phong cảnh rất hữu tình. Đặc biệt, có diện tích đất liền rộng tới hàng ngàn ha, vươn ra biển đông. Bên cạnh đó, ưu thế đối với cảng Sơn Dương là có độ sâu đến 27 mét, thuận tiện cho các loại tàu tải trọng lớn cập bến. Đặc biệt, khu vực cảng Sơn Dương còn có đảo Sơn Dương, một hòn đảo đẹp nổi tiếng còn nguyên sơ. Người Hà Tĩnh khoẻ mạnh, cần cù, thông minh, nhân hậu, tình cảm dạt dào, nguồn nhân lực dồi dào… Các yếu tố đó đã thực sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư và Tập đoàn chúng tôi quyết định đầu tư bằng được các dự án tới đây.

Một góc tái định cư Kỳ Liên.
Để bàn giao mặt bằng với diện tích đất lên đến gần 2.000 ha cho dự án, hai năm nay, Hà Tĩnh đã tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách hết sức quyết liệt. Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã cử ông Võ Kim Cự, UVBTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) làm “tổng tư lệnh” trên mặt trận GPMB dự án này.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nên đến thời điểm này Hà Tĩnh cơ bản hoàn thành việc bồi thường GPMB và đã bàn giao cho dự án 1.700ha, số ít diện tích còn lại sẽ được bàn giao cho nhà đầu tư trước 30/8/2010. Được biết, đến nay, 100% số hộ thuộc diện di dời đã nhận đất tái định cư trong tổng diện tích 377 ha với 4.212 lô đất ở 5 khu TĐC và có 1.785 hộ dân đã và đang làm nhà trên các khu TĐC này. Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng quy hoạch 5 khu nghĩa trang có tổng diện tích 33,2 ha cho 37.200 ngôi mộ, và đã tiếp nhận 8.752 ngôi mộ được di chuyển từ vùng dự án lên. Tổng giá trị khối lượng của các tiểu hợp phần trong GPMB, TĐC đến 31/7/2010 ước đạt 3.570.303 triệu đồng.

Thi công đường chính hướng Đông - Tây.
Về phía tập đoàn Formosa, đến thời điểm hiện tại đã quy hoạch chi tiết các hạng mục công trình của dự án, kinh phí đầu tư 85.280.374 USD; chuyển giao kỹ thuật và bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, kinh phí 7.309.034 USD; Đầu tư các hạng mục gồm đo đạc, khoan thăm dò địa chất, thiết kế tổng thể khu Nhà máy gang thép, khu cảng; đắp tuyến đê xung quanh khu đất dự án để phục vụ việc hút cát san lấp mặt bằng tại khu cảng Sơn Dương; Hoàn thành khoan thăm dò địa chất công trình 36 lỗ trên đất liền và 54 lỗ trên biển; thi công đắp được 4,19/5,17 km các tuyến xung quanh khu đất dự án để phục vụ việc hút cát san lấp mặt bằng; san ủi phần đất tại vị trí tập kết nguyên vật liệu làm cảng Sơn Dương; thi công đường nối từ QL 1A đi qua phần đất Formosa xuống cảng Sơn Dương; thi công xây dựng khu ký túc xá cho chuyên gia, công nhân của dự án; xây 02 ngôi trường cao tầng tặng xã Kỳ Long và Kỳ Liên; khảo sát thiết kế để thi công đường ống cấp nước cho dự án từ Hồ chứa nước Thượng nguồn Sông Trí (Kỳ Anh)… với tổng kinh phí 195.694.755 USD. Hiện Tập đoàn FOMOSA đang tích cực nghiên cứu lập dự án Nhà máy lọc hoá dầu 16 triệu tấn/năm; đã báo cáo Dự án lần thứ nhất với UBND tỉnh Hà Tĩnh; đang nghiên cứu, hoàn thiện Dự án trình Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét thẩm định.

Đến thời điểm này, Tập đoàn đã chuyển 68,5 tỷ đồng tiền thuê đất đợt 1 và đang làm thủ tục chuyển tiếp cho tỉnh Hà Tĩnh ứng trước 30 triệu USD tiền thuế để tiếp tục xây dựng hạ tầng các khu tái định cư, (số tiền trên sẽ được chuyển vào đầu tháng 8/2010). Tập đoàn đã ký liên kết với Trường Đại học Hà Tĩnh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh khai giảng lớp bồi dưỡng kỹ sư thực hành cho 35 kỹ sư để phục vụ dự án; đã ký hợp đồng với nhà thầu về việc cung cấp thiết bị trị giá 3,5 tỷ USD...

Văn bản gửi Chính phủ và UBND tỉnh khẳng định không có việc vay vốn từ ngân hàng Việt Nam.
Về phần vốn, trong công văn gửi Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 31/7/2010, do ông Ngưu Tuấn Phát ký, ghi rõ: “Nguồn vốn của Tập đoàn rất vững mạnh. Nguồn vốn tự có có thể đầu tư hoàn thành dự án “Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương” nhưng nguồn vốn của Tập đoàn thuộc hành vi tất yếu trong kinh doanh, đồng thời nguồn vốn đầu tư dự án này sẽ không vay các nguồn vốn trong nước Việt Nam mà chỉ vay từ các Ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các Ngân hàng nổi tiếng khác trên thế giới như: Ngân hàng Hối Phong (HSCB Bank), City Bank (Mỹ), ngân hàng Pháp… chứ không sử dụng đến nguồn vốn các ngân hàng Việt Nam”.

Kể từ khi dự án đầu tư của Tập đoàn FOMOSA về trên đất Kỳ Anh, cuộc sống nơi đất cằn đá sỏi, nơi chảo lửa túi mưa này như tiếp nhận luồng sinh khi mới tràn trề sức sống mới. Đất nông nghiệp SX kém hiệu quả được chuyển đổi thành khu công nghiệp và cuộc sống mỗi người dân nơi đây sẽ mau chóng hoà vào sức sống công nghiệp. Cùng với hàng loạt nhà đầu tư đang ào ào đầu tư vào Vũng Áng, tin rằng tương lai không xa nơi đây sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp làm bừng sáng lên cả dải đất miền Trung.

Về tiến độ đầu tư, ông Ngưu Tuấn Phát cho biết: “Trước mắt số diện tích đất phía Hà Tĩnh chưa bàn giao hết cho chủ đầu tư nên phía đầu tư chưa thể triển khai đồng loạt được các hạng mục liên quan. Hiện công ty đang cùng với lãnh đạo các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh tập trung giải quyết vấn đề đất đai, khi xong, chủ đầu tư sẽ tiến hành triển khai đồng loạt các công trình”. Phấn đấu đến tháng 9/2010 sẻ bắt tay thi công hút cát san nền, thi công đê trong phía bắc, đê đông nam, thi công bến tàu và dịch vụ hậu cảng, thi công giai đoạn đầu tuyến sau bến tàu tây. Từ tháng 1/2011 sẻ bắt đầu chế tạo giếng chìm, thi công bến tàu Nam. Từ tháng 7/2011 thi công đê ngoài phía bắc, đê biển đông bãi xỉ 1, hoàn thành bến tàu Nam, thi công đường ống dẫn nước ngầm nhà máy thép, triển khai thi công đường ống dẫn nước và nhà máy điện vào tháng 1/2011

Khu gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương do Tập đoàn Formosa đầu tư trong giai đoạn 1 bao gồm nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm, cảng nước sâu Sơn Dương công suất 30 triệu tấn hàng hoá mỗi năm. Qua tìm hiểu được biết, thời gian thực hiện giai đoạn 1 khu gang thép là 4 năm, cảng là 3 năm. Khi đi vào hoạt động, khu liên hợp gang thép trở thành một trong những liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp khoảng 7,5 triệu tấn thép mỗi năm, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động.

Ông Ngưu Tuấn Phát cho hay: Giai đoạn 2, chúng tôi sẽ đầu tư thêm hơn 8 tỷ USD nhằm nâng công suất nhà máy thép lên 15 triệu tấn/năm và công suất cảng lên 60 triệu tấn/năm, tàu có trọng tải từ 200.000 đến 300.000 tấn có thể vào ra cảng Sơn Dương dễ dàng.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất