| Hotline: 0983.970.780

Gà đặc hữu thế giới

Thứ Hai 31/10/2011 , 09:38 (GMT+7)

Gần một thế kỷ qua, chưa có một quốc gia nào trên thế giới phát hiện ra loài gà lôi lam mào trắng, trừ Việt Nam.

Bộ trưởng Cao Đức Phát (thứ 2 từ phải sang) thăm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trong một lần đến thăm Quảng Trị, khi ngang qua Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, nhìn thấy logo Khu bảo tồn là hình ảnh con gà lôi lam mào trắng, Bộ trưởng rất tự hào và lấy làm thú vị. Bởi gần một thế kỷ qua, chưa có một quốc gia nào trên thế giới phát hiện ra loài gà đặc hữu này, trừ Việt Nam.

Sau Jean de lacour là Lê Văn Quý

Câu chuyện gà đặc hữu thế giới đưa chúng ta trở về giai đoạn cách đây hơn 80 năm. Vào năm 1923, nhà điểu học người Pháp Jean de lacour đã mang về từ Quảng Trị 4 cá thể trống và mái thuộc họ trĩ, bộ gà và ông đặt tên cho chúng là gà lôi lam mào trắng, tên khoa học Lophura edwardsi. Đến năm 1929, các nhà khoa học trên thế giới đã nhiều lần đến rừng Quảng Trị để săn lùng loại gà này nhưng đã thất bại. Họ cho rằng chúng đã bị tuyệt chủng ở ngoài thiên nhiên trên toàn thế giới.

Sau ngày đất nước giải phóng, giáo sư Võ Quý, nhà khoa học hàng đầu về chim trĩ đã nhiều lần vào Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tìm kiếm gà lôi lam mào trắng nhưng cũng không có kết quả. Như vậy suốt thời gian gần một thế kỷ kể từ năm 1929, chưa một quốc gia nào trên thế giới phát hiện ra loài gà này.

Để bảo tồn loài gà quý, năm 1994, Hội Chim trĩ thế giới tặng vườn thú Hà Nội hai cặp gà lôi lam mào trắng được nhân nuôi ở châu Âu, với hy vọng sẽ phát triển và trả lại chúng về “quê nhà”. Trong thời gian này ở Việt Nam có hẳn cuộc hội thảo mang tầm quốc gia về bảo tồn loài trĩ và gà lôi lam mào trắng.

Quá bất ngờ vì gà lôi lam mào trắng từng có mặt ở Quảng Trị, ông Lê Văn Quý - Phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị, luôn trăn trở với câu hỏi, phải chăng giống gà này bây giờ vẫn còn tồn tại trong các cánh rừng? Cuộc đời của ông Quý đã nhiều lần gắn bó với những loài muông thú, động vật quý hiếm nhưng chưa khi nào ông bị cuốn hút vào vòng đam mê như chuyện gà lôi lam mào trắng. Nhiều chuyến mải mê đi tìm kiếm, tối nằm ngủ ông mơ thấy gà lôi lam mào trắng bay về đậu quanh mình, song khi tỉnh lại chỉ là một giấc mơ mà thôi.

Chưa phát hiện ra gà lôi lam mào trắng, ông Quý xem công việc như chưa hoàn thành. Thế là ông lại tiếp tục mang ba lô lên đường tìm đến các bản làng dân tộc. Gặp bà con, ông đưa ảnh gà lôi lam mào trắng ra và chỉ hỏi mỗi câu: “Có thấy loài gà này đang sinh sống?”. Nhận được câu trả lời hay không ông vẫn cung cấp cho bà con địa chỉ của mình. “Để rồi, mỗi lần nghe chuông điện thoại reo, hay có người lạ tìm đến là tôi cứ nghĩ có thông tin mới về gà lôi lam mào trắng từ người dân báo về",  ông Quý nhớ lại.

Hết năm này đến năm khác trôi qua chẳng thấy tin tức gì về gà lôi lam mào trắng nhưng lòng say mê khoa học mãi hối thúc ông cứ tiếp tục đi tìm nó bằng một sự kiên trì, nhẫn nại hiếm có. Có lần, ông cùng các nhà khoa học lội bộ suốt mấy ngày giữa rừng để mong tìm cho được dấu vết của giống gà này.

Rồi may mắn đoàn đã phát hiện được những bằng chứng nhỏ của gà lôi lam mào trắng trên những vùng bìa rừng mà chúng vừa đi qua để kiếm ăn. Ông Quý lại kỳ vọng vào một ngày gần nhất được tận mắt nhìn thấy con gà lôi lam mào trắng hiện hữu ngoài thiên nhiên.

Cho đến một hôm cách đây 15 năm. Đó là ngày 30/12/1996, ông Lê Văn Quý vừa dừng chiếc xe máy cà tàng trước trụ sở cơ quan Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, rồi chạy tìm anh Cao Đăng Việt, cán bộ phòng bảo tồn của Chi cục để khoe một thứ mà ông Quý đinh ninh là báu vật của rừng Quảng Trị.

 Ông Quý xách chiếc bao tải rồi kéo anh Việt ra phía sau nhà làm việc, tay run run mở bao tải nói: “Anh xem có phải gà lôi lam mào trắng đây không?". Vừa nhìn thấy con gà, anh Việt reo lên: “Đúng, nó đây rồi". Thì ra, trong khi đi tìm gà lôi lam mào trắng, ông Quý đã phát hiện và mua lại con gà trống này cùng con gà mái từ một người buôn bán động vật tươi sống bẫy được ở bản Keng, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, với giá bằng một nửa chỉ vàng. Do mắc bẫy dẫn đến bị thương nặng nên con gà mái đã chết ngay tại chỗ. 

Con gà lôi lam mào trắng được phát hiện tại rừng Quảng Trị

Như vậy, sau gần 70 năm, trên thế giới sau Jean de lacour là ông Lê Văn Quý - Phó Chi cục Kiểm Lâm Quảng Trị, là người phát hiện sự trở lại của gà lôi lam mào trắng ở ngoài thiên nhiên. Loài gà này có trọng lượng trung bình từ 1 đến 1,5kg/con. Đặc biệt phía trên đầu có mào màu trắng, là loài đặc hữu.

Rất đáng tự hào

Ngay tức khắc, con gà lôi lam mào trắng trở thành vật chứng sống duy nhất của thế giới sau gần 70 năm vắng bóng ngoài thiên nhiên. Trong thời gian nuôi nhốt tại Chi cục, Kiểm lâm Quảng Trị đã thông báo cho các nhà khoa học trong và ngoài nước biết về thông tin gà lôi lam mào trắng được phát hiện trở lại ở rừng Quảng Trị.

Để bảo vệ báu vật này, ngành Kiểm lâm đã cấp một giấy phép vận chuyển đặc biệt cùng một chiếc ô tô đưa con gà cực kỳ quý hiếm ra bảo tồn tại vườn thú Hà Nội. Lúc ấy đích thân ông Đặng Gia Tùng - Phó Giám đốc Vườn thú Hà Nội vào Quảng Trị để tiếp nhận con gà.

Tin vui loan đi nhanh, nhưng các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa đồng ý con gà lôi lam mào trắng vừa được ông Quý phát hiện là mẫu vật sống ở ngoài thiên nhiên. Thế là, một mẫu gen của con gà được mang qua Thuỵ Sĩ để phân tích. Cuối cùng, các nhà khoa học thế giới đã công nhận mẫu vật sống ấy chính xác là gà lôi lam mào trắng. Quảng Trị là địa bàn duy nhất trên thế giới còn gà lôi lam mào trắng sinh sống ở ngoài thiên nhiên. Bản đồ về phân bổ gà lôi lam mào trắng của thế giới đã được vẽ lại.

Chuyện con gà lôi lam mào trắng đã nhanh chóng trở thành vấn đề của quốc gia. Nhiều lần lãnh đạo tỉnh Quảng Trị ra công tác ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ cũng động viên Quảng Trị sớm xúc tiến thành lập khu bảo tồn gà lôi lam. Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế Birdlife International phối hợp với Viện Điều tra quy hoạch rừng và Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị tiến hành điều tra khảo sát đa dạng sinh học ở rừng Đakrông, nơi vừa phát hiện loài gà này.

Bây giờ, đi qua đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đoạn km 10 có Ban quản lý Khu bảo tồn với mấy chục chiến sĩ kiểm lâm làm nhiệm vụ giữ gìn báu vật không những chỉ riêng của Việt Nam mà còn cả thế giới. Cuộc chiến gìn giữ báu vật này tuy gian nan nhưng cũng rất vinh dự. Trong niềm vui đáng tự hào ấy, công lao của ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị là không nhỏ.

Các tổ chức khoa học và chuyên môn xác định vùng rừng Đakrông là nơi có môi trường tốt để tạo cơ hội cho gà lôi lam mào trắng phát triển trở lại. Từ khi phát hiện con gà đầu tiên vào năm 1996 thì đến các năm tiếp theo Kiểm lâm Quảng Trị còn phát hiện thêm 4 cá thể gà này nữa. Việc bảo vệ những báu vật gà lôi lam mào trắng là vô cùng gian nan, phức tạp. Công việc cấp thiết là phải xây dựng được khu bảo tồn nhằm bảo vệ sinh cảnh cho loài gà lôi đặc hữu thế giới sinh sống được kiểm lâm Quảng Trị xúc tiến làm.

Được sự giúp đỡ, động viên của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Quảng Trị, dự án xây dựng “Khu bảo tồn sinh cảnh rừng thấp miền Trung và quần thể gà lôi lam mào trắng” đã được Trung ương phê duyệt. Khu bảo tồn tuy có diện tích không lớn nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì đây là khu bảo tồn duy nhất trên thế giới bảo tồn gà lôi lam mào trắng.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm