| Hotline: 0983.970.780

Gà đồi Nho Quan

Thứ Năm 12/12/2013 , 10:13 (GMT+7)

Đã có một dự án lớn nhằm phát triển gà ri Cúc Phương tiến tới xây dựng thương hiệu "Gà đồi Nho Quan".

Gà ri Cúc Phương từ lâu đã trở thành con nuôi đặc sản của huyện Nho Quan (Ninh Bình). Nhưng vì thị trường chưa biết đến nên người chăn nuôi vẫn phải tự sản tự tiêu. Đã có một dự án lớn nhằm phát triển gà ri Cúc Phương tiến tới xây dựng thương hiệu "Gà đồi Nho Quan" .

4.000 gà giống đến với nông dân

Ông Nguyễn Văn Phú, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan cho biết: Với lợi thế đất đai rộng, mật độ dân số thưa và địa hình chủ yếu là đồi gò, nông dân Nho Quan có truyền thống nuôi gà thả đồi từ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu vẫn SX nhỏ lẻ (khoảng 100 con trở xuống) phục vụ nhu cầu giết mổ tại gia là chính. 

Để khuyến khích người chăn nuôi mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng đàn gà và hướng tới xây dựng thương hiệu riêng của giống gà bản địa, Sở NN-PTNT Ninh Bình đã phối hợp với UBND huyện Nho Quan thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi Cúc Phương theo hướng VietGAP, giai đoạn 2013 - 2016”.

Sau nhiều lần khảo sát, nghiên cứu thực tiễn, tỉnh và huyện đã chọn Cúc Phương là đơn vị thực hiện mô hình điểm của dự án bởi: Thứ nhất, nhờ có Vườn Quốc gia Cúc Phương; các resort, khu tắm nước khoáng và khí hậu trong lành, mỗi năm xã đón hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng tại địa phương rất phát triển. Một trong những món ăn đặc sản được du khách ưa chuộng là gà ri Cúc Phương, bởi chất lượng thịt thơm ngon hiếm nơi nào sánh được.

Thứ hai, tổng diện tích tự nhiên của xã Cúc Phương là 12.737 ha (chủ yếu là địa hình gò đồi); dân số thuộc loại thấp (3.100 người) nên có không gian rộng lớn để phát triển chăn nuôi theo hướng quảng canh hoặc bán công nghiệp. Trên địa bàn xã hiện đang có khoảng 45 hộ chuyên nuôi gà đồi Cúc Phương với số lượng đàn từ 100 con trở lên, trong đó điển hình nhất là trang trại gà của ông Đinh Văn Mậu với quy mô nuôi 1.000 con.

Ông Đinh Thúc Chiến, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết, thời gian qua xã đã phối hợp với các trưởng thôn và thú y cơ sở bình xét chọn ra 10 hộ chăn nuôi gà tiêu biểu nhất để tiếp nhận 4.000 con gà giống của dự án. Mọi công việc chuẩn bị như sửa chữa, xây mới, lắp đặt hệ thống quạt gió, lò sưởi của các chuồng trại đã cơ bản hoàn thiện, đảm bảo tốt điều kiện chăn nuôi.

Không để mô hình… chết yểu

Giải thích về lý do vì sao 4.000 con gà giống chỉ hỗ trợ cho 10 hộ chăn nuôi, ông Chiến cho biết: Dự án “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi Cúc Phương theo hướng VietGAP” chỉ là một trong những hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu chiến lược là xây dựng và phát triển thương hiệu gà đồi Nho Quan. 

Vì thế, chúng tôi không nóng vội, làm từng bước thận trọng và chắc chắn. Những hộ được nhận gà giống hỗ trợ của dự án phải có đầy đủ các tiêu chuẩn như có kinh nghiệm chăn nuôi gà; có hệ thống chuồng trại đáp ứng tiêu chuẩn về chăn nuôi ATVSTP, đặc biệt là phải có tiềm lực kinh tế để nhân rộng quy mô mô hình và khát vọng làm giàu chân chính. “Chúng tôi muốn thông qua thành công của các hộ làm điểm sẽ lôi cuốn các hộ khác học tập làm theo, như vậy sẽ bền vững hơn”, ông Chiến nói.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, để thực hiện dự án có hiệu quả, Phòng Nông nghiệp đã tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện thành lập Ban Quản lý Phát triển chăn nuôi gà Cúc Phương, trong đó có sự vào cuộc của các lực lượng chuyên ngành như Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện và cán bộ thú y, khuyến nông cơ sở… để tập huấn, hướng dẫn và theo dõi, giám sát các hộ chăn nuôi về kỹ thuật chăm sóc, phòng (hoặc điều trị bệnh nếu có) ở từng giai đoạn phát triển của con gà. Ngoài hỗ trợ giống, Sở NN-PTNT còn hỗ trợ từ 30 - 40% thức ăn và thuốc thú y ban đầu.

Trong quy trình chăn nuôi, khâu tạo giống phải được quan tâm hàng đầu. Do đó, Sở đã hỗ trợ riêng cho trang trại gà của anh Đinh Văn Nghiệm (thôn Đồng Tâm, xã Cúc Phương) 1.000 con giống để tạo ra đàn gà bố mẹ, cung ứng con giống tốt nhất cho các hộ chăn nuôi, tránh tình trạng thoái hoá giống do nhân dân tự lai tạo cận huyết.

Anh Đinh Văn Nghiệm đã tốt nghiệp trường Trung cấp Thú y và có bằng chăn nuôi thú y nói: “Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi gà đẻ trứng phôi (trứng có trống) Đông Tảo và sở hữu một máy ấp trứng; nếu được các chuyên gia chăn nuôi tập huấn thêm về kỹ thuật, tôi hoàn toàn tin tưởng mình sẽ tạo ra những con giống gà ri Cúc Phương tốt nhất để cung cấp cho bà con”.

“Ở xã Cúc Phương, các loại cây được trồng phổ biến là ngô, đậu tương, cỏ voi, chuối. Bên cạnh đó, mỗi nhà đều có một khu vườn rất rộng, trồng nhiều cây bóng mát nuôi ong mật.

Nếu phát triển được nghề chăn nuôi gà ri ở bên dưới, nông dân sẽ tận dụng được một lượng lớn nguồn thức ăn sẵn có của địa phương, giảm chi phí cho thức ăn chăn nuôi”, ông Đinh Công Chính, Phó Chủ tịch xã Cúc Phương cho biết.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.