| Hotline: 0983.970.780

Gà không “căn cước”

Thứ Hai 16/01/2012 , 10:26 (GMT+7)

Trạm Thú y huyện Thường Tín (Hà Nội) khẳng định rằng, tất cả số lượng gà được chuyển về từ biên giới Lạng Sơn đều “không căn cước”,...

Trạm Thú y huyện Thường Tín (Hà Nội) khẳng định rằng, tất cả số lượng gà được chuyển về từ biên giới Lạng Sơn đều “không căn cước”, nghĩa là không nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch.

Buôn gà Trung Quốc lãi gấp ba gà Việt

Con đường từ quốc lộ 1A cũ vào UBND xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội) trắng xoá những lông gà, lông vịt. Thi thoảng có làn gió thổi qua cuốn đám lông bay lả tả giữa muôn trùng những tạp âm quàng quạc của hàng ngàn con vịt, ngan. Cũng dễ hiểu bởi lẽ, chợ Hà Vĩ được coi là chợ đầu mối gia cầm lớn nhất Thủ đô với số lượng trung chuyển 100 ngàn con/ngày. Từ đây lượng gia cầm sẽ được các tiểu thương đưa vào trung tâm Hà Nội và các địa phương lân cận. Điều đáng nói là thay vì gà được nuôi trong nước, hầu hết số lượng thịt gia cầm ở đây đều được nhập lậu từ Trung Quốc.

Tiểu thương Nguyễn Văn Chính đã có “thâm niên” 15 năm làm nghề buôn bán gà tại chợ gia cầm Hà Vĩ nên anh nắm rất rõ chất lượng, chủng loại gà tại chợ. Theo anh Chính, gia cầm được bày bán có đủ chủng loại, từ vịt đẻ, ngan Pháp, ngan ta, gà công nghiệp, gà ta, gà đẻ, gà thải… khách thích loại nào cũng có. Số lượng gà về chợ này có nguồn gốc từ các trang trại ở các huyện Đông Anh, Sóc Sơn hoặc Bắc Giang, nhưng gà có nguồn gốc Trung Quốc vẫn là chính.

Riêng cửa hàng của anh Chính, mỗi ngày nhập từ 800 - 1.000 con, nhưng có tới 500 con có nguồn gốc Trung Quốc. Theo anh Chính, buôn loại gà này lãi cao hơn gà nội nhiều nên được giới tiểu thương ở đây rất “chuộng”. Chênh lệch giá giữa một ki-lô-gam gà của Việt Nam và gà Trung Quốc là 1.000 đồng, tỉ lệ hao hụt là 0,25% cộng với những chi phí phát sinh khác, mỗi tạ gà Trung Quốc dân buôn lãi 400 nghìn đồng. Nhưng cùng chủng loại, mỗi tạ gà trong nước chỉ lãi 150 nghìn đồng. Theo kinh nghiệm của anh Chính, ở chợ gà Hà Vĩ tới 60% số gà có nguồn gốc Trung Quốc. “Bán gà Trung Quốc mới có lãi, chứ gà ta thì được mấy đồng”, anh Chính cho biết.

Để đánh lừa người tiêu dùng, không ít tiểu thương không ngần ngại giới thiệu gà thải Trung Quốc là gà Mía bởi hình thức hai loại gà này khá giống nhau. Thực ra, theo những tiểu thương “sành điệu” ở chợ Hà Vĩ, gà Trung Quốc thải loại có lông màu nâu, chuyên trứng, được các trang trại thải ra, nhờ nuôi lâu nên thịt loại gà này dai, giòn, được người tiêu dùng không biết tưởng là gà Mía của Việt Nam nên rất ưa chuộng. Loại gà này nếu nhập từ các trang trại ở Đông Anh giao tại chợ là 60 nghìn/kg nhưng nhập chui giá chỉ 35 ngàn/kg. “Gà “mía” ở đây chủ yếu được nhập lậu từ Trung Quốc chứ gà Mía trong nước lấy đâu mà nhiều thế”, một tiểu thương cho biết.

“Phù phép” gà Trung Quốc thành gà Mía

Để bán được hàng, anh Chính và gần 200 đại lý tại chợ Hà Vĩ phải thiết lập mạng lưới phân phối đến tận các xã, phường, các quận của Hà Nội như huyện Chương Mỹ, quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai, Long Biên và các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình...

Cũng theo anh Chính, gà được chia làm nhiều loại tùy vào thể trạng sức khỏe của gà, do đó giá cũng khác nhau. Với gà khỏe mạnh, giá thường dao động từ 45-55 ngàn/kg. Loại này thường bán cho tiểu thương nơi xa hoặc các đại lý lấy nhiều vì họ bán vài ngày mới hết nên vận chuyển không bị chết, số gà này được tiểu thương đưa về nơi ở của họ để giết thịt. Còn gà còi, gà ốm, gà chết được bán với giá bằng 40-60% giá trị, tiểu thương sau đó dùng nhiều cách phù phép biến thành gà tươi ngon để bán cho người tiêu dùng.

“Cách phân biệt gà thải Trung Quốc với gà ta: Gà thải lông nâu đỏ, thân mình bé, da trắng mỏng và trong. Thường trụi lông ở cổ và mông, lông xơ xác. Dù là gà mái nhưng mào gà dài như gà trống, chân hơi ngắn, lỗ hậu môn hơi to do đẻ nhiều. Còn gà ta lông gà màu vàng mượt mà nhanh nhẹn, thân dài, da màu vàng, lườn thịt chắc”, ông Nguyễn Anh Tám, một chủ trang trại gà ở Hưng Yên.

Anh Chính bảo, một con gà chết có khối lượng khoảng 2kg, anh bán giá khoảng 40.000 đồng/con, họ thuê người làm tại chỗ hoặc thuê người trong làng Hà Vĩ làm luôn với chi phí 5.000 đồng/con. Sau khi làm sạch sẽ, họ để trong tủ lạnh hoặc bán tại chợ lẻ bằng giá gà khỏe đã thịt với giá 65.000 đồng/kg. Các quán cơm bình dân rất ưa chuộng bởi giá rẻ, họ sẽ chế biến thành gà luộc, gà rang. Nhiều quán sang trọng hơn thì chế biến thành gà nấu đông, thịt gà xe phay hoặc gà om nấm… “Vì những món ăn này cần rất nhiều gia vị và khi nấu lên thì mùi của gia vị sẽ át mùi thơm của thịt gà, dễ đánh lừa vị giác, nên khách hàng khó phân biệt”, anh Chính nói.

Đúng là vì lợi nhuận, nên các tiểu thương của chợ Hà Vỹ luôn chọn gà thải của Trung Quốc để kinh doanh. Cũng bởi lẽ đó mà bao giờ gà lậu cũng qua mặt được cơ quan chức năng. Vừa qua, vì “bất đắc dĩ”, Trạm Thú y Thường Tín buộc phải tiêu huỷ 2 xe gà lậu có trọng tải trên 3,1 tấn. Tuy nhiên, khi gửi văn bản đến các địa phương trong huyện xin đất tiêu huỷ thì không địa phương nào chấp nhận vì sợ mang dịch bệnh. Trạm phải làm hết giấy tờ này đến giấy tờ khác, trình cho nhiều cấp, nhiều ngành, sau 3 ngày mới được tiêu huỷ tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.

“Bắt gà lậu đã khó, tiêu hủy còn khó hơn nên nhiều khi cũng nản”, ông Dương Xuân Tĩnh, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thường Tín, bộc bạch.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất