| Hotline: 0983.970.780

Gà lậu đại náo Móng Cái

Thứ Năm 18/10/2012 , 08:51 (GMT+7)

Theo những chiếc xe chở gà giống lậu về Bắc Giang ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng hãi hùng khi gà lậu về ào ạt từ nhiều điểm dọc đường biên giới, làm rung chuyển thành phố miền biên viễn…

Theo những chiếc xe chở gà giống lậu về Bắc Giang ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng hãi hùng khi gà lậu về ào ạt từ nhiều điểm dọc đường biên giới, làm rung chuyển thành phố miền biên viễn…

>> “Gà bay” quốc lộ 1
>> Giáp mặt trùm gà lậu chân Dốc Quýt
>> Mẻ lưới đầu tiên

Gà vượt biên trên toàn tuyến

Sau một ngày nghỉ ngơi, sáng 6/10, chúng tôi tiếp tục lên đường đi Móng Cái (Quảng Ninh). Dọc đường đi trên QL18 qua địa phận các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, chúng tôi liên tục gặp những chiếc xe biển số 98, 99, 14, 30, 34 chở những chiếc lồng không, hở toang toác khệnh khạng tiến về Móng Cái. Nhìn cái thế rất “vững” ấy trên dải đất Quảng Ninh dọc theo QL18, từ Đông Triều cho đến Móng Cái dài gần 250 km, có thể hiểu được, đây thực sự là lãnh địa của những chiếc xe kia.

Khi đã nắm được một số biển số xe, chúng tôi theo dõi sát sao. Qua thị trấn Hà Cối, cách Móng Cái gần 30 cây số, chúng tôi vượt lên đi trước. Dừng chân trước Trạm kiểm soát liên ngành cây số 15 (Trạm kiển soát liên ngành trên đường bộ duy nhất ra - vào TP Móng Cái, cây số 15, QL18) hơn 1 tiếng chúng tôi đếm được 5 chiếc xe ô tô chở lồng gà, có cái không hề che đậy gì vượt trạm kiểm soát đi vào TP Móng Cái, đồng thời lại có 2 chiếc xe dùng để chở gà chuyên dụng, trên thùng không có gì, chỉ có phân gà đi từ trong TP Móng Cái vượt qua trạm kiểm soát liên ngành ra. Kỳ quái thật, chúng tôi nghĩ thế.

QL18 từ cây số 15 đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái dài 15km. Đoạn đường này và dòng sông Bắc Luân hay còn gọi sông Ka Long - ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc bao lấy gần hết TP Móng Cái. Người dân nơi đây bảo, dưới các bến đò trên sông Ka Long hoạt động nhộn nhịp bao nhiêu thì đoạn đường này sẽ sôi động bấy nhiêu.

Qua theo dõi, những chiếc xe chở lồng không, cái thì vào bến Lục Lầm, cái vào bến Khuyến Nông, cái lại rẽ vào khu dân cư cây số 3, số 5, QL18 (còn gọi bến đò cây số 3, số 5). Chạng vạng tối, nhân lúc quáng gà, chúng tôi cải trang thành cửu vạn, trà trộn đột nhập vào bến Lục Lầm.


Bến Lục Lầm được coi là nơi gà lậu về qua đây hàng đêm nhiều nhất Móng Cái

Con đường vào bến Lục Lầm được trải nhựa phẳng lì, nhưng dài hun hút, càng vào sâu càng thấy ớn lạnh. Đến kho chứa hàng ngay trước bến Lục Lầm chúng tôi dừng lại suy nghĩ thêm ý định của mình. Chợt, nghĩ đến “Phương linh hột” – ông trùm khét tiếng trong việc bao biên cho hàng lậu đã sai đệ tử xử nhừ tử cho đến chết người lạ mặt xuất hiện tại bến Lục Chắn ở Móng Cái đang trong khám và một ông trùm bao biên đang rất có thế lực ở đất Móng Cái này, chúng tôi đành quay đầu, dù dưới khu vực bến sông, tiếng người hò nhau và tiếng gà chiêm chiếp…

Sau khi tính toán, không bắt được tận tay gà giống lậu được vận chuyển từ Trung Quốc sang bằng đò và bốc gà từ các bến đò trên sông Ka Long lên thì cũng phải bắt kỳ được những chiếc xe chở gà giống lậu trên đường ra khỏi TP Móng Cái. Tuy nhiên, phục kích ở điểm nào bây giờ khi ong ve (ở Móng Cái gọi là ong ve, ở Lạng Sơn gọi là chim lợn) đã bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều trên đoạn đường này. Để tránh bị theo dõi và nghi ngờ, chúng tôi tạt vào nhà nghỉ ở gần lối rẽ từ QL18 đường vào bến Khuyến Nông. Ông chủ nhà nghỉ với khuôn mặt gian gian, úp mở: Các cháu làm gì ở đây? Có buôn bán gì chú có thể giúp được.

Lấy xong phòng, chúng tôi, thằng mặc áo phông, quần đùi đi dép lê, thằng mặc quần đùi đi dép tổ ong mỗi chiếc một màu mặc áo khoác để giấu hàng, tóc rũ bù xù, đầu trần, lên xe máy đã được tháo biển số ra QL18. Nhờ bộ dạng này, chúng tôi không gặp những ánh mắt soi mói của ong ve dày đặc trên đường. Cảm thấy tương đối an toàn, chúng tôi từ từ lượn trên QL18, tiến về cây số 1. Lúc này là hơn 19 giờ tối. Và, những chiếc xe máy chở gà giống lậu từ các bến cây số 3, cây số 5, bến Khuyến Nông, bến Lục Lầm bắt đầu bò ra đường 18 với mật độ ngày càng tăng. Thi thoảng, xuất hiện ô tô chở gà đặc chủng (thành sắt hai bên được mở như những cửa chớp) được bịt kín bằng bạt. Hàng đã bắt đầu về trên toàn tuyến biên giới.

“Gà bay” xé toang màn đêm

Xuôi về đoạn cây số 8, lợi dụng một khu đất trống có những đống nguyên vật liệu xây dựng nhấp nhô, chúng tôi dừng lại giấu xe. PV Đắc Thành đi lùi lại khoảng 250 mét nấp trong một bụi rậm. Phương án là, phát hiện thấy xe máy hoặc ô tô chở gà giống đi ra, Đắc Thành sẽ nhá điện thoại cho tôi và ghi biển số xe để tôi ngồi vất vưởng như một thằng nghiện trong đống vật liệu xây dựng kịp bấm máy quay.

Điện thoại vừa rung lên, tôi lại bấm một cái. Phương án này đã đạt hiệu quả tối đa, khi máy quay của tôi bắt được hầu hết các xe chở gà từ các bến Lục Lầm, Khuyến Nông, bến cây số 3, số 5 bò ra nhờ được báo trước và ánh đèn điện chiếu sáng trên đường.

20 giờ, đoạn đường này đã nhường hẳn cho tiếng vo vo, vè vè của ong ve và tiếng vu vu của ô tô, tiếng èn èn của xe máy chở gà lậu, xé toang màn đêm tiến về cây số 15. Các xe máy thường chở được 5-6 lồng gà giống và chúng thường đi theo từng đoàn từ 2 xe trở lên, được dẫn đường bởi một “con ong” hoặc một “con ve”, và luôn chạy với tốc độ trung bình 80-90km/giờ. Tương tự, mỗi chiếc ô tô chở gà chạy qua vị trí chúng tôi phục kích, đều được “dọn” đường bởi ong ve, chạy trước chừng 500 mét. Trong khi đó, đám ong ve khác liên tục lượn qua lượn lại để thám thính. Quan sát cảnh tượng này, mới thấy hết được sự chuyên nghiệp của các ông trùm nhập lậu gà giống từ Trung Quốc về.

Đến 20 giờ 30, những chiếc ô tô chở gà lậu chúng tôi “chộp” được đã là 5 chiếc, còn xe máy thì đã lên tới gần 20 chiếc. Để chắc ăn, tôi tháo thẻ nhớ và giấu kín trong tay áo, rồi lắp thẻ khác vào, a lô cho PV Đắc Thành thực hiện các cảnh quay trên đường, dù rất nguy hiểm.

Chạy ngất ngất trên đường như những thằng cửu vạn phê rượu với bộ quần áo lếch thếch, đôi dép cọc cạch, chúng tôi theo sau một đoàn xe máy chở gà 5 chiếc tiến về cây số 15. Đến cách cây số 14 gần 1km, cả 5 chiếc xe này rẽ vào một đường mòn bên tay trái, thuộc địa phận xã Hải Tiến, TP Móng Cái. Để tránh bị nghi ngờ, chúng tôi tiến thẳng đến gần trạm kiểm soát cây số 15 rồi quay lại. Trên đường quay lại, chúng tôi bắt gặp nhiều xe máy và ô tô dùng để chở gà đi ra từ đường mòn mà 5 xe gà vừa chui vào. Đây chính là những chiếc xe chúng tôi đã chộp được khi ngồi phục kích bên đường đang quay đầu để nhận chuyến hàng thứ hai. Về đến gần điểm phục kích chúng tôi tạt vào khu đất trống chất một vài thanh gỗ lên xe và thay đổi trang phục. Ngoài đường vẫn có xe máy và ô tô chở gà xé toang màn đêm tiến về trạm kiểm soát cây số 15.



Xe máy chở gà nối đuôi nhau được dẫn đường bởi ong ve nhận gà từ các bến lậu ra khu vực trạm kiểm soát cây số 15 tập kết

Đồng hồ điểm 22 giờ kém, trong đôi dép cọc cạch, cái quần bò ống thấp ống cao, mang theo máy quay, nhao ra QL18 đi bộ bên đường hướng phía trạm cây số 15. Đi được gần 1 km, máy quay của tôi “vồ” thêm được 2 chiếc ô tô và 3 chiếc xe máy chở gà nữa. Trên QL18 đoạn này, ong ve đã vắng dần, có lẽ gà đã về gần hết. Tôi gọi Đắc Thành ra, quyết tâm quay được 1 xe ô tô chở gà giống lậu chạy khệnh khạng, không coi ai ra gì giữa TP Móng Cái. 1 ô tô biển số 29X-394x chở gà chạy qua chầm chậm, không ong ve dẫn đường, tôi nói biển Hà Nội cóc sợ, rồi quyết định bám theo. Chiếc xe khệnh khạng chạy trên đường bị máy quay “ăn” trọn trong vòng hơn 1 phút ở tốc độ 70km/giờ.

Ngồi bên cạnh tay ong ve đang thao thao, chúng tôi dựng tóc gáy, tôi quay ra giả bộ “chém” qua điện thoại chuyện hàng hóa một tí rồi quay vơ lấy bàn cờ đánh ăn tiền với PV Đắc Thành. Xe máy chở gà vẫn từ bên Khuyến Nông đi ra, ong ve vào quán ăn đêm ngày một nhiều, xem đánh cờ và nói chuyện với chúng tôi… 1 giờ sáng ngày 7/10 chúng tôi mới rời quán, về nhà nghỉ. Phòng bị tập kích, gần 3 giờ sáng chúng tôi mới bắt đầu ngủ. Dưới đường 18, ong ve vẫn vo vo ve ve…

Trên đường quay lại, thêm 1 chiếc xe biển 30I-869x cũng chạy từ từ, đằng sau là 2 xe chở cửu vạn kẹp 3 kẹp 4 và 1 ong ve. Chúng tôi vẫn quyết định bám theo. Được 2 km, 2 xe máy chở cửu vạn bị tụt lại phía sau chừng gần 200 mét, còn con ong dừng xe lại bên đường nghe điện thoại. Chúng tôi tăng tốc áp sát chiếc xe 30X-869x. Được vài chục giây, nghi ngờ có đuôi, chiếc 30I liền tăng tốc lên 70, 80 rồi 90km/giờ. Ngoái cổ lại thấy đám cửu vạn đi sau đã bị lùi xa, ong ve không bám nữa, chúng tôi quyết định bám sát ở tốc độ 90km/giờ.

Máy quay rung lên bần bật, tiếng ô tô và xe máy rít lên được cộng hưởng cùng gió mùa đông bắc cấp 3 cấp 4 rát rạt làm rung chuyển cả khu vực, thu hút sự chú ý của hầu hết những người có mặt hai bên đường. Đúng lúc đó, chiếc 30I giảm tốc độ đột ngột, xe chúng tôi phanh hết cỡ để giảm theo. Thấy bất ổn, chúng tôi quay luôn đầu lại. Chiếc 30I cũng đang đánh lái qua phải quay đầu theo. Cách khoảng 300 mét, chiếc 30I rú ga đuổi, tôi lo sợ phóng thục mạng. Chạy được chừng 2km, ngoái cổ lại, chiếc 30I vẫn bám theo. Vừa vào khúc cua, lại vắng người, chúng tôi tắt đèn pha, ép côn để xe không còn tiếng nổ, rẽ vào một đống đất trống nhanh chóng lắp biển số xe, thay quần áo. Chiếc 30I lao vù qua, chúng tôi thong thả về nhà nghỉ. Cất xe xong lẽo đẽo đi bộ ra quán ăn đêm ngay lối rẽ vào bến Khuyến Nông.


Chiếc xe ô tô chở gà bị PV đuổi đã quay lại đuổi PV

Đang ăn bát mì, một ong ve với khuôn mặt bặm trợn vào gọi chén rượu rồi chửi đổng qua điện thoại: “Nhận hàng chưa? Chờ lệnh đã. Mẹ nó. Chốt con c. gì. Nó bỏ đi đánh bạc. Con 30I vừa bị 2 thằng nhà báo bám theo. Đ. có thằng nào trở tay cả. Con 30I nó phải quay đầu đuổi, nhưng đ. kịp, nó chuồn mẹ về trung tâm thành phố rồi…”. (Còn nữa)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm