| Hotline: 0983.970.780

Gà ri vàng rơm

Thứ Sáu 09/11/2012 , 10:58 (GMT+7)

Gà ri vàng rơm lại được phân chia thành 2 loại đó là: Gà ri vàng rơm sinh sản và gà ri vàng rơm lấy thịt.

Giống gà ri vàng rơm của Trung tâm Nghiên cứu & huấn luyện chăn nuôi (Viện Chăn nuôi) - một trong những sản phẩm đạt giải thưởng "Bông lúa vàng VN lần thứ nhất, năm 2012"; đang phát triển rất mạnh tại các tỉnh trung du miền núi  phía Bắc nước ta.

Ông Hồ Xuân Tùng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu & huấn luyện chăn nuôi cho biết, gà ri vàng rơm là sản phẩm của đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm ngoại hình và tính năng SX của giống gà ri qua 3 đời chọn lọc” do Viện Chăn nuôi chủ trì từ năm 1999 kéo dài đến năm 2001. Bằng phương pháp nuôi bán chăn thả kết hợp hình thức nuôi cổ truyền, qua 3 đời gà, trung tâm đã thu được giống gà ri vàng rơm có lông màu vàng rơm chiếm gần 70%.

Đặc điểm nhận biết của loại gà này là: Gà trống toàn thân phủ màu vàng rơm, thân hình thanh tú, chóp đuôi có điểm vài long đen. Khi trưởng thành thân hình khỏe mạnh, lông vàng sặc sỡ, mào to đỏ dựng đứng, mỏ và chân đều màu vàng; gà mái thân thon nhẹ, long phủ màu vàng rơm, đầu nhỏ, mào đơn, chân có hai hàng vảy, mỏ và chân có màu vàng tương tự gà trống.


Một cặp gà ri vàng rơm trưởng thành

2 giai đoạn nghiên cứu:

Giai đoạn 1: Từ các đàn gà nuôi được chăn thả tự nhiên tại các địa phương, trung tâm đã tiến hành tuyển chọn và đưa về nuôi tại trại thực nghiệm từ năm 1998. Đặc điểm sinh học, tính năng SX của giống gà này sẽ được nghiên cứu, đồng thời được chọn lọc bằng phương pháp phân tích di truyền đồng dạng các tính trạng. Sau đó chọn ra quần thể ưu tú với kiểu di truyền tương đồng rồi tiến hành ghép phối theo nhóm để nhân ra các thế hệ kế tiếp.

Kết quả là đã tạo ra được giống gà ri thuần chủng. Cho đến nay, giống gà này vẫn được Viện Chăn nuôi cho nuôi giữ giống gốc tại trung tâm.

Giai đoạn 2: Từ giống gà ri thuần chủng nêu trên, trung tâm tiếp tục tiến hành chọn lọc các cá thể có màu lông vàng rơm đồng nhất cho phân nhóm ghép phối. Tiếp theo là chọn lọc các cá thể có màu lông vàng rơm ở các giai đoạn 1 ngày tuổi, 63 ngày tuổi và 133 ngày tuổi. Song song với việc chọn lọc ngoại hình thì phải tiến hành chọn lọc nâng cao năng suất trứng thông qua theo dõi cá thể. Từ đó chọn ghép gia đình theo phương pháp luân hồi trống để tránh tình trạng “cận huyết”.

Gà ri vàng rơm lại được phân chia thành 2 loại đó là: Gà ri vàng rơm sinh sản và gà ri vàng rơm lấy thịt. Đối với gà ri sinh sản, quá trình chọn tạo được thực hiện ở các giai đoạn 1 ngày tuổi, 9, 19 và 38 tuần tuổi. Các cá thể này được chọn lọc thông qua các chỉ tiêu như: Tỷ lệ nuôi sống, khối lượng cá thể, tiêu thụ thức ăn qua 1 - 19 tuần tuổi; Tiêu thụ thức ăn giai đoạn đẻ và tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng. Tỷ lệ đẻ, năng suất trứng, khối lượng và chất lượng của trứng. Bên cạnh đó là một loạt các chỉ tiêu về ấp, nở.

Ông Vũ Chí Thiện, Phó phòng Nghiên cứu & bảo vệ sức khỏe nuôi của trung tâm cho biết, về gà ri vàng rơm lấy thịt thì trọng lượng khoảng 1,1 - 1,3 kg là có thể bán ra thị trường. Nếu nuôi đúng kỹ thuật, gà ri vàng rơm lấy thịt sẽ đạt trọng lượng chuẩn qua 15 tuần nuôi dưỡng. Để đánh giá chất lượng của đàn giống thương phẩm này, ngoài yếu tố về trọng lương nêu trên, tỷ lệ sống, tiêu thụ thức ăn từ 0 - 12 tuần tuổi cũng rất quan trọng. Yếu tố cuối cùng là các chỉ tiêu chất lượng thịt.

Cũng theo ông Thiện, trung tâm đang có gần 1.000 con gà ri vàng rơm mái đẻ và trên 1.000 con gà hậu bị. Toàn bộ số gà này được nuôi trong một trại gà tại Thanh Trì, Hà Nội. Trong khi các dịch bệnh trên gia cầm nói chung đang hết sức phức tạp như hiện nay thì công tác chăm sóc, bảo vệ con đặc sản này cần phải có một quy trình nghiêm ngặt.

Mọi điều kiện chăn nuôi như chuồng trại, nguồn nước, thức ăn…phải được đảm bảo. Chuồng nuôi phải được xây trên địa bàn cao ráo, sạch sẽ và thoáng mát, nên xây theo hướng Nam hoặc Đông Nam để có có thể “đông che, hè mở”.

Tường bao quanh chuồng trại cao khoảng 40 cm, phía trên gắn lưới mắt cáo, bên ngoài che bạt hoặc phê che nhằm chống gió lùa và nước mưa hắt vào. Có một điểm cần lưu ý đó là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mỗi khu chăn nuôi nên xây dựng các hố để sát trùng, tránh bệnh tật không đáng có.

+ Ông Thiện khẳng định, trong chăn nuôi gà ri vàng rơm thì công tác đảm bảo vệ sinh chuồng trại, cho gà uống các loại thuốc theo quy định là quan trọng nhất.

Để đánh giá được hiệu quả thực sự của giống gà này, trung tâm dã tiến hành xây dựng 5 mô hình gà ri vàng rơm sinh sản với tổng số 5.500 con và 18 mô hình gà ri vàng rơm thương phẩm 18.000 con tại các tỉnh như Hưng Yên, Hà Tây (cũ) và Phú Thọ. Hầu hết số gà phát triển tương đối đồng đều, đạt năng suất khá cao, đem lại giá trị lớn. 100 con gà sinh sản cho lợi nhuận 11 - 18,6 triệu đồng và 1,2 - 1,4 triệu đồng/ 100 gà thương phẩm.

+ "Gà ri vàng rơm có sức chống chịu bệnh cao, thích nghi với mọi điều kiện chăn nuôi. Chất lượng thịt tốt, trứng thơm ngon, nhiều lòng đỏ nên rất hấp dẫn người tiêu dùng. Hiện giống gà này được được nhân rộng trên toàn quốc, nhưng tập trung chủ yếu tại vùng núi, trung du phía Bắc và từ Hà Tĩnh đến Huế. Nói chung người dân rất “kết” giống gà này, người tiêu dùng cũng rất ưa chuộng”, ông Hồ Xuân Tùng cho biết. 

“Gà ri vàng rơm có thể nuôi theo nhiều hình thức như nuôi nhốt tập trung, bán chăn thả hay chăn thả hoàn toàn. Tuy nhiên, thị hiếu người tiêu dùng lại rất thích những chú gà mang “mác” gà chạy đồi”, ông Thiện chia sẻ. Chính vì vậy, khu chăn thả phải đảm bảo đủ diện tích, mật độ vườn tối thiểu là 1 con/m3. Thời gian thả gà ra vườn mùa hè khi gà phải đủ 4 - 5 tuần tuổi và mùa đông là 7 - 8 tuần tuổi.

Trước khi nhận gà về nuôi, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, các dụng cụ chăn nuôi phải được tiến hành. Trong vòng 2 - 3 tuần tuổi, gà phải được sưởi ấm bằng bóng sưởi 24/24 giờ. Nhiệt độ chỉ tiêu của chuồng trại trong mùa lạnh là từ 28 - 35 độ C, tùy thuộc vào độ tuổi của gà. Còn những ngày thời tiết nóng nực, nhiệt độ trong chuồng khoảng 25 độ C, độ ẩm 70% là được.

Về thức ăn và nước uống, trong 2 tuần đầu có thể cho gà con ăn bằng khay tôn, nhôm hình vuông 70 x 70 cm với 100 đầu gà. Khay ăn và máng uống phải đặt trong quay, xen kẽ nhau theo hình rẻ quạt và có chụp sưởi. Một mẹo hay đó là nên treo máng ăn có độ cao ngang tầm sống lưng gà, nhất là giai đoạn hậu bị như vậy đàn gà lên đẻ có độ đồng đều cao, năng suất tốt. Từ tuần 1 đến tuần thứ 7, gà được ăn tự do. Nhưng từ tuần thứ 8 đến tuần 19, lượng thức ăn sẽ được hạn chế cho gà mái ri vàng rơm.

 

 

Bạn đọc có nhu cầu về giống, chuyển giao kỹ thuật nuôi gà ri vàng rơm, xin liên hệ Trung tâm Nghiên cứu & huấn luyện chăn nuôi. Địa chỉ: Đường 430, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. ĐT: 04.33825582 – 33824719 – 38390525. Fax: 04.33825582 – Email: vppoultry@gmail.com.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.