| Hotline: 0983.970.780

Gã tài hoa trên núi Phủng

Thứ Tư 20/02/2013 , 15:24 (GMT+7)

Nhiều người dân các huyện Na Hang, Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang đều biết về chuyện lạ đó là “gió Hang núi Phủng”, thuộc xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Nhiều người dân các huyện Na Hang, Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang đều biết về chuyện lạ đó là “gió Hang núi Phủng”, thuộc xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Từ xa xưa, mỗi năm gió Hang núi Phủng xuất hiện vài lần, nó tàn phá ruộng lúa, cây màu và đem bao phiền toái cho dân chúng (ở thôn Phạc Mạ, xã Thúy Loa, huyện Na Hang cũ). Bây giờ, nước hồ thủy điện Na Hang dâng lên, dân bản Phạc Mạ đã di chuyển đến nơi khác định cư, cuồng phong của gió Hang núi Phủng không còn là nỗi khiếp sợ, mà là niềm vui ngập tràn của cặp vợ chồng người Mông tài hoa đang bám trụ ngày đêm để làm giàu bằng nghề nuôi bò du mục…

Lần theo chỉ dẫn của những người buôn bán trâu bò, tôi có dịp đến khu vực núi Phủng, xã Khuôn Hà. Con đường đến núi Phủng bây giờ cực kỳ hiểm trở, vì sau khi hành trình hơn 300 km đường bộ, lại phải mất một giờ ngồi xuồng máy chạy tốc độ nhanh thì mới đến được núi Phủng.

Nơi đây không có sóng điện thoại, chẳng có sóng radio, không đường bộ, trường, trạm… nên chủ nhân của chiếc xuồng máy tên Hà đã không mặn mà đưa khách, theo anh giải thích là nơi ấy hay có gió Hang núi Phủng. Nếu gặp lúc nó phun trong các hang núi ra, làm sóng nước cao lớn mấy mét, thuyền bè lật hết, khó thoát khỏi cái chết.

Thấy tôi năn nỉ theo hướng “cầu cứu” và hứa sẽ trả công cao gấp đôi, anh lưỡng lự nhìn trời đất tới 20 phút, mới chấp nhận đưa tôi đi. Cả vùng sông nước trong xanh, im ắng và trên các ngọn núi thì quạnh hiu không một nhà dân, vì dưới chân núi Phủng giờ đã trở thành vùng nước mênh mông của thủy điện Na Hang.

Con xuồng lớn chỉ có hai người ngồi trên cứ thế mà rẽ sóng chạy băng băng. Thi thoảng, người lái xuồng nán lại, gặm hỏi đường các thợ đánh cá trên sông, mất hơn một tiếng thì chúng tôi mới tìm đến nơi ở của cặp vợ chồng tài hoa nức vùng này.

Nói là nơi ở, nhưng thực chất chỉ là một chiếc xuồng rộng khoảng 15 m2, có mái che nắng mưa, lắp động cơ điêzen, mọi sinh hoạt từ bếp nấu ăn, chỗ ngủ, tắm giặt, phơi phóng, tất tật đều trên moong thuyền.

Thấy người lạ xuất hiện lại hỏi thăm bằng tiếng Mông, cả hai vợ chồng chủ nhà cùng mừng rỡ mời khách vào xuồng. Trong câu chuyện, anh cho biết, tên là Giàng A Chành, sinh năm 1966 và chị vợ là Cháng Thị Hồng Thúy sinh năm 1967. Vợ chồng anh đều sinh ra và lớn lên ở thôn Phạc Mạ. Sau khi nhận đền bù hoa màu của dự án thủy điện Na Hang, gia đình anh đã chuyển đến thôn Tiên Tốc, xã Bình An, huyện Lâm Bình, cách đó khoảng 30 km lập nghiệp.


Giàng A Chành với đàn bò của mình.

Cuộc sống nơi ở mới cũng thuận lợi, rất tiện cho trẻ học tập. Thế nhưng, nơi sinh ra và lớn lên luôn thôi thúc anh chị quay về lập nghiệp, vì bà con trong vùng vẫn cần có anh, một “thầy thuốc” chữa bệnh cho bò, còn chị Thúy vợ anh cũng là “thầy thuốc” vì biết hướng dẫn chị em phụ nữ cách phòng tránh thai. Mặc dù cả hai không biết viết chữ, nhưng họ nuôi bò rất giỏi và sống trung thực, nên rất có uy tín trong cộng đồng người Mông.

Nhớ về kỷ niệm thời vàng son, Chị vui vẻ kể: “Ngày đó, cứ sau mỗi mùa rẫy, mình lại cơm nắm cùng chồng đi đến các ngọn núi trong vùng, nơi nào có nhà ở của người Mông, vợ chồng mình đều đến thăm hỏi, anh Chành thì giỏi nuôi bò, nên hướng dẫn họ cách nuôi bò, chữa bệnh, phòng bệnh cho trâu bò nên mọi người thích lắm đến đâu cũng được họ mời ăn uống no say, còn mình thì hướng dẫn chị em phụ nữ cách phòng tránh thai và vận động chị em thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, cả hai vợ chồng mình đã làm nhiều việc tốt, nên bây giờ họ có trâu bò muốn bán, chỉ dắt về bán cho mình thôi”.

Mặc dù nói tiếng Việt không rõ, nhưng chị Thúy được xem là cán bộ tuyên truyền dân số giỏi của huyện Na Hang những năm 90 của thế kỷ trước, với nhiều bằng khen, giấy khen vẫn được chị cất giữ cẩn thận để làm kỷ niệm…”.


PV NNVN (bên phải) đang trao đổi với anh Giàng A Chành.

Còn anh Chành là một người đàn ông tài hoa, hát hay, nói năng lưu loát và làm nhiều việc tốt trong các bản người Mông, được mọi người rất yêu quí. Họ khâm phục anh không đi học lớp nào, mà nắm chắc về phương pháp chăn nuôi, biết cách chữa bách bệnh cho gia súc. Chành đã tự hái lá rừng để chữa trị các bệnh “hiểm nghèo” cho trâu bò mà nhiều người có học cao vẫn chịu “bó tay” như bệnh lở mồm long móng, phân trắng trâu nghé, trâu bò bị đau bụng, đầy hơi đi ngoài, còi xương… Không chỉ giỏi chữa bệnh cho bò, Chành còn nghiên cứu và đúc kết phương pháp chăn nuôi hợp vệ sinh để phòng tránh dịch bệnh gia súc, nên suốt hơn 20 năm qua, đàn trâu bò của gia đình anh bao giờ cũng có hơn 50 con, khi nào nhiều là hơn 100 con, nhưng chưa bao giờ có trâu bò bị mắc bệnh dịch.

Khi anh chuyển đến nơi ở mới tại xã Bình An, bà con trong vùng không bị ngập nước chẳng biết hỏi ai về cách chữa bệnh, chăm sóc và giá cả khi muốn bán trâu bò, nên lúc nào cũng có người tìm đến tận nhà nhờ sự tư vấn và giúp đỡ. Thương mọi người, nên anh Chành đã quyết định để bố mẹ cùng các con ở nơi có nhà cao cửa rộng, còn hai vợ chồng lại quay về “quê cũ” mua xuồng làm chỗ tá túc qua ngày, để tiếp tục nghề chăn nuôi trâu bò du mục men theo bờ nước hồ, khi nào rảnh rỗi lại đi thuyền đến các bản làng đồng bào Mông, hướng dẫn họ cách chăn nuôi, mua thu gom trâu bò gầy về vỗ béo, và giúp bà con chữa bệnh trâu, bò miễn phí.

Vợ chồng anh đã biết tận dụng thế mạnh của các sườn núi, nương ót để tuyển chọn những con trâu bò tốt, làm giống sinh sản những con bê nghé giống to hơn, khỏe mạnh, bán lại cho bà con nuôi và nhân giống, giúp họ tự cải tạo đàn bò.

Để thuận tiện cho việc giao dịch, anh còn tự mình hình thành lên một “chợ đầu mối” buôn bán, mua gom các loại trâu bò gầy yếu cho bà con dân bản, rồi cung cấp con giống khỏe mạnh để giúp mọi người chăn nuôi, công việc bận rộn quanh năm, túp lều nhỏ trên chiếc xuồng nơi mênh mông sông nước, thế nhưng lúc nào cũng có người ghé thăm.

Anh mộc mạc tâm sự: “Năm 1983 khi mới tròn 17 tuổi, mình đã biết lấy thuốc chữa bệnh cho trâu bò, mình mát tay lắm, nuôi trâu bò lớn nhanh. Mùa hè nhiều cỏ, mình cứ nuôi mỗi con bê nghé, một tháng sẽ lãi khoảng 500 nghìn đồng, còn với một con bò gầy mua về mà nuôi đến khi nó béo tốt sẽ lãi hơn một triệu”.


Chiếc thuyền là nơi tá túc của đại gia bò.

Để minh chứng cái tài nuôi bò, Chành đã dẫn chúng tôi lên đồi, rồi anh gọi ồ ồ một lúc, đàn bò mấy chục con đang ăn cỏ mãi trên núi cao nghe tiếng gọi, đã chạy lại xúm quanh người.

Anh đi một vòng quanh những con bò quan sát rồi nói, “cả đàn này chẳng con nào bị ốm cả”. Tôi thấy lạ, vì anh vừa nhìn lướt qua đàn bò mấy phút đã quả quyết, nên tôi vội gặng hỏi; Tại sao chẳng sờ vào nó mà anh biết nó không bị ốm? Chành cười nhẹ nhàng rồi bật mí “cái này bí quyết mà, phải uống rượu say mình mới nói”...

Đêm về, lòng hồ đen kịt, ngọn đèn dầu nhem nhuốc gữa mâm cơm trên moong thuyền, xa xa có những ánh đèn yếu ớt của những thợ săn cá, tôi và Chành dốc bầu tâm sự nghề nuôi trâu bò qua những lần cạn ly, Chành đã hé mở rằng: Muốn con bò không bị mắc bệnh thì chăn thả bò phải theo qui định là “luôn chuyển” chỗ thả, mỗi đàn bò không được chăn thả ở một bãi thả quá 2 năm. Vì con bò rất kỵ ăn phải cỏ cây mọc lên từ chính phân của nó. Nếu ăn phải nó hay bị các bệnh như ỉa chảy, bụng đầy hơi. Còn ăn phải ngọn cỏ có nước rãi thiu của chính nó là sẽ bị gầy, còi cọc. Cho nên, cách nuôi bò du mục là phải thay đổi bãi chăn thả thường xuyên thì bò sẽ rất ít bị mắc bệnh, và rất nhanh lớn. Muốn phát hiện bò bị mắc bệnh, theo Chành cũng rất đơn giản là khi bị ốm, bò sẽ có mùi hôi khác thường. Chành giải thích kỹ lưỡng hơn là khi bị ốm, bò cũng như con người là thân nhiệt nóng, sốt, mồm mũi khô và tỏa ra mùi hôi hám rất khó chịu, cách xa vài chục mét đã thấy mùi hôi, còn khi nó khỏe thì rất ít mùi hôi, mồm con nào cũng ướt, có cưỡi lên nó cũng chẳng bị ám mùi.

Chỉ với bí quyết chăn thả du mục đó, những con bò của Chành chẳng cần nấu cám ngô cho ăn vẫn béo tốt. Những con bò Chành mua về thường là những con gầy cọc, ốm yếu, đến khi đã vào tay Chành chăn nuôi thì nó cứ lớn nhanh như thổi. Cũng nhờ biệt tài nuôi bò, suốt hơn 20 năm qua, cứ trung bình mỗi tháng vợ chồng Chành có lãi khoảng 15 triệu đồng.                                                                     

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm