| Hotline: 0983.970.780

Gà “trọc” vẫn ào ạt tràn biên

Thứ Tư 01/08/2012 , 09:25 (GMT+7)

Mỗi ngày, hàng chục xe tải vẫn rầm rập tuồn cả trăm tấn gà lậu thải loại của Trung Quốc từ TP. Móng Cái theo QL18 tuồn về các tỉnh phía Bắc, nghiễm nhiên đi qua các trạm kiểm soát liên ngành như “con voi chui lọt lỗ kim”.

* Tường thuật của PV NNVN tại Móng Cái

Mỗi ngày, hàng chục xe tải vẫn rầm rập tuồn cả trăm tấn gà lậu thải loại của Trung Quốc từ TP. Móng Cái theo QL18 tuồn về các tỉnh phía Bắc, nghiễm nhiên đi qua các trạm kiểm soát liên ngành như “con voi chui lọt lỗ kim”. 

Nhiều ngày lân la ở TP. Móng Cái, mặc cho trời đổ mưa như trút, tôi cũng đã bám đuôi được những chiếc xe min-khơ từ khu vực xã Dân Tiến (TP. Móng Cái) lầm lũi chạy dọc QL18 ngược trở lên phía trung tâm TP. Móng Cái. Qua khỏi cầu KaLong, đoàn xe min-khơ xe nào cũng thồ theo 3 – 4 chiếc thùng nhựa cáu bẩn ngược trở lên khu vực vành đai biên giới gần bến đò Lục Lằm nằm trên sông KaLong, rồi chui tọt vào những con ngõ kín cổng cao tường thuộc địa phận Khu 5, Khu 6 (phường Hải Hòa, TP. Móng Cái).


Một điểm tập kết gà lậu tại Khu 5, phường Hải Hòa (TP. Móng Cái)

Đóng vai một thương lái tìm mối gom gà Trung Quốc về bỏ mối cho các chợ tại Hà Nội, tôi bám đuôi theo chiếc min-khơ mang biển kiểm soát 14K1 – 006.18 khi chiếc xe này vừa mất hút trong một con ngõ tại Khu 5, phường Hải Hòa. Lân la hỏi thăm về các mối cung cấp gà Trung Quốc tại khu vực này, một cửu vạn chỉ mối làu làu: “Mua “gà trọc” phải không? Quanh đây có khoảng 5-6 chủ gom hàng này, cánh nhà ông Trình, nhà Hương, nhà Dũng…, nhà nào cũng có” (“gà trọc” là tên gọi thông dụng mà người dân cửa khẩu Móng Cái quen gọi để chỉ gà thải loại Trung Quốc).

Theo lối chỉ, tôi đánh xe vào nhà một chủ nậu tên Hương tại Khu 6 (phường Hải Hòa). Trong vườn nhà chủ Hương, ngay cạnh lối vào là một dãy chuồng dài dằng dặc, mới đầu cứ tưởng trang trại nuôi gà, sau mới biết, đó là khu vực trữ “gà trọc” chờ tiêu thụ khi hàng dồi dào. Theo tìm hiểu của PV, tại khu vực phường Hải Hòa, có khoảng hơn chục chủ nậu gom “gà trọc”, nhà nào cũng có những dãy chuồng to sồ sồ như thế.

Cuối chiều, trong nhà chủ Hương cũng đã có hai ba chủ buôn khác tay mang túi xách ngồi chễm chệ chờ lấy hàng, vì trời mưa to nên có vẻ ai cũng rất sốt ruột không biết “hàng” có về được không. Đặt vấn đề cần mua “gà trọc” với số lượng lớn để bỏ mối tại chợ ở Hà Nội, chủ Hương lắc đầu nói khó: “Chú chuyển hàng bằng xe khách hay đi chuyến xe tải? Dạo này hàng khan một chút nên nếu đi xe tải loại 3,5 tấn thì phải lấy khoảng 200 thùng, mỗi thùng nhựa ít cũng phải chất được 20 con nên bây giờ chưa đủ hàng. Trong chuồng hiện còn có mấy trăm con thôi, nhưng loại gà xấu, cánh hơi thâm, chị lấy giá mềm 28.000 đ/con, loại 1,7 – 2 kg/con, còn loại đẹp giá 30 nghìn…”.


Tại Móng Cái, gà "trọc" chỉ có giá 30.000 đồng/con (1,7 - 2 kg/con), nhưng về tới chợ Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) sẽ có giá 60.000 đồng

Nói đoạn, chủ Hương rút điện thoại bấm nhoay nhoáy cho đệ tử đang chờ nhận hàng trên phía bến Lục Lằm, rồi quay lại chửi thề với mấy bạn hàng. “Đ… mẹ! Hàng đếch về được, dạo này bên kia chắc nó làm căng! Đã thế, mấy thằng “sỏ” còn dằn mình là “tư cách gì mà mua hàng” mới uất chứ”.

“Sỏ” là cách mà những chủ nậu gom “gà trọc” cỡ bình bình như chủ Hương ở quanh khu vực quanh bến Lục Lằm dùng để chỉ những chủ buôn lớn hơn. Các “sỏ” này hầu hết là những tên có thế lực, chúng bao trọn các mối hàng từ phía Trung Quốc cũng như dây chuyền giao hàng về tận các mối ruột tại khắp các tỉnh miền Bắc. Lúc hàng tập kết qua khỏi sông KaLong thì lập tức có xe tải đánh đuôi vào tận bến bốc hàng, sau đó tuồn thẳng về các tỉnh miền Bắc theo QL18. Những chủ nậu gom “gà trọc” kém thế lực hơn tại khu vực phường Hải Hòa vì vậy thường mỗi ngày chỉ gom được có vài nghìn con. Còn nơi tập trung gà lậu chủ yếu nhất tại TP. Móng Cái thì phải kể tới các bến dọc sông Ka Long tại khu vực Lục Phủ (xã Bắc Sơn). Tại đây, hiện có hai bến tập kết “gà trọc” lớn nhất từ Trung Quốc tuồn về qua sông Ka Long là bến ông Lý và bến ông Hoan (tên của hai chủ bến). Con đường duy nhất để có thể tuồn gà lậu từ các bến này ra QL18 nằm tại khu vực Km số 5 trên QL18 hướng Móng Cái – Hạ Long.

Nhiều ngày lân la tại khu vực này, tôi đã bắt quen được với Vĩ – từng là một cửu vạn chuyên bốc gà lậu ở các bến sông khu vực Lục Phủ. Vĩ bảo, muốn đi xem “gà trọc” từ Trung Quốc về như thế nào phải chịu thức đêm, bởi hàng về chủ yếu từ 10h đêm tới 2h sáng. Khoảng 12h đêm, tôi theo chân Vĩ men con đường rậm từ Km số 5 ngược lên các bến sông khu vực Lục Phủ khi những chiếc xe tải cỡ 3,5 – 4 tấn đã chờ sẵn ở các bến trên sông Ka Long chờ bốc hàng.

Dưới ánh sáng lờ mờ, những chiếc thuyền sắt chất đầy các thùng nhựa bên trong nhồi nhét đầy “gà trọc” từ phía bên kia bờ sông Ka Long rầm rập nẹt máy nổ chuyển hàng về các bến sông Lục Phủ. Những chiếc xe tải đánh đuôi sẵn ngay sát mép thuyền sắt, hai cửu vạn phía trên xe lôi, hai cửu vạn phía dưới thuyền đẩy, thoắt cái chỉ vài chục phút, đã chất đầy các thùng nhựa chứa “gà trọc” lên chiếc xe tải 3,5 tấn.

Những chiếc xe tải sau khi chất đầy gà, thùng xe sẽ được bịt kín mít ngay tại bến Lục Phủ. Vì thế khi đi ra tới QL18, sẽ chẳng ai nhận ra xe nào là xe chở “gà trọc”. Tuy nhiên, chỉ hơn một tiếng đồng hồ theo dõi ở khu vực Km số 5 trên QL18, tôi cũng đã kịp thời ghi được biển số của hàng chục chiếc xe tải chở “gà trọc” từ các bến sông tại khu vực Lục Phủ lần lượt trườn ra phía QL18 rồi phóng như bay về phía TP. Hạ Long, đơn cử như: 14C–031.04; 98C-0194; 14P-4340…


Những chiếc “xe lồng” chuyên chở “gà trọc” thế này hàng ngày vẫn nghễu nghện tuồn hàng từ TP. Móng Cái về các tỉnh phía Bắc

Các cửu vạn tại đây cho biết, do các thùng nhựa chứa gà, phía chủ hàng Trung Quốc sẽ cho các chủ hàng phía Việt Nam mượn, nên tới buổi sáng ngày hôm sau, sau khi giao hàng xong thì các chủ hàng phía Việt Nam buộc phải trả “đồ nghề” cho phía chủ hàng Trung Quốc để tiếp tục chạy chuyến mới. Lúc này, do những xe chở gà chẳng cần phải che chắn gì, nên sẽ dễ dàng phát hiện ra những chiếc “xe lồng” này.

Buổi sáng trong chuyến hành trình bằng xe máy theo QL18 từ TP. Móng Cái về TP. Hạ Long, tôi đếm được gần 30 chiếc “xe lồng” cỡ 3,5 – 4 tấn mang đủ biển số từ các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên… phóng ào ào ngược ra phía TP. Móng Cái. Điều rất lạ, chừng ấy chiếc xe chở “gà trọc” mỗi ngày từ TP. Móng Cái về phía TP. Hạ Long, đều phải đi qua trạm kiểm soát liên hợp tại Km số 15 trên QL18 (thuộc địa phận xã Dân Tiến, TP. Móng Cái), với đầy đủ các cơ quan chức năng như công an, quản lí thị trường, thú y… mà không bị phát hiện. Bởi, bất kỳ chiếc xe tải nào đi qua đây đều phải mở toang thùng chở hàng để các lực lượng này kiểm tra!

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm