| Hotline: 0983.970.780

Gần 2 năm không có dịch tai xanh

Thứ Hai 02/03/2015 , 10:00 (GMT+7)

Có được kết quả này do chúng ta tổ chức tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh tai xanh ở lợn, nhất là đã thay đổi cách tiếp cận trong công tác chỉ đạo điều hành, huy động tổng hợp các nguồn lực, giải pháp một cách có hiệu quả...

* Một thành công lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật

Kể từ khi dịch bệnh tai xanh ở lợn (PRRS) lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2007 trên đàn lợn tại tỉnh Hải Dương, sau đó tiếp tục bùng phát dữ dội tại nhiều địa phương trong một thời gian dài đến tận đầu năm 2013, đã gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi lợn và ngân sách nhà nước vô cùng lớn.

Nguyên nhân dịch bệnh xâm nhập vào trong nước được xác định do việc buôn bán, vận chuyển lợn mắc bệnh bất hợp pháp qua biên giới.

Theo thông báo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ tháng 6-9/2006, dịch bệnh này đã phát sinh tại 16 tỉnh của Trung Quốc và lây nhiễm cho trên 2 triệu con lợn, buộc Chính phủ Trung Quốc phải tiêu hủy trên 400 ngàn con.

Đầu năm 2007, dịch lại tái phát và lây lan ra 26 tỉnh của Trung Quốc, lây nhiễm cho 310 ngàn lợn trong đó gây chết trên 81 ngàn con. Kết quả phân tích cấu trúc gen của vi rút gây bệnh tai xanh tại Việt Nam cũng cho thấy vi rút có mức tương đồng cao trên 99% so với vi rút gây bệnh tại Trung Quốc.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn trước năm 2013, dịch bệnh tai xanh liên tục xảy ra trên diện rộng tại nhiều địa phương, đặc biệt trong các năm 2008, 2010, 2012 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi lợn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội và gây ô nhiễm môi trường do phải tiêu hủy hàng trăm ngàn con lợn mắc bệnh và chết.

Cụ thể: (1) Năm 2007, toàn quốc có 324 xã, phường của 65 huyện, quận thuộc 18 tỉnh, thành phố có dịch, với số lợn mắc bệnh trên 70 ngàn con và số lợn chết phải tiêu hủy trên 20 ngàn con;

(2) Năm 2008, dịch xảy ra tại 956 xã, phường của 103 huyện, quận thuộc 26 tỉnh, thành phố, với số lợn mắc bệnh gần 310 ngàn con, số lợn chết và buộc phải tiêu hủy trên 300 ngàn con. Ước tính sơ bộ ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi gần 250 tỷ đồng với mức hỗ trợ 38.000 đồng/kg, chưa kể chi phí tiền công tiêu hủy và chi phí cho nhiều hoạt động chống dịch khác;

(3) Năm 2010, đợt dịch tại miền Bắc xảy ra tại 461 xã, phường của 71 huyện, quận thuộc 16 tỉnh, thành phố, với số lợn mắc bệnh trên 146 ngàn con, số lợn chết và buộc phải tiêu hủy gần 66 ngàn con. Đợt dịch tại miền Nam xảy ra tại 1.517 xã, phường của 215 huyện, quận thuộc 36 tỉnh, thành phố, với số lợn mắc bệnh gần 667 ngàn con, số lợn chết và buộc phải tiêu hủy trên 372 ngàn con. Ước tính sơ bộ ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi gần 400 tỷ đồng;

(4) Năm 2012, dịch xảy ra tại 353 xã, phường của 74 quận, huyện thuộc 23 tỉnh, thành phố, với số lợn mắc bệnh trên 77 ngàn con, số lợn chết và buộc phải tiêu hủy gần 45 ngàn con.

Với kinh nghiệm, kết quả đã đạt được trong gần 2 năm qua trong công tác phòng chống dịch bệnh tai xanh ở lợn, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống dịch tai xanh ở lợn trong năm 2015 và các năm tiếp theo một cách chủ động hoàn toàn.

Như vậy, có thể thấy trong thời gian 6 năm (từ 2007 đến 2012), dịch bệnh tai xanh đã làm gần 1,5 triệu con lợn mắc bệnh và gần 900 ngàn con lợn bị tiêu hủy, gây thiệt hại ngân sách của nhà nước khoảng 1.600 tỷ đồng (gồm có: ngân sách nhà nước hỗ trợ tiêu hủy lợn gần 1.000 tỷ đồng và mua vắc xin, thuốc thú y, tiền công chống dịch khoảng 600 tỷ đồng).

Đây mới chỉ tính sơ bộ về thiệt hại phần nổi, còn thiệt hại về giá trị con vật nuôi, kinh phí của người chăn nuôi phải chi phí để phòng chống dịch còn lớn gấp hàng chục lần so với ngân sách nhà nước hỗ trợ, với tổng thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong thời gian gần 2 năm trở lại đây (từ tháng 7/2013 đến nay), dịch bệnh tai xanh ở lợn đã được kiểm soát rất tốt và không xảy ra trong phạm vi cả nước, đã góp phần tích cực vào việc phát triển chăn nuôi lợn một cách bền vững và tăng cao giá trị gia tăng cho người chăn nuôi.

Có được kết quả này do chúng ta tổ chức tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh tai xanh ở lợn, nhất là đã thay đổi cách tiếp cận trong công tác chỉ đạo điều hành, huy động tổng hợp các nguồn lực, giải pháp một cách có hiệu quả, tạo được thế chủ động để phòng chống dịch bệnh, không chạy theo dịch như trước đây, với phương châm phòng bệnh là chính, đồng thời phải phát hiện nhanh, chính xác, xử lý kịp thời và không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

 Do vậy, trong gần 2 năm qua, chúng ta không phải tổ chức tiêu hủy lợn ốm, chết nữa; không gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách của nhà nước. Cụ thể, hơn 2 năm qua nguồn vắc xin tai xanh dự phòng của nhà nước có 1 triệu liều (giá trị 35 tỷ đồng), nhưng hiện tại vẫn còn gần 50% chưa phải sử dụng đến.

Xem thêm
Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.