| Hotline: 0983.970.780

Gần 4.000 dân Quy Nhơn bao giờ có nước sạch?

Thứ Ba 29/11/2016 , 08:22 (GMT+7)

Chỉ cách trung tâm TP Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 2km, nhưng gần 800 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu ở khu vực 1 và 2 phường Ghềnh Ráng chưa được dùng nước sạch.

08-05-55_1
Bộ lọc nước tự chế của bà Thanh
 

Hai khu dân cư này được hình thành từ đầu thế kỷ trước, khi người Pháp xây dựng tại đây một bệnh viện điều trị bệnh phong cho cả vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên. Theo quy định, những bệnh nhân sau khi được chữa khỏi không được ở lại bệnh viện. Họ ra ngoài định cư, hình thành nên khu dân cư quanh bệnh viện, số nhân khẩu tăng dần từng năm.

Khi thành phố Quy Nhơn quy hoạch, chỉnh trang đô thị, nhiều hộ dân nghèo không đủ tiền mua đất xây nhà trong nội thành cũng đôn hết vào đây ở, khu dân cư này ngày càng đông.

Người dân ở đây có thói quen xả rác bừa bãi, chôn lấp trong vườn hoặc ở những vùng đất trống. Qua nhiều năm, rác chôn trong lòng đất phân hủy, thấm vào đất khiến mạch nước ngầm ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Đáng quan ngại là tại khu dân cư này còn có 2 nghĩa địa nhân dân tọa lạc tại 2 đầu, hiện vẫn đang tiếp tục được chôn cất. Do chưa có hệ thống nước sạch nên từ xưa đến nay người dân ở đây cứ phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ những giếng đào hoặc giếng đóng.

Từ khi định cư ở đây, gia đình ông Lê Văn Huệ (SN 1968), ở KV2 (phường Ghềnh Ráng) luôn sống trong nỗi lo bệnh tật khi sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Ông Huệ bộc bạch: “Nhà có 5 người, do nước mạch nước ngầm ở đây bị nhiễm phèn, hệ thống nước sạch không có, mỗi ngày gia đình tôi phải tốn mất 12.000đ để mua 1 bình nước lọc để uống. Giếng đóng có sâu mấy nhưng phải qua lọc thì mới đỡ phèn để có thể giặt giũ, nấu ăn”.

08-05-55_3
Hàng ngày ông Huệ phải mua nước bình để uống
 

Tự tìm sinh kế, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Thanh (61 tuổi), ở khu vực 2 phải tự chế ra bộ lọc nước bằng những cái lu trong đó chứa nhiều lớp sạn, than và cát. Tuy nhiên, mỗi tuần bà Thanh phải thay sạn, than và cát trong lu 1 lần, bởi nếu để quá, phèn đóng quánh lại không còn thể lọc được nước. Thế nhưng cách này vẫn không thể cho ra nước sạch đảm bảo vệ sinh.

Bà Thanh lo ngại: “Nước giếng bị nhiễm phèn nặng, bơm lên có màu vàng đục, đóng màng như mỡ, mùi rất tanh nhìn phát ớn. Sau khi lọc thì nước có trong hơn, nhưng để khoảng 15 phút sau là phèn đóng trở lại, nước tiếp tục trở màu vàng. Nghèo khổ quá, lo cái ăn chưa đủ tiền đâu mà mua máy lọc nước, nên phải lọc thủ công”.     

Ông Trần Phúc Quốc, hàng xóm của bà Thanh, than thở: “Nước ở đây bơm lên tưới cây cảnh thì cây úa lá rồi chết dần, tắm vào thì ngứa phồng mình thử hỏi uống vào làm sao không lo bệnh. Mang tiếng là dân thành phố mà bao năm nay không có nước sạch để dùng”.    

Ông Phan Văn Sơn, Trưởng Ban công tác MTTQ khu vực 2, bày tỏ: Vào mùa khô, các giếng nước khô cạn, người dân trong khu vực phải đi chở từng bình nước sạch về dùng. Nhiều năm nay bà con khẩn thiết đề nghị các cấp chính quyền sớm lắp đặt hệ thống nước sạch để bà con có dùng nhưng chưa thấy gì.  

“Hiện nay còn 776 hộ dân ở khu vực này thiếu nước sạch. Nguyên nhân do khu vực này nằm ở phía bên kia đèo Quy Hòa, hệ thống cấp nước thành phố không đủ áp lực để đưa nước tới. Năm 2013, tỉnh đã dự kiến xây dựng một trạm điều áp để đưa nước qua, nhưng kinh phí lớn quá, khoảng 17 - 18 tỷ đồng mà chưa chắc thành công, nên chưa thể thực hiện”, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng Võ Chí Thiện, cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Tánh, GĐ Trung tâm NS-VSMTNT Bình Định, việc đưa nước sạch vào khu vực trên trước đây UBND tỉnh giao cho trung tâm thực hiện. Nhưng quy mô công trình quá lớn, địa hình khó khăn, cần nhiều kinh phí, trong khi đơn vị thì không có vốn đầu tư nên không thực hiện được. Tỉnh tiếp tục giao cho Cty Cấp thoát nước Bình Định nghiên cứu, lập hồ sơ đầu tư.

Còn ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thì bàn đến phương án khác, đó là liên hệ với tỉnh Phú Yên để kéo nước sạch từ TX Sông Cầu ra cung cấp cho vùng này xem ra thuận lợi hơn, vì không phải qua đèo dốc gì. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là dự kiến.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất